Thị trường

Nhà máy điện “kêu cứu” vì thiếu than, TKV hé lộ thêm nguyên nhân

21/03/2022, 12:41

Theo TKV, ngoài nguyên nhân khách quan của thị trường thế giới, còn do các nhà máy nhiệt điện chậm xác nhận ký hợp đồng mua bán than năm 2022.

Chỉ mới cấp được 17,15% sản lượng

Theo nguồn tin của Báo Giao thông, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có công văn gửi Bộ Công thương báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh than, cung cấp than cho sản xuất điện năm 2022, ngay sau khi Bộ này đã có văn bản chỉ đạo "trong bất luận trường hợp nào, các đơn vị cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện".

Theo đó, TKV cho biết, tính đến hết ngày 14/3/2022, lượng than tiêu thụ cho các nhà máy điện là 6.342 nghìn tấn, chỉ bằng 17,15% sản lượng theo hợp đồng.

Cụ thể, các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT đã nhận than đạt 19,06% số lượng theo hợp đồng; Các nhà máy thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 16,93%, riêng nhiệt điện Quảng Ninh đã nhận than đạt 22,2%; Một số nhà máy có tỷ lệ nhận than thấp dưới 10% Khối lượng hợp đồng là Ninh Bình (4,7%), Duyên Hải 1 (8,1%), Vũng Áng (7,0%)...

img

TKV khẳng định, do các NMNĐ chậm xác nhận ký hợp đồng mua bán than năm 2022, dẫn đến nguy cơ thiếu than cho sản xuất điện

TKV cũng thông tin, 3 tháng đầu năm, các NMNĐ đăng ký nhu cầu 9.737 nghìn tấn, bằng 26,61% khối lượng theo hợp đồng (không tính NĐ An Khánh, Ninh Bình, Sơn Động).

Nhưng khối lượng than cấp cho các NMNĐ dự kiến là 8.505 nghìn tấn, bằng 23% sản lượng theo hợp đồng ký năm 2022.

Theo kế hoạch năm 2022, sản lượng than TKV phải cung cấp cho các NMNĐ là 35 triệu tấn, gồm 20,92 triệu tấn than tiêu chuẩn Việt Nam và 14,08 triệu tấn than pha trộn giữa trong nước và than nhập khẩu.

TKV nhận định, kể cả tăng sản lượng than nguyên khai mà không có than nhập khẩu, hoặc than nhập khẩu về chậm, hoặc chất lượng không đảm bảo như kế hoạch thì khó có khả năng cung cấp đủ than cho các NMNĐ.

TKV: Do các nhà máy nhiệt điện?

Đưa ra nguyên nhân, TKV lý giải, việc đảm bảo sản lượng than cấp cho các NMNĐ theo khối lượng kế hoạch năm 2022 phụ thuộc rất nhiều vào khối lượng, chất lượng than nhập khẩu theo kế hoạch.

Tuy nhiên, dự kiến 3 tháng đầu năm, TKV mới chỉ nhận được 325 nghìn tấn.

Việc không nhập khẩu được than theo tiến độ kế hoạch 3 tháng đầu năm, TKV nhận định, ngoài nguyên nhân khách quan của thị trường thế giới, còn do đến ngày 2/3/2022, EVN mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn TKV kê khai theo Luật giá, dẫn tới TKV phải đẩy lùi và bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch.

“Hiện nay, sau khi EVN chấp thuận cơ chế giá thì việc tìm được nguồn nhập khẩu than là vô cùng khó khăn và không nhập được các loại than có chất lượng phù hợp để pha trộn.

Kèm theo đó là giá than thế giới tăng đột biến. TKV đã triển khai mở 4 gói thầu quốc tế mua than nhập khẩu để pha trộn trong quý II/2022. Tuy nhiên do giá than thế giới tăng vượt giá đề xuất, cộng thêm ảnh hưởng chiến tranh giữa Nga và Ucraina làm khan hiếm nguồn cung dẫn tới khả năng không có đơn vị trúng thầu”, TKV thông tin.

Còn về việc sản lượng than giao cho các NMNĐ quý 1/2022 chưa cao, TKV khẳng định: Do các nhà máy chậm xác nhận ký hợp đồng mua bán than năm 2022, đa số đến ngày 5, 6/1/2022 mới xác nhận ký hợp đồng và gửi qua thư điện tử cho TKV, nên mất khoảng 7-10 ngày đầu tháng 1/2022 không có căn cứ pháp lý để giao than.

Mặt khác, theo TKV, có một số NMNĐ than (kể cả trong EVN và ngoài EVN) đã ký hợp đồng mua bán than dài hạn, trung hạn với TKV, nhưng lại thường xuyên không đảm bảo thực hiện theo cam kết.

Như là, khi nguồn bên ngoài giá thấp hay điều kiện thời tiết thuận lợi, các nhà máy điện tăng cường lấy than bên ngoài, không tiêu thụ than của TKV (lấy khối lượng ít hơn so với hợp đồng đã ký) dẫn đến tồn kho cao, TKV phải giảm sản lượng sản xuất;

Ngược lại, khi giá cao hay thời tiết không thuận lợi (mưa bão, lũ lụt...) thì lại quay về lấy than của TKV với khối lượng cao, đặc biệt trong điều kiện hiện nay giá than thế giới tăng đạt mức kỷ lục, gấp trên 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế này dẫn đến việc: Nếu TKV không đưa vào kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thì sẽ không đủ nguồn than cung cấp cho các nhà máy điện, do đó dẫn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh than của TKV không ổn định, không đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài.

Trước thực tế đó, TKV đề nghị Bộ Công thương có ý kiến chỉ đạo các NMNĐ tôn trọng và thực hiện nghiêm túc việc nhận than theo hợp đồng dài hạn đã ký kết với TKV.

Bên cạnh đó, phải đăng ký nhu cầu than hàng năm với khối lượng không chênh lệch quá khối lượng bình quân theo hợp đồng dài hạn và thực hiện tiếp nhận đúng khối lượng than đã đăng ký để TKV có kế hoạch đầu tư các dự án và chủ động sản xuất than cung cấp cho sản xuất điện bền vững.

Mặt khác, TKV cũng đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính Phủ cho phép các chủ đầu tư các NMNĐ BOT dùng thêm nguồn than pha trộn nhập khẩu như các NMNĐ khác, do nguồn than trong nước phải đưa vào pha trộn với than nhập khẩu mới đảm bảo đủ than cung cấp cho các NMNĐ.

Và Bộ này cũng cần có giải pháp phù hợp trong điều độ hệ thống điện quốc gia, điều tiết hợp lý việc huy động các nhà máy thuỷ điện, điện năng lượng tái tạo (điện khí, mặt trời ...) và các nhà máy nhiệt điện sử dụng than để khối lượng than cung cấp cho sản xuất điện hàng năm không giao động quá lớn.

Đặc biệt, TKV kiến nghị Chính phủ xem xét tăng giá bán than trong nước, đặc biệt giá bán than cho các NMNĐ. Bởi trước tình hình giá nguyên liệu, sắt thép năm 2022 tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm. Cộng với chi phí chống dịch và tiền lương giữ chân lao động thợ lò tăng cao, làm giảm hiệu quả kinh doanh của TKV...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.