Bất động sản

Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 tận tâm vì cộng đồng

31/12/2022, 13:30

Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhà máy Bột - Giấy VNT 19 luôn chú trọng đến công tác an sinh xã hội.

An sinh xã hội để phát triển bền vững

Đại diện công ty cổ phần Bột - Giấy VNT 19 cho biết, việc thực hiện công tác an sinh xã hội luôn được công ty ưu tiên hàng đầu và đặc biệt quan tâm. Bởi công ty nhận thức được rằng đây là một trong những yêu cầu quan trọng đối với doanh nghiệp nếu thực sự muốn phát triển vươn xa và bền vững.

img

Đại diện công ty cổ phần Bột – Giấy VNT 19 tặng quà Tết năm 2022 cho các gia đình khó khăn

Thời gian qua, công ty đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động an sinh xã hội, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương…Đơn cử như: Hỗ trợ gia đình chính sách, các hộ nghèo khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh COVID-19; tặng quà Tết, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó,…

Về vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, Công ty cổ phần Bột - Giấy VNT 19 đã tuyển dụng, đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi nghề, bố trí việc làm phù hợp, ổn định lâu dài cho người lao động và đặc biệt ưu tiên con em địa phương. Đơn cử: Trong đợt tuyển dụng tháng 8/2022 vừa qua, nhà máy tuyển được 35 người là con em ở các xã Bình Phước, Bình Trị, Bình Hải. Hiện, những lao động này đã hoàn thành khóa đào tạo nâng cao tại trường cao đẳng nghề giấy, thị trấn Phù Ninh tỉnh Phú Thọ và trở về làm việc tại dự án.

Không chỉ được dướng dẫn học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, những lao động có năng lực tốt, chất lượng cao còn được sắp xếp vào những vị trí quan trọng hơn trong nhà máy.

img

Lao động địa phương được nhà máy tuyển dụng, đào tạo và bố trí việc làm phù hợp

Bên cạnh đó, nhà máy Bột - Giấy VNT 19 cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là ngành công nghiệp khai thác, chế biến dăm gỗ, chuyển đổi lao động nông nghiệp sang công nghiệp, đảm bảo và gia tăng thu nhập của người dân ổn định, không bị ảnh hưởng với thiên tai, mất mùa.

Trong thời gian tới, khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ thu hút từ 800 đến 1.000 lao động tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài ra tạo việc làm, dịch vụ gián tiếp cho hàng ngàn lao động khác.

Đồng thời, nhà máy sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương thông qua các loại thuế như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Dự tính, tổng giá trị các loại thuế, phí Nhà máy đóng góp vào ngân sách địa phương có thể sẽ đạt từ 800 tỷ đến 1.000 tỷ/năm.

Bảo vệ môi trường là mục tiêu then chốt

Theo công ty cổ phần Bột – Giấy VNT 19, lãnh đạo công ty luôn xác định kế hoạch phát triển hài hòa giữa sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường. Đây được xem là yếu tố mang tính sống còn, được chủ đầu tư chú trọng từ giai đoạn thiết kế, lập dự án đến việc đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại, đồng bộ; đồng thời, giám sát chặt chẽ quá trình vận hành, sản xuất nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường.

img

Nhà máy Bột – Giấy VNT 19 với các phân xưởng hiện đại, công nghệ tiên tiến

Theo đó, nhà máy Bột - Giấy VNT19 hiện đang sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất bột giấy phổ biến nhất hiện nay trên thế giới như: Công nghệ nấu bột liên tục đẳng nhiệt (Isothermal cooking-ITC) và hệ thống tẩy trắng bột giấy với công nghệ tẩy ECF tiên tiến. Các thiết bị chính và phụ trợ hoạt động, giám sát, điều khiển, bảo vệ của nhà máy được tự động hóa hoàn toàn, có độ chính xác và tin cậy cao và hầu hết đều có xuất xứ từ châu Âu.

Nhà máy cũng được áp dụng những giải pháp kỹ thuật tối ưu như: Dịch rửa giai đoạn sau được làm nước rửa cho giai đoạn trước, trong một vòng tuần hoàn khép kín; toàn bộ dịch đen cô đặc được thu hồi đem đốt để phát điện cho nhà máy điện 54 MW đồng thời thu hồi hóa chất tái sử dụng; sử dụng hệ thống khử dư lượng Clo Dioxit cho nước thải tẩy bột;... để hạn chế phát thải ra môi trường.

Đối với vấn đề xử lý nước thải, công ty đã đầu tư phân xưởng xử lý nước thải hoàn toàn mới 100% với công nghệ và thiết bị xử lý tốt nhất hiện nay từ Châu Âu do công ty Aquaflow đến từ Phần Lan thiết kế, cung cấp thiết bị, giám sát lắp đặt, chạy thử và chuyển giao đảm bảo nước thải sau xử lý đạt và tốt hơn tiêu chuẩn của QCVN 12-MT: 2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy.

Bên cạnh việc tuân thủ theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt, công ty đã bổ sung tối đa các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, giám sát, bảo vệ môi trường. Cụ thể, hồ sự cố được nâng công suất từ 20.000m3 lên 50.000m3; hồ sinh học có dung tích tới 25.000m3 và tạo hệ thống liên hồ; bổ sung hồ nuôi cá kiểm chứng. Nước thải trước khi xả ra môi trường tiếp tục được kiểm tra tự động và có camera giám sát tại hai điểm trước hồ sinh học và sau hồ nuôi cá.

Các thông số kiểm tra về chất lượng nước thải sau xử lý được tự động gửi về cơ quan quản lý nhà nước là Sở Tài nguyên và Môi Trường và Bộ Tài nguyên và Môi Trường để giám sát 24/24h. Đồng thời, công ty sẵn sàng công khai để người dân cùng giám sát hệ thống xả thải của nhà máy.

Dự kiến vào cuối năm 2023, nhà máy Bột - Giấy VNT 19 sẽ chính thức đi vào hoạt động, với nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác an sinh xã hội. Đồng thời, công ty cũng sẽ đầu tư tăng cường các biện pháp giám sát nghiêm ngặt trong quá trình vận hành để đảm bảo hạn chế tối đa các sự cố hi hữu ảnh hưởng đến môi trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.