Xã hội

Nhà đầu tư cao tốc “kêu cứu” vì bị… Nhà nước nợ

29/05/2019, 07:00

Hai doanh nghiệp dẫn đầu về đầu tư đường cao tốc đang đứng trước nguy cơ phá sản vì bị Nhà nước nợ nhiều nghìn tỷ đồng và nợ cả... cơ chế.

img
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vẫn đang chờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đã cam kết

Kỳ 1: Khi doanh nghiệp đi vay để trả thay Nhà nước

Sau hơn 10 năm thực hiện, dự án cao tốc lớn và hiện đại nhất cả nước là Hà Nội - Hải Phòng vẫn đang phải chờ đợi nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đã cam kết. Chỉ tính riêng nguồn kinh phí GPMB Nhà nước mắc nợ dự án lên tới 4.069 tỷ đồng.

10 năm nợ kinh phí làm đường cao tốc

Theo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI - chủ đầu tư), năm 2007, tuyến QL5 rơi vào tình trạng mãn tải, ùn tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân, Thường trực Chính phủ quyết định đầu tư một tuyến đường cao tốc nối Hà Nội - Hải Phòng. Giữa bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, không thể triển khai bằng hình thức đầu tư công, Chính phủ đã kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia thực hiện dự án.

“Khi đó, nếu áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) như các dự án thông thường, Nhà nước cũng sẽ phải tham gia đầu tư ngay từ đầu 30 - 50% tổng vốn đầu tư của dự án, phần còn lại do nhà đầu tư tham gia và hoàn vốn bằng thu phí”, đại diện VIDIFI nói và cho biết, trong điều kiện lúc đó, Nhà nước không thể bố trí phần vốn ngân sách để tham gia dự án ngay từ đầu, Thường trực Chính phủ quyết định thực hiện đầu tư dự án bằng hình thức PPP kèm theo một số cơ chế thí điểm và giao VIDIFI thực hiện. Đồng thời, Chính phủ cam kết bố trí thanh toán chi phí bồi thường GPMB, trả nợ gốc đến hạn các khoản vay nước ngoài (300 triệu USD thời gian 13 - 30 năm) và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường bằng phương thức hoàn trả dần cho dự án sau khi xây dựng xong.

“Để triển khai xây dựng, phần chi phí bồi thường GPMB cho dự án khoảng 4.069 tỷ đồng, VIDIFI đã phải vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để chuyển cho 4 địa phương gồm: Hà Nội 892 tỷ đồng, Hưng Yên 788 tỷ đồng, Hải Dương 992 tỷ đồng và Hải Phòng 1.397 tỷ đồng thực hiện công tác GPMB trong giai đoạn 2008 - 2010”, đại diện chủ đầu tư nói và cho biết, đây phần tham gia trực tiếp của Nhà nước vào dự án. Do không thể bố trí vốn ngay, Nhà nước đã cam kết sẽ hoàn trả dần khoản tiền này trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 746/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đến nay, theo đại diện chủ đầu tư, sau 10 năm thực hiện, VIDIFI vẫn chưa được Nhà nước hoàn trả kinh phí đền bù GPMB, tái định cư tại dự án như cam kết của Chính phủ trước đó. Không chỉ vậy, VIDIFI còn đang phải tiếp tục vay tín dụng ngân hàng để trả lãi cho các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đã cam kết với lãi suất bình quân 10%/năm.

“Tính đến cuối năm 2018, chi phí lãi vay phát sinh thêm do các khoản hỗ trợ của Nhà nước chưa thực hiện được ước tính khoảng 800 tỷ đồng. Nếu việc hoàn trả của Nhà nước tiếp tục chậm sẽ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính của dự án, doanh nghiệp dự án phá sản”, đại diện VIDIFI chia sẻ.

img
Sau 10 năm, đến nay Chính phủ vẫn nợ chi phí bồi thường GPMB dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khoảng 4.069 tỷ đồng - Ảnh: Khánh Linh

Các cấp thẩm quyền cao nhất đã chỉ đạo xử lý dứt điểm

Đại diện VIDIFI cho biết, thời gian qua, việc xử lý phần hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp thẩm quyền cao nhất. Cụ thể, trong đề án tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Chính trị các khoản cam kết tham gia của Nhà nước vào dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bộ Chính trị đã chỉ đạo: “Giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ bố trí ngân sách Nhà nước cấp đủ những khoản thuộc trách nhiệm của ngân sách theo cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Đến ngày 3/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản 334 chỉ đạo các bộ, ngành liên quan bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT giai đoạn 2016 - 2020 và các thời kỳ tiếp theo để thanh toán các khoản hỗ trợ vốn cho VIDIFI đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo Quyết định 746/2015 của Thủ tướng Chính phủ gồm chi phí GPMB, tái định cư (4.069 tỷ đồng) và trả nợ gốc khi đến hạn của hai khoản vay nước ngoài. Tiếp đó, ngày 12/11/2018, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 71 về chủ trương giải quyết khoản tiền hỗ trợ chi phí bồi thường, GPMB của dự án.

Về phía Bộ GTVT, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đã nhiều lần báo cáo Chính phủ để bố trí nguồn vốn hoàn trả cho VIDIFI. Theo ông Lâm, đến nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa khoản hoàn trả chi phí GPMB cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào nguồn 10 nghìn tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn các dự án quan trọng quốc gia. “Sắp tới, trên cơ sở Nghị quyết về nguyên tắc và tiêu chí sử dụng gói 10 nghìn tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn các dự án quan trọng quốc gia, cũng như gói 10% dự phòng chung, Quốc hội sẽ quyết định danh mục để đảm bảo xử lý các vấn đề cấp bách hiện nay”, ông Lâm nói.

Chia sẻ với Báo Giao thông, một chuyên gia kinh tế nhận định: “Khó nhất hiện nay của các cấp có thẩm quyền là việc quyết định phân bổ vốn đầu tư công. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhu cầu vốn đầu tư lớn, rất nhiều dự án cấp bách cần phân bổ vốn. Thế nhưng, về nguyên tắc Nhà nước vẫn phải dành tỷ lệ vốn nhất định để bố trí trả nợ cho các dự án cũ, đặc biệt là những dự án quan trọng có vai trò thúc đẩy phát triển KT-XH như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng”.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc Nhà nước chậm hỗ trợ vốn cho các dự án đã cam kết sẽ phát sinh rất nhiều hệ lụy, không chỉ đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư và niềm tin của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Nhà nước đang đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.