Thư viện và nhà hát lớn Haskell là một cơ sở nghệ thuật lịch sử có sức chứa 400 người ở biên giới Mỹ và Canada. Sân khấu của nhà hát này ở thị trấn Stanstead thuộc tỉnh Quebec, Canada, trong khi khán giả ngồi ở làng Derby Line thuộc bang Vermont ở Hoa Kỳ. Đặc biệt, nhà hát này có 2 địa chỉ, 2 đường dây điện thoại khác nhau.
Không gian bên trong nhà hát rất rộng, có phòng thay đồ, màn hình chiếu phim lớn, dàn nhạc...Nhà hát này là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa cộng đồng ở biên giới 2 nước.
Được biết nhà hát này được kiến trúc sư Stanstead địa phương James Ball và đối tác của ông, Gilbert Smith ở Boston thiết kế. Sau nhiều lần trì hoãn thì nó đã được hoàn thành vào năm 1904 với chi phí khoảng 50.000 USD, đây là một khoản tiền rất lớn vào thời điểm đó. Nhà hát Haskell luôn mở cửa miễn phí và được xem là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử của Canada và Mỹ.
Có thể nói rằng nhà hát Haskell là nhà hát Opera duy nhất trên thế giới bị chia cắt bởi một đường biên giới quốc tế. Nơi đây còn là một thư viện lớn, tất cả các cuốn sách đều nằm trong khu vực Canada và phòng đọc được phân chia riêng biệt. Theo tạp chí ONE New England Arts , thư viện bên trong nhà hát có hơn 20.000 cuốn sách, một số bằng tiếng Pháp và một số khác bằng tiếng Anh.
Vào năm 2011, người Mỹ trở nên khắt khe hơn về biên giới này. Việc chi chuyển giữa 2 nước Mỹ và Canada cũng bị thắt chặt, mọi người không còn tự do đi lại. An ninh được tăng cường tối đa để ngăn chặn các phong trào khủng bố diễn ra ở khu vực biên giới.
Được xây dựng trên biên giới hai quốc gia đã khiến thư viện và nhà hát lớn Haskell trở thành nơi thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Nơi đây đã được các phương tiện truyền thông như Life Magazine, Canada Geographic, New York Times đưa tin rất nhiều.
Các diễn giả nổi tiếng cũng thường xuyên lui tới đây để biểu diễn. Các thể loại âm nhạc đã được trình diễn ở đây bao gồm jazz, nhạc dân gian, bluegrass, rock, giao hưởng...Một số người biểu diễn trong quá khứ đã để lại rất nhiều chữ ký trên các bức tường trong khu vực thay đồ, một trong số đó đã được bảo tồn cho tới ngày nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận