Đạo diễn Phan Đăng Di |
Phim truyền hình dựa hoàn toàn vào kịch bản
Xin chào anh Phan Đăng Di. Từng là tác giả kịch bản các phim có chất lượng nghệ thuật cao như “Chơi vơi’, “Bi! Đừng sợ”, theo anh một nhà biên kịch có vai trò ra sao đối với thành công của một bộ phim?
Thực ra, đây không phải quan điểm của riêng tôi hay một cá nhân nào. Vai trò của kịch bản rất quan trọng. Đặc biệt, các nền điện ảnh lớn đã đặt vị trí kịch bản là một trong những thành phần sáng tạo chính của phim. Thành bại của phim quyết định là ở đó.
Với quan điểm như vậy, thù lao và vị trí của nhà biên kịch cũng tương ứng. Thông thường, ở các nền điện ảnh lớn, các nhà biên kịch thường nhận được thù lao rất cao. Thậm chí, nếu phim thành công hơn, họ còn nhận được tiền tăng thêm về sau nữa.
Anh nhắc đến những nền điện ảnh lớn. Ở Hàn Quốc, các biên kịch được coi như vàng. Phải chăng đó là bí quyết khiến công nghiệp làm phim của họ phát triển như vậy?
Thực ra, thông thường ở phim điện ảnh, biên kịch không phải là vua, mà là đạo diễn hoặc nhà sản xuất. Nhưng phim truyền hình thì dựa hoàn toàn vào kịch bản, sự dẫn dắt của nhà biên kịch dẫn tới rating cao hay thấp. Vì vây, với phim truyền hình Mỹ hoặc Hàn Quốc, nhà biên kịch là vua, thậm chí còn to hơn đạo diễn. Có thể thay cả diễn viên nữa.
Dù sao, biên kịch cũng chỉ là một phần thôi. Nền điện ảnh Hàn Quốc phát triển được như ngày nay là do nhiều yếu tố, một trong những yếu tố quan trọng nhất là việc các tài năng được đánh giá xứng đáng, không chỉ biên kịch mà cả đạo diễn, diễn viên. Đó là nền điện ảnh đã phát triển tới cấp độ mà tài năng nhân lực được coi trọng hơn các yếu tố kỹ thuật, máy móc.
Cùng câu chuyện đó, ở Việt Nam diễn ra như thế nào thưa anh?
Vị trí của nhà biên kịch ở Việt Nam đang rất thấp. Ở cách vận hành một bộ phim nước ta, khâu biên kịch là khâu nhẹ nhất. Dù ai cũng phát biểu rằng biên kịch quan trọng, nhưng sự đầu tư cho biên kịch lại ở mức rất… buồn cười. Nhuận bút của cánh biên kịch không bao giờ cao. Bao nhiêu năm vẫn không tăng, mà thậm chí còn giảm. Hơn nữa, ở Việt Nam khâu có chi phí lớn nhất cũng không phải ở nhân sự, mà là thiết bị, dựng bối cảnh.
Tại sao lại có sự ngược dòng như vậy, thưa anh?
Nguyên nhân thực sự nằm ở nền điện ảnh Việt Nam hiện tại, nhiều khi không vận hành như một guồng máy với những chuẩn mực nghề nghiệp. Ví dụ có những hãng phim mà trong tư duy của họ, việc viết ra một kịch bản rất đơn giản. Họ không hiểu biết gì về biên kịch, sản xuất những kịch bản dở, yếu nhưng không thấy nó là nguy cơ, cho là chẳng ảnh hưởng gì.
Không làm kỹ khâu quan trọng nhất này, nên phim Việt dở từ kịch bản. Một cái dở không thể cứu chữa mà bao năm vẫn thế, rất ít khi có một kịch bản chặt chẽ.
Không nhìn vào yếu tố biên kịch để hy vọng
Nói đi cũng phải nói lại, đội ngũ biên kịch hẳn có những hạn chế mới dẫn tới sự khan hiếm kịch bản hay đến thế chứ?
Đúng, hạn chế thì tất nhiên có. Thực tế, rõ ràng là phải có mức thù lao xứng đáng mới thu hút được người tài. Nếu trả thấp, chẳng có lý do gì để biên kịch phải đầu tư thời gian, tâm huyết cả.
Hệ thống làm phim của chúng ta làm mọi thứ quá vội vàng, hỗ trợ thấp, nhưng cứ muốn có những tác phẩm chất lượng, biên kịch cũng ở trong thế bị động. Họ phải làm vội, làm nhanh. Nhuận bút theo đó khiến họ… chặc lưỡi mà làm. Hiển nhiên cũng không thu hút được những người giỏi.
Rốt cục, nó là câu chuyện thị trường, đúng như người ta thường nói: Tiền nào của nấy!
Theo anh, ngoài vấn đề đãi ngộ, còn những trở lực gì tác động xấu đến giới biên kịch Việt Nam?
Kiểm duyệt cũng là một thực tế. Đôi khi có những chủ đề bị lo ngại, giới kiểm duyệt căng thẳng quá, lo lắng quá đáng mà thành ra không thể nới rộng biên độ cho người sáng tạo.
Nhưng không thể lấy chuyện đó để đổ lỗi. Các nền điện ảnh khác họ cũng có khi bị kiểm duyệt rất gắt gao, nhưng vẫn cho ra các kịch bản cực hay. Hạn chế này là rõ ràng, nhưng không thể lấy làm nguyên cớ. Hãy thử lật ngược lại: “Ngay cả khi mình không bị kiểm duyệt đi nữa, có chắc là mình sẽ có kịch bản hay được không?”
Nhiều hạn chế là vậy, nhưng dường như chúng ta đang tìm cách bù đắp lại bằng việc Việt hoá các kịch bản nước ngoài?
Đó cũng là một biểu hiện nằm trong tư duy “nhanh, vội”. Dù thế nào đi nữa, kịch bản nước ngoài cũng dựa trên chất liệu, thực tế sống khác, không phải thứ thuộc về Việt Nam. Tất nhiên, có những bộ phim nước ngoài hay thì chúng ta đem Việt hoá, tiền trả cho bản quyền thấp, giải quyết rất nhanh những nhu cầu trước mắt.
Nhưng tôi tin là để có sự phát triển chắc chắn, chúng ta vẫn cần đẩy mạnh đội ngũ biên kịch Việt Nam, với những vấn đề thuộc về Việt Nam, chỉ có người Việt mới viết cho hay được.
Nếu điểm mặt một kịch bản Việt Nam chất lượng, anh đánh giá cao cái tên nào? Hai bộ phim gần nhất dựa trên tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn?
Nếu nói một kịch bản Việt Nam thực sự hay thì tôi cũng rất ít khi gặp. Theo tôi, một kịch bản hay nếu đúng ra thì nên là một kịch bản gốc không cần phải dựa hơi văn chương để sống. Đó mới là những kịch bản cao tay về nghề nghiệp. Còn chuyện dựa trên sách ăn khách thì thế giới cũng làm tương tự. Nhưng thường những nền điện ảnh mạnh thì họ sử dụng kịch bản gốc không dựa vào cái gì, hoàn toàn dựa trên trí tuệ, sức sáng tạo của biên kịch. Những kịch bản đó nổi đình đám hơn và được đánh giá cao hơn.
Câu chuyện biên kịch ở Việt Nam, theo đó, dường như ít điểm sáng để hi vọng?
Suy cho cùng, biên kịch cũng chỉ là một khâu và là một khâu rất thụ động. Nó không phải khâu có thể quyết định. Nếu muốn sản xuất ra những bộ phim hay, nó phụ thuộc vào cả một hệ thống. Trong đó, cả người sản xuất cũng phải giỏi để có mắt xanh nhìn ra kịch bản hay, mời được đạo diễn, diễn viên giỏi, thuyết phục để trả tiền xứng đáng cho biên kịch. Chứ không thể nhìn vào yếu tố biên kịch để đặt ra hy vọng cho cả một nền điện ảnh được.
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận