Quản lý

Nhà thầu cao tốc gặp khó vì giá đền bù mỏ vật liệu

14/11/2023, 10:08

Các nghị quyết của Chính phủ giúp quy trình thủ tục cấp mỏ vật liệu đặc thù phục vụ các dự án đường bộ cao tốc được rút gọn đáng kể. Tuy nhiên, hiện các nhà thầu đang gặp khó khi thỏa thuận bồi thường mặt bằng, do chủ đất đề nghị giá quá cao.

"Đứng ngồi không yên" với giá đền bù

Tham gia thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhiều tháng qua, ban điều hành nhà thầu Dacinco vẫn đôn đáo gõ cửa từng chủ mỏ, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương để hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác mỏ Truông Ổi (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) phục vụ gói thầu XL1.

Đây là mỏ đất được tỉnh Quảng Ngãi đưa vào quy hoạch trên diện tích 23ha, có trữ lượng lên đến 1 triệu m3 và là mỏ đất chính để thi công đoạn đầu tuyến của dự án.

Trên tổng diện tích 23ha mỏ Truông Ổi, có 7ha do người dân canh tác được thống nhất với giá bồi thường khoảng 500 triệu đồng/ha. 16ha còn lại nằm ở khu vực đầu mỏ, chủ đất hét giá lên đến 1,3 tỷ đồng/ha, cao gần gấp 3 lần so với giá dự toán (440 triệu đồng/ha).

"Nếu chấp nhận mức giá đó, chỉ tính riêng giai đoạn đầu thi công, nhà thầu đã lỗ trên dưới 10 tỷ đồng so với giá dự toán", đại diện nhà thầu Dacinco chia sẻ và mong muốn các cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi có cơ chế hỗ trợ trong thoả thuận giá đền bù với người dân, chủ đất.

Cùng tham gia dự án đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, thời gian qua, nhà thầu Đồng Khánh cũng phải "bấm bụng" chi trả một khoản chi phí phát sinh lớn trong công tác bồi thường GPMB mỏ vật liệu.

Tại mỏ Núi Thị 1 và Núi Thị 2, theo dự toán, khung giá bồi thường từ 390 - 440 triệu đồng/ha. Tuy vậy, để người dân đồng ý giao đất khai thác mỏ, nhà thầu Đồng Khánh phải chấp nhận mức giá bồi thường hoa màu, cây cối trên đất với số tiền dao động từ 550 - 900 triệu đồng/ha.

Mỏ đất Mễ Sơn phục vụ thi công dự án cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài NhơnẢnh: Lê Đức

Mỏ đất Mễ Sơn phục vụ thi công dự án cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: Lê Đức

Đại diện nhà thầu cho rằng, việc chi trả tiền bồi thường cây trên đất cho người dân căn cứ trên quy định của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi. Với tổng số mỏ đất được cấp trên tổng diện tích hơn 40ha, nhà thầu phải bù phần chênh lệch so với giá dự toán không dưới 10 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, đã trao đổi với lãnh đạo Bộ TN&MT về hướng giải quyết và nhận được câu trả lời: Nếu thực hiện thỏa thuận với người dân không được thì cưỡng chế. "Khó ở chỗ, căn cứ nào để triển khai thì chưa hướng dẫn cụ thể và địa phương rất khó triển khai", ông Minh nói.

Là địa phương có 3 dự án thành phần cao tốc đi qua là Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh, thời gian qua, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu đang được UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung triển khai, tháo gỡ.

Song, theo Sở TN&MT tỉnh Bình Định, việc bồi thường GPMB gặp khó khăn, vướng mắc theo quy định tại điều 62 của Luật Đất đai (mỏ vật liệu xây dựng thông thường Nhà nước không thu hồi đất).

Đối với 14 mỏ đất làm vật liệu san lấp được tỉnh xác nhận đăng ký khai thác, đến nay có 11 mỏ cơ bản hoàn thành thỏa thuận bồi thường, 3 mỏ vẫn đang vướng mắc về thủ tục, giá thỏa thuận.

Cần đưa mỏ vật liệu vào diện Nhà nước thu hồi đất

Ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 được nêu rõ tại các nghị quyết được Quốc hội, Chính phủ ban hành.

Trong đó, cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ, rút ngắn thời gian cấp mỏ khoảng 8 - 10 tháng, so với 10 - 12 tháng nếu thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, để khai thác được vật liệu, nhà thầu còn phải thực hiện công tác thỏa thuận giá bồi thường với chủ sở hữu.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương thành lập tổ công tác bao gồm chính quyền, các chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức thảo thuận với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất bảo đảm phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá; có chế tài để xử lý các trường hợp có tình nâng giá, đầu cơ.

Tuy nhiên, một số mỏ đang rất khó khăn trong việc thỏa thuận bồi thường do chủ sở hữu yêu cầu mức giá bồi thường cao.

"Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu ban hành hướng dẫn về trình tự, nguyên tắc trong đàm phán thỏa thuận bồi thường", ông Vân nói và cho rằng, về dài hạn, cần nghiên cứu sửa đổi các quy định, cơ chế theo hướng đưa mỏ vật liệu phục vụ dự án vào diện Nhà nước thu hồi đất. Phân cấp chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và rút ngắn các thủ tục đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông", ông Vân nói.

Cần quy định thông thoáng chuyển đổi rừng

Đảm nhận thi công nhiều đoạn tuyến dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc đã xin cấp phép hai mỏ đất là mỏ TDTS23 (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) và mỏ Chà Rây (xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).

Đến nay, mỏ TDTS23 đã được cấp giấy phép, song việc khai thác vẫn chưa thể tiến hành do vướng thủ tục nộp tiền trồng rừng thay thế.

"Tỉnh Bình Định đã hết diện tích trồng rừng. Để công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, GPMB mỏ vật liệu hoàn thành, yêu cầu hiện nay là địa phương có diện tích rừng chuyển đổi phải tìm và thống nhất với một địa phương khác trồng rừng thay thế. Việc này mất rất nhiều thời gian", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Theo đại diện UBND tỉnh Bình Định, do không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế, tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác.

"Chúng tôi rất mong bộ chuyên ngành sớm nghiên cứu và hướng dẫn việc nộp tiền vào quỹ đối với các địa phương không còn diện tích trồng rừng thay thế", đại diện Sở TN&MT Bình Định đề xuất.

Theo một lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, vừa qua Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ xem xét, cho phép địa phương có nhu cầu chuyển đổi rừng tạm nộp chi phí trồng rừng thay thế để tiến hành sớm các thủ tục chuyển đổi rừng. Khi nào tìm được địa phương trồng rừng thay thế, tỉnh có nhu cầu trồng rừng thay thế thực hiện quyết toán sau. Tuy nhiên, đến nay, bộ quản lý chuyên ngành vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 vẫn thiếu vật liệu

Về tình hình cung ứng vật liệu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, với 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, vật liệu đá các loại đã xác định đủ nguồn cung cấp.

Vật liệu cát cần khoảng 9,67 triệu m3, trong đó khoảng 4,95 triệu m3 được sử dụng từ 77 mỏ đang khai thác, đáp ứng về trữ lượng nhưng chưa đáp ứng về công suất; hơn 4,7 triệu m3 được sử dụng từ 14 mỏ mở mới có trữ lượng khoảng 11,76 triệu m3. Các nhà thầu đã trình hồ sơ 13/14 mỏ, các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 10/13 mỏ, đã khai thác được 5/10 mỏ với trữ lượng khoảng 2 triệu m3.

Vật liệu đất cần hơn 47 triệu m3, trong đó, hơn 5 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác đáp ứng trữ lượng và công suất. Còn lại gần 42 triệu m3 được sử dụng từ 71 mỏ mới đáp ứng trữ lượng. Các nhà thầu đã trình 56/74 hồ sơ mỏ, các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 38/56 mỏ, đã khai thác được 24/38 mỏ với trữ lượng khoảng 21 triệu m3.

Với hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, vật liệu đá, đất đắp đã xác định đủ nguồn cung cấp.

Đối với cát đắp nền, tổng nhu cầu khoảng 18,4 triệu m3. Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho các tỉnh An Giang (7 triệu m3), Đồng Tháp (7 triệu m3), Vĩnh Long (5 triệu m3).

Mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế giao mỏ đặc thù

Cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được Chính phủ đề cập tại dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra.

Trong đó, đề xuất nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng, thời gian qua, cơ chế này đã được cho phép áp dụng những dự án giao thông trong danh mục Chương trình Phục hồi và phát triển KT-XH.

Về lâu dài, cơ quan chức năngxem xét, nghiên cứu sửa luật theo hướng các dự án có sử dụng ngân sách Nhà nước cần khối lượng vật liệu thi công lớn (hàng triệu mét khối) đều thực hiện cơ chế giao mỏ đặc thù.

Mục tiêu là hạn chế nguy cơ nhà thầu phải mua vật liệu giá cao tại các mỏ thương mại và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp mỏ, thời gian thi công dự án sẽ tối ưu, chi phí đầu tư dự án giảm.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.