Văn hóa - Giải Trí

Nhà thơ Việt Phương, tác giả tập thơ "Cửa mở" qua đời

06/05/2017, 14:19

Nhà thơ từng có thời là thư ký cho cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã qua đời.

1

Nhà thơ từng có thời là thư ký cho cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã qua đời.

Vào lúc 8h50 sáng ngày 6/5/2017, nhà thơ Việt Phương đã trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội. Sự ra đi của ông nhận được nhiều lời tiếc thương, chia sẻ từ bạn bè, đồng nghiệp và người yêu thơ. 

Nhà thơ Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy, sinh năm 1928. Ông tham gia hoạt động chống thực dân Pháp từ năm 17 tuổi, từng bị bắt, ngồi chung xà lim với Tổng biên tập đầu tiên của báo Nhân Dân - Trần Quang Huy (Tên thật là Vũ Đắc Huề). Cái tên Trần Quang Huy đó, ông Vũ Đắc Huề mượn từ chính người bạn tù năm nào.

Hai năm sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, ông về làm việc tại Văn Phòng Chính phủ. Kể từ đó trở đi, ông đóng vai trò là thư ký, giúp việc cho những cán bộ cấp cao như Thủ tướng Phạm Văn Đồng (53 năm) và Tổng bí thư Lê Duẩn (10 năm).

Năm 1970, tập thơ "Cửa mở" của nhà thơ Việt Phương xuất hiện như một hiện tượng văn học. Tập thơ trở thành sách gối đầu gường của nhiều bạn yêu thơ bởi sự mới mẻ về câu từ và nội dung.

Nhiều câu thơ mang hàm ý sâu xa về nhận thức tư tưởng của thời đại lúc bấy giờ, như: "Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ/ Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào. Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước mỹ/ Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệc làm sao".

Tạo ra dòng dư luận tranh cãi kịch liệt, tập thơ "Cửa mở" trở thành tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Việt Phương. Bản in đầu tiên có số lượng 5200 bản, chỉ sau 2 tuần đã bán hết veo. Nhưng chính nhà thơ cũng từng tâm sự, có cán bộ cấp cao đã phê phán là "trong Phủ thủ tướng có kẻ điên làm thơ".

Sau này, nhà thơ Việt Phương còn tiếp tục cho ra đời những sáng tác khác như Cửa đã mở (2008), Bơ vơ đông đảo (2009), Cỏ dọc đường trần (2009), Nhặt nắng trong sương (2011), Sống (2012), Lan (2013) và Nắng (2013).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.