Tiền “hốt” được nhanh nhưng “đốt” siêu tốc
Được biết hồi nhỏ anh liên tục bị đuổi học nhưng cũng rất giỏi kiếm tiền, nhanh và nhiều, nhờ đâu?
Tôi có lẽ là một trong những “thằng Hải Phòng” đi khắp TP đều có bạn. Đơn giản là bởi quãng thời gian đi học, tôi bị đuổi từ trường này sang trường khác, vì tội vừa dốt vừa nghịch. Năm 2000, tôi tạo một diễn đàn cho các bạn học đại học, ai cũng phải cung cấp cho tôi email, số điện thoại. Đứa nào có việc gì liên quan đến nhóm cũng phải tìm tới “thằng Cường” đầu tiên. Khi ấy, lần đầu tiên tôi nhận ra rằng, ai nắm giữ data, người đó có sức mạnh.
Trải qua nhiều lĩnh vực khác nhau: Thiết kế đồ họa, máy tính, in ấn, làm báo… mỗi vị trí công việc, tôi lại tự phát hiện, thâu nạp một “triết lý” như vậy, để từ đó dẫn dắt tôi đến con đường kiếm tiền rất nhanh, rất nhiều sau đó.
Cụ thể, những triết lý giúp anh kiếm được tiền, là gì?
Làm đồ họa, tôi nhận ra ý nghĩa thông điệp marketing. Đi bán báo, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc bán hàng; tức cả một tòa soạn với đầy đủ ban bệ có thể “chết đói” nếu không có ông bán báo.
Quá trình cầm đường dây nóng của tờ báo Bóng Đá, tôi nhận ra nhu cầu thông tin kết quả trận bóng. Cùng anh em thành lập Công ty Quang Minh DEC, cung cấp dịch vụ kết quả bóng đá qua tin nhắn, tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền từ đây.
Hồi ấy, cả toà soạn 60 người làm từ sáng đến đêm, từ đêm đến sáng đi kèm cả hệ thống phân phối rất lớn, phát hành khoảng 30.000-40.000 bản, giá bán cũng chỉ 1.900 đồng/tờ. Trong khi đó, một tin nhắn kết quả bóng đá chỉ 160 ký tự bán được 2.000 đồng/tin, mà không tốn chi phí in ấn, phát hành. Ngay ngày đầu tiên ra mắt, chúng tôi đã bán được 30.000 tin, thu về 60 triệu đồng. Và khách hàng tăng chóng mặt, đỉnh điểm tới 300.000 tin, tương ứng doanh thu 600 triệu đồng/ngày. Khi ấy, tôi nhận ra sức mạnh của công nghệ và biết rằng, mình có thể giàu khủng khiếp nếu tận dụng sức mạnh này.
“Đẻ” nhiều game online giúp anh “hốt” tiền nhanh nhưng “đốt” tiền cũng siêu tốc, vì đâu?
Quang Minh DEC quyết định đầu tư vào game online - thị trường hái ra tiền khi đó. Song do chưa hiểu về thị trường này, sản phẩm đầu tay mang tên “Con đường đế vương” của chúng tôi đã chết yểu, 21 tỷ đồng tan tành. Đó là thất bại đầu tiên của tôi. Rất ê chề.
Không chịu thua, tôi đánh ván mới, đầu tư 27 tỷ đồng vào game “Thế giới hoàn mỹ”, ban đầu rất ngon ăn với doanh thu có ngày lên tới 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đúng thời điểm đó cơ quan quản lý siết quản lý game nên “đứa con thứ hai” cũng phải đóng cửa. Uy tín của tôi xuống dốc không phanh. Nội bộ công ty mâu thuẫn. Tôi nghỉ việc, rơi vào cảm giác ngập tràn thất vọng, tiếc nuối.
Rời Hà Nội, vào TP HCM, thấy người bạn làm phần mềm tự động chơi game “Võ lâm truyền kỳ” cho vợ mê trò này, máu con buôn của tôi lại nổi lên. Tôi hùa mở công ty, bạn lập trình, tôi bán hàng. Tiền lại ào ào về tài khoản, mỗi tháng vài tỷ đồng. Tôi lại “ngộ” ra việc kiếm tiền ở cấp độ cao hơn: Dịch vụ online.
Nhưng đó cũng là khi cấp độ hư của tôi tăng lên mức số nhân, vì kiếm tiền quá dễ. Một tối đi bar tôi có thể đốt vài trăm triệu đồng. Bồ bịch, hư hỏng tôi “dính” cả.
Tôi cứ như vậy sống, chẳng tính tương lai. Cũng không đầu tư học hành, sáng tạo… Trong lúc tôi không tính, thì đối thủ họ tính. Cuối năm 2008, nhà phát hành game “Võ lâm truyền kỳ” tích hợp thẳng tính năng chơi game tự động. Phần mềm của tôi không ai mua nữa. Dòng tiền dừng lại ngay lập tức.
