Vận tải

Nhà xe vẫn chần chừ với vé điện tử, vì sao?

26/10/2022, 05:56

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm chi phí vận hành, tăng doanh thu, nhưng vì sao nhiều đơn vị vận tải vẫn chần chừ?

70% đơn vị chưa triển khai hóa đơn điện tử

Hợp tác xã (HTX) vận tải Thăng Long là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực vận tải.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài vẫn chưa thống nhất được phương án thực hiện do còn nhiều ý kiến trái chiều đến từ các nhà xe tham gia vào HTX. Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 78/2021 của Bộ Tài chính, việc triển khai hóa đơn điện tử bắt buộc thực hiện kể từ ngày 1/7/2022.

img

Giao diện đặt vé online của một doanh nghiệp vận tải tuyến Hà Nội - Lào Cai đã áp dụng chuyển đổi số

Đại diện HTX cho biết, chi phí ban đầu để mua phần mềm thực hiện việc chuyển đổi số (bao gồm hợp đồng điện tử, hoá đơn điện tử, vé điện tử và lệnh vận chuyển điện tử) rất lớn, lên tới cả trăm triệu đồng.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, HTX đưa ra phương án, chia chi phí thực hiện trên tổng số phương tiện trong HTX và đơn vị vận tải nào có bao nhiêu phương tiện thì nhân lên để cùng gánh.

Tuy nhiên, phương án này vẫn chưa nhận được đồng thuận từ các nhà xe. Lý do đặc thù của ngành vận tải, trên cùng một tuyến vận tải đã có sự khác nhau ở giá vé, chưa kể các nhà xe lại có tuyến vận tải riêng, chi phí vận hành khác nhau.

Ngoài ra, dịch Covid-19 hai năm qua cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh và tài chính, nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà.

Một doanh nghiệp vận tải chuyên tuyến Tuyên Quang - Hà Nội cũng cho biết, chưa thực hiện chuyển đổi số vì phức tạp. Doanh nghiệp này cho biết cũng chưa được cơ quan nào hướng dẫn, tập huấn chi tiết.

Rào cản tài chính

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở Ninh Bình đã thực hiện việc chuyển đổi số cho biết, chi phí ban đầu để mua phần mềm triển khai đồng bộ các tính năng: hợp đồng, vé và hoá đơn điện tử khoảng từ 75 - 80 triệu đồng, sau đó mỗi tháng lại mất thêm 4-12 triệu đồng, tuỳ từng nhà cung cấp dịch vụ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho biết, hiện vẫn chưa có quy định pháp luật bắt buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số. Giao dịch điện tử và hệ thống chia sẻ kết nối dữ liệu thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực vận tải chưa hoàn thiện.
Đại diện Vụ Vận tải, Cục Đường bộ VN cho biết, sẽ có văn bản gửi các Sở GTVT địa phương, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhắc nhở, đôn đốc các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số. Các sở GTVT địa phương cần tìm hiểu từng khó khăn của mỗi doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện.

“Chi phí lớn nên nhiều đơn vị vận tải nhỏ lẻ chưa sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số. Việc phải đào tạo đội ngũ nhân viên (từ tổng đài viên, điều phối viên, hành chính - nhân sự, kế toán, tài xế…) để vận hành phần mềm theo từng công đoạn cũng là một trở ngại đối với họ, dù đơn vị cung cấp phần mềm sẽ là người hướng dẫn, bởi không phải tài xế nào cũng sử dụng điện thoại thông minh”, vị giám đốc này chia sẻ.

Một số đơn vị vận tải khác cho rằng, việc ứng dụng chuyển đổi số chỉ phù hợp với doanh nghiệp vận tải lớn, có nhiều phương tiện.

Còn đối với đơn vị chỉ có 1-2 xe không nhất thiết phải triển khai vì việc thực hiện thủ công đã quen, ít phương tiện nên không gặp khó khăn hay mất thời gian.

Cũng vì thế, theo báo cáo chưa đầy đủ từ các hiệp hội cơ sở và hội viên trực thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đến thời điểm tháng 6/2022, chỉ có khoảng 30% các đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe cơ sở thuộc hiệp hội thực hiện chuyển đổi số.

Hiện còn khoảng 70% các đơn vị chưa thực hiện do đang gặp khó khăn về tài chính.

“Doanh thu của các bến xe ước đạt 30-40%, đơn vị vận tải hàng hóa khoảng 60-70% và các đơn vị vận tải khách chỉ ước đạt khoảng 40-50% so với trước đại dịch năm 2019. Từ giữa năm 2021 giá xăng dầu liên tục tăng cao, cản trở quá trình phục hồi của các đơn vị”, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết.

Đồng bộ hóa quyết định thành công

Ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Công ty CP Thuỷ bộ Yên Bái cho biết, hiện các đơn vị vận tải thuộc công ty vẫn quản lý, tổ chức bán vé thụ động qua công cụ giấy truyền thống như: Lệnh vận chuyển giấy, vé giấy gây tốn kém về thời gian, chi phí, nhân lực, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thiếu tính đa dạng trong kênh bán vé khiến các nhà xe khó tiếp cận khách hàng.

Theo ông Hùng, trước những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, công ty đang phối hợp với nhà cung cấp phần mềm làm việc với bến xe để cập nhật, kết nối dữ liệu triển khai hoá đơn điện tử, vé điện tử, lệnh vận chuyển điện tử.

Toàn bộ chi phí mua phần mềm, vé điện tử (theo gói), công ty chủ động chi trả, các nhà xe chỉ cần trang bị một máy pos cầm tay (khoảng 4-5 triệu đồng) hoặc máy in nhiệt kết nối bluetooth với điện thoại thông minh (khoảng 1,5 triệu đồng) để thực hiện in hoá đơn điện tử trên xe.

Theo ông Hùng, chi phí ban đầu rất lớn, lên đến hơn trăm triệu đồng nhưng công ty phải chấp nhận để đồng hành và hỗ trợ cùng các đơn vị vận tải, nếu không, việc chuyển đổi số sẽ không thể thực hiện do hầu hết các nhà xe đều lo ngại về tài chính.

Tuy nhiên, việc bán vé điện tử hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn do các bến xe khách trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn chưa lắp đặt máy bán vé tự động.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết, hiện máy bán vé tự động mới đang lắp đặt ở một vài bến xe, rất ít doanh nghiệp có bộ phận thường trực trực tuyến bán vé trên hệ thống. T

rong khi, máy bán vé trên xe khách chỉ lác đác triển khai tại 1, 2 đơn vị. Đặc biệt, các doanh nghiệp vẫn hoài nghi về khả năng đảm bảo sự thông suốt của đường truyền với số lượng vé “khủng” khi mọi đơn vị đều triển khai đồng loạt.

“Việc chuyển đổi số không phải chỉ riêng doanh nghiệp vận tải có thể độc lập triển khai mà phải đồng bộ với việc triển khai ở các bến xe và tiếp nhận thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước», đại diện Hiệp hội nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay tỷ lệ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải, nhất là trong vận tải hành khách đã triển khai hoá đơn điện tử còn khá khiêm tốn trong tổng số hơn 1.300 doanh nghiệp hội viên.

Hiệp hội đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho phép lùi thời hạn thực hiện hoá đơn điện tử, áp dụng đối với các bến xe và các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ đến hết ngày 30/6/2023. Bộ Tài chính đã chuyển văn bản về Cục Thuế TP Hà Nội trả lời nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin hồi đáp chính thức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.