Bộ phim tài liệu "Bẫy" được phát sóng vào cuối năm 2022, gây chấn động dư luận, bởi nhiều hình ảnh của người lao động Việt Nam bị lừa làm việc ở nước ngoài.
Qua phim tài liệu "Bẫy" khán giả thấy được cái giá "việc nhẹ lương cao" ở nước ngoài, được nghe lời kêu cứu của nạn nhân ngay trong chính "địa ngục" phía bên kia biên giới.
Những nạn nhân tin vào lời hứa hẹn ngon ngọt để rồi họ phải đối diện những thực tế phũ phàng, đau xót khi trở thành cỗ máy kiếm tiền, thành "món hàng" kiếm lời của nạn mua bán người...
Đề tài quyết định 50%
Nhà báo Hồ Trí cho biết, cuối năm 2021, dựa theo những mẩu thông tin nhỏ trên mạng xã hội rồi qua những cuộc trò chuyện của mọi người rằng chỗ này, chỗ kia có người bị lừa đảo, bị mất tích.
Những câu chuyện phiếm và mọi thông tin còn khá mù mờ, để xác minh ê kíp sản xuất đã dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, cả trong và ngoài nước.
Sau đó, ê kíp đã quyết định lên đường và thực hiện những cảnh quay đầu tiên vào những ngày đầu năm 2022, sự thật đã dần dần được hé lộ. Và rồi, càng đi sâu lại phát hiện thêm những điều mới mẻ, bao quát và cụ thể hơn. Để từ đó, từng mảnh dữ liệu tạo nên một câu chuyện có logic, hợp lý và đúng sự thật.
"Chúng tôi làm vì nghĩ đơn giản, đó là công việc của mình nên mình muốn làm và phải làm. Nghề báo vốn dĩ hơn người khác ở việc họ biết được sự thật và thậm chí còn là những người đầu tiên được chứng kiến sự thật. Và khi biết được một sự thật tàn khốc như thế mà không lên tiếng cũng là tội ác", Hồ Trí tâm sự.
Đây là những thước phim về sự thật, không có kịch bản để dàn xếp hay "diễn" theo ý muốn của ê-kíp. Phim cũng không có đạo diễn, bởi nhân vật không diễn theo sự chỉ đạo của ai. Tất cả lựa chọn đều là của họ và nhiệm vụ của phóng viên chỉ là ghi lại sự thật đó. Việc tìm kiếm và tiếp cận được các nhân vật thậm chí còn khó hơn cả việc làm thế nào để quay được những hình ảnh trong phim. Bởi vậy công sức làm nên bộ phim không thể tính bằng số người, số ngày, mà bằng số phận con người.
Trong quá trình tác nghiệp, gặp rất nhiều khó khăn, đó đến là việc tác nghiệp ở bên kia biên giới, làm thế nào để ghi được hình ảnh ở bên trong các tổ chức tội phạm lừa đảo qua mạng và buôn bán người. Thay vì sợ bị tội phạm bắt giữ, đánh đập hay thủ tiêu khi bị phát hiện mình thâm nhập để ghi hình thì phải nghĩ ra cách đối phó nếu giả thuyết đó xảy đến. Bên cạnh đó là khối dữ liệu "khổng lồ", bởi là phóng viên thì ai cũng "tham" dữ liệu, mong muốn có được nhiều thông tin nhất để phục vụ cho khán giả của mình.
Quá trình triển khai nhận thấy thông tin dày đặc, không thể chỉ gói gọn trong vài mẩu tin phản ánh hay một, hai bài phóng sự. Cả ê – kíp đã mất gần 8 tháng thực hiện, khi phim đóng máy, những tư liệu quay được đã thực sự trở nên đặc biệt bởi tính cảnh báo cao độ của nó và đã vô tình trở thành VTV Đặc biệt.
Đối diện "sinh - tử"
Để ghi lại những hình ảnh bên trong tổ chức tội phạm buôn bán người, bản thân nhà báo Hồ Trí cùng những đồng nghiệp phải đối mặt với những rủi ro rất lớn, đó là cái chết.
Việc cố gắng và chấp nhận hy sinh nhiều thứ để làm nên bộ phim này xuất phát từ việc muốn mang sự thật đến khán giả. Có lẽ đây là bộ phim rất đặc biệt, bởi khán giả có thể tự cảm nhận và thấu hiểu được nó.
Ở vai trò bậc phụ huynh, một người con, một nạn nhân, một mắt xích trong đường dây lừa đảo…, ai cũng có thể thấy hình ảnh mình trong đó. Mỗi khán giả đều có cảm nhận và đều rút ra được thông điệp cho mình.
Bộ phim nào cũng cần có nhân vật. Nhưng điều đặc biệt của bộ phim này là phóng viên cũng thành nhân vật và nhân vật cũng đã phải trở thành phóng viên.
"Chúng tôi không cố gắng chia vai của mọi người bởi để bộ phim hoàn thành là sự giúp sức của rất, rất nhiều người. Có những người đóng vai trò rất lớn trong phim nhưng họ còn từ chối nhận được lời cảm ơn vào cuối phim. Chúng tôi rất trân trọng điều đó và biết ơn họ!" - Nhà báo Hồ Trí chia sẻ.
Sau khi bộ phim phát sóng, nhiều khán giả đã để lại bình luận với sự cảm phục đến những phóng viên làm nên bộ phim này. Trong số hàng trăm bình luận nhận được, mỗi khán giả lại có trong mình những cảm xúc khác nhau. Nhưng đa số đều phải dùng những động từ, tính từ rất mạnh để chia sẻ về suy nghĩ của mình.
Bên cạnh đó, có rất nhiều người khó có thể tin những gì được ghi lại, được phản ánh trong phim lại chính là thực tế, là sự thật đang diễn ra với rất nhiều đồng bào của chúng ta ở nước ngoài.
Một khán giả bày tỏ: "Phải nói ekip quá can đảm, dũng cảm và bản lĩnh. Để có được một tập phim như này thì họ đã xác định số phận của mình như bao nạn nhân kia rồi. Rất cảm phục các anh chị", một khán giả khác chia sẻ "Ôi xem xong mà cảm giác hồi hộp như chính bản thân mình đang trong hoàn cảnh ấy vậy. Cảm ơn VTV đã giúp mọi người có cái nhìn rõ nét về "giấc mộng" kiếm tiền của bao người bên kia biên giới".
Sự lan tỏa của phim đã giúp nhà báo Hồ Trí cũng như các thành viên trong ê-kíp sản xuất có thêm nhiều động lực để tiếp tục dấn thân với nghề và thấy được công việc của mình đã ít, nhiều mang lại giá trị cho xã hội. Phim tài liệu "Bẫy" đoạt Giải Vàng của Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 41 và giải A báo chí Quốc gia năm 2022, Phim tài liệu xuất sắc tại Cánh diều Vàng 2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận