Âm nhạc

Nhạc sĩ Hồng Đăng đã rời bỏ “hoa sữa ngọt ngào” về miền viễn du

21/03/2022, 12:41
image

Nhạc sĩ Hồng Đăng, con người gần gũi chân tình cởi mở đã khép môi cười. Một bậc thầy âm nhạc kinh điển của nền nhạc Việt Nam vừa rời xa cõi tạm.

Thông tin nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời vào sáng 21/3 khiến nhiều người xót xa, tiếc nuối. Ông ra đi, nhưng những ca khúc vẫn sống mãi trong trái tim những người yêu nhạc. Như lời ca sĩ Tùng Dương “Chú sẽ được nhớ mãi. Một nhạc sĩ hiền hậu, đáng kính cùng những tác phẩm đã trở thành kinh điển với nền âm nhạc Việt Nam”.

Ca sĩ Thanh Lam cho biết, khi quay bài hát “Hoa sữa”, chị đang mang bầu con gái đầu lòng. Ca khúc đó, chị đã hát và con gái trong bụng mẹ đã là khán giả đầu tiên của bài hát. Trước sự ra đi của người nhạc sĩ mình quý mến, Thanh Lam đau lòng, xót xa dẫu biết đời người không tránh khỏi quy luật sinh, lão, bệnh, tử. “Cháu luôn nhớ chú”, chị thổn thức.

img

Nhạc sĩ Hồng Đăng

Người nhạc sĩ của Hà Nội

Sinh ra và lớn lên tại Nghệ An nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng lại có cả 70 năm gắn bó với mảnh đất Hà Thành. Bởi thế với nhạc sĩ Hồng Đăng, mảnh đất này là nơi nặng tình, nặng nghĩa.

Cũng từ vùng đất nghìn năm văn hiến, người nhạc sĩ đã có những sác tác đi cùng năm tháng. Trong đó, nhắc tới Hồng Đăng là không thể bỏ qua “Hoa sữa” - ca khúc gần như đã giúp “định vị” một loài hoa đặc trưng của Hà Nội. “Hoa sữa” luôn là một trong những bài hát về Hà Nội được yêu thích và thường xuyên được cất lên mỗi độ thu về.

Bài hát được viết theo đơn đặt hàng cho bộ phim điện ảnh “Hà Nội mùa chim làm tổ” của đạo diễn Đức Hoàn. Như lời của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì ca khúc “là thiên nhiên ẩn hiện trong tình yêu đôi lứa”.

“Hoa sữa” đã trở thành một bản tình ca bất hủ mỗi khi nhắc tới Hà Nội. Giai điệu lãng mạn, nhẹ nhàng đã chinh phục nhiều tầng lớp khán giả “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em”…

img

Nhạc sĩ Hồng Đăng được tặng Giải thưởng Lớn ở Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Bà Lê Anh Thúy – phu nhân của ông, cũng là người được mệnh danh là “từ điển sống” về âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng từng chia sẻ, có lẽ vì ai cũng thấy có tình yêu của mình ở đó nên mọi người đem hoa sữa đi khắp nơi trồng, đặc biệt ở Hà Nội.

Thế là, nhạc sĩ Hồng Đăng bị “trách yêu” là “thủ phạm” gián tiếp khiến hoa sữa trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người bởi mật độ trồng dày đặc tạo ra mùi hắc nồng nặc.

Không chỉ có “Hoa sữa”, với tình yêu dành cho Hà Nội, nhạc sĩ Hồng Đăng còn có những sáng tác khác về mảnh đất Hà Thành như “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, “Mưa bụi”, “Ký ức đêm”… Để từ đó, năm 2021, ông được trao Giải thưởng Lớn "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" vì có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô.

Cả đời cống hiến cho nghệ thuật

Sinh thời, nhạc sĩ Hồng Đăng từng kinh qua nhiều vị trí như Phó tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc và Thế giới âm nhạc. Ông cũng là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam. Đồng thời, ông còn là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Uỷ viên BCH Hội Giao lưu Văn hoá Việt - Nhật, Uỷ viên Uỷ ban Quốc gia Thập kỷ Phát triển Văn hoá quốc tế.

Ông đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho nghệ thuật, làm đủ các công việc từ giảng dạy, sáng tác thanh nhạc, khí nhạc, nhạc phim, viết sách, làm báo... là người thầy của nhiều nhạc sĩ thế hệ sau như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Cường…

Trong cuốn hồi ký “Chuyện bình thường và những mảnh hồi ức chợt hiện”, cố nhạc sĩ Phú Quang từng nhận nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong hai người thầy của mình, bên cạnh nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Theo cố nhạc sĩ Phú Quang, ông vốn là người học kèn cor nhưng say mê sáng tác nên thường thập thò ngoài cửa nghe lỏm nhạc sĩ Hồng Đăng giảng bài cho lớp sáng tác. Sau đó, nhạc sĩ Hồng Đăng sau đó đã “mời” Phú Quang vào học chính thức tại lớp học của mình.

img

Ông có nhiều học trò đều là những nhạc sĩ nổi tiếng như Trần Long Ẩn, Phú Quang, Nguyễn Cường...

Còn trong mắt nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, Hồng Đăng là nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam. Từng cộng tác với nhau nhiều lần kh cùng làm việc ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đánh giá Hồng Đăng là cán bộ có tầm, có tâm, nhiệt huyết và được các thành viên trong đơn vị quý mến.

“Ngôn ngữ âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng mới, dân tộc nhưng không câu nệ quá mức. Tính dân tộc gắn liền với cuộc sống mới nên ngôn ngữ âm nhạc có đặc trưng riêng, thế hệ nào cũng có thể tiếp cận, thưởng thức và hát lên.

Các bài hát viết nhạc phim cũng nhiều, ca khúc cũng hay, các giáo trình âm nhạc do anh biên soạn khúc triết, tỉ mỉ”, tác giả “Đường tàu mùa xuân” đánh giá.

Với những cống hiến của mình, năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: ca khúc Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy''. Năm 2007, ông là nhạc sĩ được vinh danh trong chương trình Con đường âm nhạc.

img

Trong mắt nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, nhạc sĩ Hồng Đăng là người anh luôn cở mở, nhiệt tình

Người nhạc sĩ cởi mở, vui vẻ

Tuy là nhạc sĩ nổi tiếng nhưng trong mắt các đồng nghiệp, người thân quen, nhạc sĩ Hồng Đăng là người luôn cởi mở, vui vẻ, nhiệt tình.

Theo lời ca sĩ Minh Thu, cô chưa bao giờ gặp khó khăn khi xin hát những ca khúc của nhạc sĩ Hồng Đăng. Trong mắt Minh Thu, người nhạc sĩ ấy luôn cởi mở, luôn tạo điều kiện hết mực để các nghệ sĩ thể hiện những ca khúc bất hủ của mình. "Đó là điều ca sĩ như tôi vô cùng biết ơn bác và gia đình", cô thổ lộ.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn kể mỗi lần nhạc sĩ Hồng Đăng vào TP.HCM, đều gọi ông ra đàm đạo chuyện đời, chuyện nghề. Cả hai thân tình, quý nhau về tính cách, sức lao động sáng tạo.

“Anh ấy là người bạn, người anh chân tình, cởi mở, thoải mái và gần gũi. Tôi quý trọng anh ở cái tâm, cái tính, cái tài. Cuộc đời anh Hồng Đăng cống hiến, sáng tạo, tình nghĩa, gắn bó với bạn bè.

Một điểm đặc biệt của anh Đăng là trong người luôn luôn có kẹo, bút bi, bút máy và vật kỷ niệm nho nhỏ để khi gặp bạn bè thân hữu lại tặng. Tôi cũng được anh tặng nhiều kẹo, bút. Anh ấy còn thích xem tử vi và có lẽ, nhiều người đã được chiêm ngưỡng”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn kể.

img

Sau những lênh đênh của cuôc đời, nhạc sĩ Hồng Đăng đã "cập bến" bên người vợ kém hơn 20 tuổi

Tác giả của “Đường tàu mùa xuân” còn khẳng định, cuộc đời của nhạc sĩ Hồng Đăng lênh đênh nhưng chưa bao giờ ông nghe người đàn anh của mình ca thán. Có chăng, nhạc sĩ của “Hoa sữa” chỉ tâm sự khi gặp nỗi buồn trong quá trình làm việc để xin ý kiến. Ông luôn tìm mọi cách xử lý tình huống khi có thể.

Cuộc sống riêng của ông lắm đa đoan cực nhọc và lênh đênh. Sau khi trải qua một cuộc hôn nhân tan vỡ, ở tuổi xế chiều, ông đã gặp và “cập bến” bên cạnh người phụ nữ trẻ hơn mình tới hơn 20 tuổi là bà Lê Anh Thúy.

Trong một cuộc trò chuyện với Báo Giao thông, phu nhân của nhạc sĩ từng khẳng định, bà yêu ông bởi ông là người tốt.

"Đó là người tử tế, nhân hậu, ấm áp và lịch lãm, lúc nào cũng yêu quý vợ con, chẳng bao giờ hằn học hay nói xấu ai. Với con riêng của tôi hay gia đình tôi, ông ấy đều rất chu đáo và tinh tế. Người tài thì nhiều nhưng ông ấy là người tốt".

Người đàn bà ấy đã quý mến, trân trọng và thương quý ông, yêu âm nhạc của ông, đã một lòng tận tâm chăm sóc ông cho đến chặng đường cuối cùng, khi ông không còn "lênh đênh" nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.