Không bỏ cuộc, tôi và anh em bạn bè gom lại được 12 tỷ đồng, mua game “Cổ Long” của đối tác tại Hong Kong, bản địa hoá, dịch, thử nghiệm, phát hành... Cuối tháng 7/2009, game ra mắt với kỳ vọng tạo ra một cỗ máy in tiền.
Ngày đầu tiên game này đã kéo được tới 600.000 người chơi. Song chính vì vậy mà game “chết” nhanh, do quá tải. Thậm chí, đau hơn, khi đối tác thông báo sửa được lỗi, tôi đi vay 4 tỷ đồng để chạy marketing triển khai tiếp thì phát hiện game chưa hết lỗi, trước đó chạy ngon chẳng qua là chẳng có ma nào vào mà thôi!
Lúc đó thì tôi sụp đổ thực sự. Lần đầu tiên rơi vào cảnh nợ tiền. Dù tôi tìm cách gỡ vài keo nữa, nhưng không ăn thua. Tài chính kiệt quệ. Nhà tôi phải cắm ngân hàng. Xe cộ, đồ đạc bán sạch. Tôi tìm niềm vui trong rượu. Nhưng khi say, đủ suy nghĩ tiêu cực tìm đến, tôi thậm chí hủy hoại bản thân, như di điếu thuốc đang hút dở vào tay, cảm giác tay đau lòng đỡ đau. Tay tôi giờ rất nhiều sẹo vì thế.
Tôi làm gì có hình ảnh mà giữ!
Nhìn Nguyễn Vĩnh Cường bây giờ khó mà hình dung được anh từng trải qua những ngày tháng đó. Điều gì đã giúp anh vực dậy?
Cho đến một đêm cuối năm mưa lạnh, tôi ngồi uống rượu một mình thì chợt có ý nghĩ ập đến: Lỡ rồi tôi trúng gió chết thì sao? Tôi mường tượng sáng mai, xác tôi được phát hiện bởi mấy bà quét rác. Trong cơn tủi thân cùng cực ấy, tôi nhận ra mình không thể tiếp tục sống như vậy nữa.
Tôi tham gia BNI - tổ chức kết nối kinh doanh, rồi gặp được một vài người bạn chuyên tổ chức khóa học về tư duy tích cực, từ đó ngộ ra hệ thống tư duy giúp thay đổi cuộc đời. Tôi nhìn lại quá khứ, nhìn nhận những gì mình có thể làm rất tốt và ngược lại. Năm 2013, tôi mạnh dạn viết ra mục tiêu: Trở thành chuyên gia hàng đầu về marketing ở Việt Nam vào năm 40 tuổi và làm thày của nhiều người.
Tôi dấn thân nghề đào tạo marketing và bắt đầu có rất nhiều tiền. Tôi đầu tư một vài lĩnh vực và thành công. Tiền bạc hồi dần, niềm tin của tôi cũng quay lại. Mục tiêu tôi đặt ra đến sớm hơn cả mong muốn…
Đứng trước hàng ngàn, hàng vạn học viên, anh vẫn thoải mái phát ngôn những từ “nhạy cảm”; không giấu giếm quá khứ thất bại, hư hỏng. Anh không lo bị mất hình ảnh “người thày” sao?
Tôi không ngại thừa nhận: Tôi làm gì có hình ảnh mà giữ. Tôi quan niệm: Ngày hôm qua là cơm thiu, ngày mai là gạo sống, chỉ hiện tại là cơm dẻo, canh ngọt. Do vậy, hãy học từ kinh nghiệm những ngày đã qua, lập kế hoạch cho những ngày sắp tới, làm tốt những gì cần làm trong hiện tại. Chỉ điều đó mới giúp mình có cuộc sống đẹp hơn.
Tôi không xấu hổ vì quá khứ, thậm chí còn biết ơn vì nếu không có những ngày thất bại, thua lỗ, nợ nần, hư hỏng, sa ngã, sẽ không có Nguyễn Vĩnh Cường hôm nay.
Dạy marketing mà không biết “make color”, ai học?
Trải qua hơn 10 năm kinh nghiệm đào tạo marketing, diễn giả - doanh nhân Nguyễn Vĩnh Cường đào tạo trung bình mỗi năm 20-25 ngàn học viên. Nhiều khóa học của anh thu hút tới 5.000 người tham dự. Nguyễn Vĩnh Cường là đồng sáng lập và quản lý nhiều doanh nghiệp về đào tạo, marketing và một số lĩnh vực khác.
Cũng có người cho rằng, anh là “phù thủy” marketing, nên cũng rất biết “make color - làm màu” cho bản thân và các khóa học của mình?
Tôi không giấu niềm tự hào khi đi lên từ những buổi đào tạo đầu tiên chỉ có 50 người đến con số kỷ lục 5.000 người bây giờ. Hồi ấy, đứng trước mấy chục học viên song vẫn tôi run bắn. Thậm chí mong có động đất để không phải dậy. Còn bây giờ tôi chỉ mong không có động đất để được dậy (cười).
Tôi làm thày dạy marketing, mà không biết marketing cho chính sản phẩm của mình thì dạy được ai? Nên nói tôi “làm màu” cũng chẳng sai. Nhưng qua thời gian, qua mưa nắng, “màu” nào rồi cũng “bay”. Tôi không thể cứ đứng ở đây nếu không mang lại cho học viên giá trị, cái họ cần.
Học viên họ cần gì nhất, theo anh? Và anh đáp ứng nhu cầu ấy như thế nào?
Khách hàng vừa muốn tiền, vừa muốn vui. Nhưng để họ vui, họ sẽ không có được thứ họ muốn. “Đặc sản” của tôi là những bài học thực tế. Hàm lượng kỹ thuật, kỹ năng rất nặng. Tôi không truyền cảm hứng, truyền động lực bằng những con số triệu USD, mà hướng dẫn họ từ những thứ nhỏ, lặt vặt nhất như cách di con chuột như thế nào, sửa từng chữ họ viết ra sao. Tôi còn bắt họ luyện đi luyện lại, thành thạo mới thôi. Đó cũng là lý do tôi ít đào tạo online (online chỉ đào tạo chiến lược). Làm gì có chuyện nằm xem một ông luyện tập qua Youtube mà bụng mình lên 6 múi bao giờ.
Anh có tính quay lại đầu tư, cho ra đời những game hoành tráng, tạo ra những “cỗ máy in tiền” như đã từng?
Không bao giờ. Sau quá trình thành công quá dễ dàng, thất bại cũng rất nhanh chóng, tôi nhận ra: Trở thành cao thủ game kiếm tiền triệu USD ư? Hoang đường, game thủ cỡ đó chỉ chiếm 1 phần tỷ người chơi. Triệu người cắm đầu chơi game, thì cũng có nghĩa cả triệu người đánh mất tương lai. Hãy nhớ, game chỉ là giải trí, các bạn không thể dành cả cuộc đời để giải trí.
Thậm chí, trước tôi từng khát khao mở quán nhậu vì thích nhậu. Nhưng kể từ khi tôi được giác ngộ rằng, thứ duy nhất giúp một người thay đổi cuộc đời là giáo dục (đọc sách, tự học, tự giác ngộ…), tôi không còn hứng thú đi nhậu và cũng từ bỏ ý định mở quán nhậu.
Qua quá trình đào tạo, anh đúc rút ra điểm yếu của các thương nhân, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khối nhỏ và vừa, là gì?
Tôi cho rằng, điểm yếu cơ bản là hệ thống tư duy. Từ bài học của bản thân, tôi cho rằng để thành công cần 3 thứ: Tư duy, phương pháp và công cụ đúng. Song lỗi tư duy đầu tiên của nhiều học viên và cũng là của người Việt Nam là ghét bán hàng, đặc biệt là bán hàng online. Mà mình thì không thể trở thành thứ mình ghét được.
Tìm ra một sản phẩm tốt không quá khó, để bán nó, bán được giá khó hơn nhiều. Mà bán hàng đâu chỉ là mang sản phẩm đi bán. “Tranh” cái điều khiển tivi với con cũng là bán hàng, vì trong đó bao gồm kỹ năng đàm phán. Lỗi tư duy thứ hai là đổ lỗi. Không đổ lỗi cho người khác thì đổ lỗi cho số phận, mà không nhận trách nhiệm là do họ lười, hoặc ngu. Thứ 3 là không kiên định, dễ bỏ cuộc. Thứ 4 là thích làm việc dễ nên không thể thành công lớn.
Do tư duy muốn làm việc dễ dàng, nên phần lớn thích học các kiến thức đơn giản, học mẹo, học bí kíp, học bí mật trở nên giàu có... mà không hiểu cần có kỹ năng. Không thể nào đọc sách (học mẹo) là sử dụng được máy tính hay xem youtube có thể lái được xe, mà phải luyện tập, luyện đi luyện lại. Tôi thích câu nói rằng, “ở đâu đấy có một người đang luyện tập, còn bạn thì không và khi gặp họ sẽ hạ gục bạn”.
Còn công cụ đúng, ví dụ như trên môi trường internet thì phải biết sử dụng phần mềm. Nhìn từ nhiều học viên, tôi thấy rằng, chỉ cần họ không bỏ cuộc thôi là đã hơn người khác. Tôi cũng vậy. Tôi được như ngày hôm nay là bởi tôi bỏ cuộc nhiều lần, rồi lại kiên định nhiều lần...
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận