Thời sự

Nhà cung cấp máy tàu “tháo chạy”, ngư dân khốn đốn

10/07/2017, 06:56

Tàu vừa chạy thử đã hư hỏng máy nhưng hơn 1 năm, cơ sở cung cấp máy thủy tháo chạy, bặt vô âm tín.

dc

Tàu vỏ thép 17 tỷ đồng của ông Liên nằm bờ vì hỏng máy

Tàu vừa chạy thử đã hư hỏng máy nhưng hơn 1 năm qua, cơ sở cung cấp máy thủy tháo chạy, bặt vô âm tín, để chủ tàu Quảng Nam khốn đốn trong thảm cảnh tàu nằm bờ, nợ chồng nợ. 

Vừa chạy thử đã hỏng

Nhiều tháng qua, ông Trần Văn Liên (trú Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) - “khổ chủ” tàu cá vỏ thép QNa-94679TS (công suất gần 1.000 CV, tổng vốn đầu tư 17 tỷ đồng) chẳng buồn ra coi ngó con tàu đang nằm bờ tại Đà Nẵng vì bế tắc trong việc sửa chữa. Theo ông Liên, năm 2015 khi được Quảng Nam phê duyệt danh sách đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/CP của Chính phủ, ông ký hợp đồng với Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng) để hoàn thiện phần thân vỏ. Riêng, hệ thống đẩy thủy đồng bộ được ông ký kết với Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (trụ sở tại tháp A1, tòa nhà Indochina Plaza Hà Nội, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy).

Theo đó, hợp đồng do ba Vũ Thị Loan, Giám đốc Công ty Liên Á ký kết ngày 3/12/2015 và cung cấp máy hiệu Mitsubishi (mã hiệu S6R2-MPTK2) với tổng giá trị hợp đồng 2,8 tỷ đồng. Liên Á cam kết các điều kiện giám định, bảo hành (18 tháng kể từ ngày thiết bị hoàn thành quá trình chạy thử) và cử chuyên gia đến lắp đặt, vận hành, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao cho chủ tàu.

Tháng 3/2016, tàu QNa-94679 hạ thủy. Chưa kịp mừng, ông Liên gặp ngay “quả đắng” trong những ngày đầu cho tàu chạy thử đường dài thì máy tàu bất ngờ phát sinh hư hỏng.

Theo đơn trình báo của ông Liên, đến ngày 31/3/2016, kỹ sư Công ty Liên Á vào mở máy phát hiện buloong máy bên trong bị gãy và rớt xuống két luyn. Đại diện Công ty Bảo Duy cho hay, điều bất thường ở thời điểm trước khi thử máy, chuyên gia kỹ thuật của Liên Á là ông Tô Ngọc Tiếp tự ý bỏ về và không tham gia buổi chạy thử như điều khoản quy định tại hợp đồng giữa chủ tàu và Liên Á.

Bỏ mặc ngư dân

Hơn năm trời tàu nằm bờ, ông Liên lâm cảnh thất nghiệp vì trót bán tàu vỏ gỗ lấy 800 triệu đồng đối ứng, mất trắng 500 triệu đồng trả tiền lương trước cho “bạn tàu” cùng áp lực nợ lãi… Ông Liên bức xúc: “Từ khi máy tàu hư hỏng đến nay, phía Liên Á chỉ hỗ trợ 100 triệu đồng rồi mất hút, chưa có một buổi làm việc chính thức nào để tìm nguyên nhân, giải quyết kiến nghị lắp máy mới cho tôi, thậm chỉ chẳng hỏi thăm hay liên lạc gì”.

Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin trường hợp của ngư dân Trần Văn Liên. Sở đang chờ phán quyết của TAND TP Tam Kỳ để có những hỗ trợ cần thiết. Cũng theo ông Tấn, tại Quảng Nam có 35 tàu thép đóng mới theo Nghị định 67, hầu hết trong số này đã ra khơi đánh bắt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các địa phương tại Quảng Nam cũng đang rà soát lại toàn bộ các tàu thép theo yêu cầu của Chính phủ.

Quá sốt ruột, ông Liên gửi đơn khởi kiện Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á và Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy lên TAND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) để phân định trách nhiệm, tìm giải pháp khắc phục máy tàu hư hỏng. Tuy nhiên, cả hai phiên tòa vừa qua đều bất thành với nhiều lí do (bổ sung hồ sơ, vắng người đại diện của Liên Á…). Theo luật sư của ông Liên, phiên tòa vào tuần tới cũng có thể triệu tập nhưng lãnh đạo Liên Á lấy lý do “đang đi Nhật”… PV nhiều lần liên hệ với đại diện của Liên Á nhưng không được.

Xem thêm video:

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Kỳ, Giám đốc Công ty CP đóng tàu Bảo Duy cho biết, công ty sẵn sàng hợp tác với tòa án và ông Liên để làm rõ trách nhiệm hư hỏng máy tàu. Bảo Duy đã có công văn gửi cơ quan chức năng cung cấp các bằng chứng pháp lý rõ ràng, khẳng định việc giải quyết máy tàu hư hỏng thuộc trách nhiệm Liên Á và ông Liên. 

Ông Kỳ nói thêm, theo tinh thần cuộc họp giữa ba bên (Bảo Duy, Liên Á, ông Liên) do Ngân hàng BIDV Quảng Nam chủ trì, có sự chứng kiến của Sở NN&PTNT Quảng Nam (tháng 5/2016), Bảo Duy đã kêu gọi toàn bộ cán bộ nhân viên công ty đóng góp 600 triệu đồng hỗ trợ ông Liên sớm sửa chữa máy tàu. Sau đó, ông Liên và Liên Á tiến hành khảo sát hư hỏng, tháo lắp và mua trục máy về để thay thể nhưng các bên tiếp tục phát hiện vỏ máy bị nứt, phương án sửa chữa thất bại. Con tàu vỏ thép 17 tỷ đồng này tiếp tục nằm bờ trong bế tắc. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.