Vàng tăng, nhà đầu tư tranh thủ chốt lời
Ghi nhận của Báo Giao thông sáng 23/9, tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên đường Cầu Giấy, Hà Nội, khách hàng đứng kín cả phía trong cửa hàng. Nhiều khách hàng cho biết đến đây để bán vàng khi giá lên cao.
Có mặt ở cửa hàng từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Hà (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, được con gái tặng tiền làm quà sinh nhật, bà không sử dụng nên dùng số tiền đó đi mua hơn 10 lượng vàng. Giờ thấy giá vàng tăng cao nên mang đi bán.
"Giữa tháng 8 tôi mua vàng SJC của Bảo Tín Minh châu có 67,3 (67,30 triệu đồng/lượng-PV). Nay tôi bán được lời khoảng 1,3 triệu/lượng. Tôi tính lấy tiền đầu tư bất động sản sinh lời lâu dài", bà Hà chia sẻ.
Chia sẻ với PV, quản lý một cửa hàng vàng bạc trên đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội cho biết: Mấy ngày nay số lượng người đến giao dịch vàng tăng mạnh, ước tính tuần qua có khoảng hơn 500 lượt khách, trong đó gần 400 lượt đến bán vàng, còn lại là đổi, mua mới và giao dịch ngoại tệ. Hiện vàng SJC đang ở mức 68,30- 68,60 triệu đồng/lượng.
Nhìn nhận về kênh đầu tư vàng, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Vàng là kênh đầu tư ngắn hạn, nên "lướt" nhanh vì thời điểm giá vàng đạt đỉnh chỉ mang tính nhất thời. Diễn biến kinh tế thế giới còn nhiều biến động nên xu hướng giá vàng vẫn có chiều hướng khó lường".
Bất động sản khởi động nhẹ trở lại
Vàng biến động khó lường, chỉ hợp với đầu tư ngắn hạn, vậy kênh đầu tư dài hạn như bất động sản, cơ hội và rủi ro ra sao?
Sau một thời gian trầm lắng, thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi động nhẹ trở lại khi nhu cầu tìm mua nhà đất trên cả nước đã tăng 6% trong quý 3/2023, theo dữ liệu chi tiết về thị trường vừa được trang Batdongsan.com.vn công bố.
Theo kết quả khảo sát này, xu hướng tăng diễn ra trong tất cả các loại hình bất động sản gồm cả căn hộ, đất nền, nhà riêng và nhà mặt phố. Trong đó, căn hộ chung cư, biệt thự và đất nền ghi nhận nhu cầu mua tăng 6 -7%. Ngoài nhu cầu mua gia tăng trở lại, giá bán nhà đất trong tháng 7 và tháng 8 cũng ghi nhận sự ổn định. Lượng tin rao bán cắt lỗ giảm mạnh so với đầu năm.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án của DKRA Group nhận định: Khả năng thị trường bất động sản 2023 sẽ có những chuyển biến tích cực vào cuối năm. Sóng mua nhà dự kiến tăng trở lại từ giai đoạn quý 4/2023, hoặc chậm nhất là vào nửa đầu năm 2024.
"Thời gian tới, thị trường sẽ có sự hồi phục nhất định ở một số phân khúc và khu vực có kết nối hạ tầng. Phân khúc đất nền ven các thành phố lớn, hạ tầng giao thông đồng bộ, tiện ích đầy đủ sẽ phục hồi giao dịch trở lại, còn căn hộ thì loại hình phục vụ nhu cầu ở thực, tiến độ xây dựng tốt, uy tín vẫn là loại hình có thanh khoản tốt", ông Thắng nhấn mạnh.
Chia sẻ với Báo Giao thông, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhận xét, cùng với việc nhà đầu tư bắt đầu quan tâm trở lại thị trường bất động sản, mặt bằng lãi suất đang thấp cũng là một lợi thế cho thị trường này.
Chứng khoán phục hồi trong quý 3?
Mặc dù có phiên lao dốc cuối tuần trước (23/9) và phiên đầu tuần vẫn giằng co, song thị trường chứng khoán được nhiều tổ chức trong nước, quốc tế nhận định có dấu hiệu phục hồi ổn định.
Số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước đã quay lại mua ròng trong tháng 8 với quy mô gần 3,4 nghìn tỷ đồng.
Nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng ở nhiều nhóm công nghệ thông tin (1,2 nghìn tỷ đồng), bất động sản (818 tỷ đồng), nguyên vật liệu (737 tỷ đồng), hàng tiêu dùng không thiết yếu (454 tỷ đồng), năng lượng (316 tỷ đồng) và y tế (225 tỷ đồng). Tuy nhiên, ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây (2,5 nghìn tỷ đồng).
Nhận định xu hướng sắp tới, quỹ đầu tư từ Phần Lan Pyn Elite Fund cho rằng: "Chúng tôi tin năm 2024 là một năm tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế. Dòng tiền nội sẽ quay trở lại với kênh đầu tư cổ phiếu và thị trường chứng khoán sẽ tiếp đà phục hồi trong quý 3 này ".
Cơ sở của triển vọng này, theo Pyn Elite Fund, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, GDP năm 2022 tăng trưởng đạt 8%. Quỹ này dự báo tốc độ tăng trưởng GDP có thể sẽ đạt hơn 5% vào năm 2023 nhờ sự tăng tốc vào cuối năm.
Cũng theo Pyn Elite Fund, trong vài năm tới, GDP Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình từ 5-7%/năm và kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ duy trì ở mức 12-25%/năm.
Nền tảng cho niềm tin vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo quỹ này, bao gồm dân số 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa nhanh, trình độ giáo dục ngày càng được nâng cao, sản xuất công nghiệp hiệu quả, chính sách thương mại chủ động, linh hoạt cùng nền kinh tế ổn định lâu dài.
Đánh giá cao sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ vừa trở thành đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời, lạm phát chỉ tăng 2.9% trong tháng 8/2023, quỹ Pyn Elite Fund nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang tương đối rẻ. Chỉ số VN-Index hiện giao dịch ở mức P/E là 12.3 với kỳ vọng thu nhập vào năm 2023. Thậm chí với mức tăng trưởng lợi nhuận được dự đoán cho năm 2024, tỷ lệ P/E sẽ giảm xuống dưới 10 lần.
Gửi tiết kiệm có "chắc ăn"?
Trong khi đó, bất kể lãi suất huy động đã và đang giảm mạnh, một số các nhà đầu tư có "khẩu vị rủi ro an toàn" vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng.
Vừa nhận được 600 triệu đồng tiền trả nợ từ người bạn, anh Huy Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội) đang tìm hiểu để gửi ngân hàng Vietcombank, với thời hạn 6 tháng lãi suất 5,8%.
Theo anh Hùng, mỗi kênh đầu tư đều đòi hỏi điều kiện và độ rủi ro nhất định, như vàng diễn biến khó lường; chứng khoán phải biết phân tích cả về thông tin lẫn kỹ thuật; bất động sản yêu cầu vốn lớn và dài hạn… Do vậy, anh chọn kênh có lợi nhuận thấp, song ổn định và an toàn hơn cả.
Theo khảo sát của Báo Giao thông, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang giảm khá sâu. Hiện chỉ còn 1 ngân hàng áp dụng mức lãi suất 7%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn không đáng kể.
Tại một số ngân hàng, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài từ 9 tháng trở lên đang thấp hơn kỳ hạn 6 tháng. Mặt bằng lãi suất huy động tương đối đồng đều trên toàn hệ thống, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng được thu hẹp đáng kể, là tín hiệu cho thấy thanh khoản hệ thống ổn định.
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, các kênh đầu tư đang nóng lên và nhiều rủi ro. Tuy nhiên, gửi tiền tiết kiệm cũng không phải là kênh "chắc ăn" hoàn toàn, bởi lãi suất đã và đang giảm sâu.
"Gửi tiết kiệm là kênh đầu tư ổn định. Song cũng phải lưu ý, thời điểm này các ngân hàng liên tục hạ lãi suất và vẫn đang trong thời kì "bội thực tiền" nên không thể không nghĩ đến rủi ro lạm phát", ông Lạng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận