Với hệ thống này, các vi phạm của nhân viên tuần đường đều được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.
Hệ thống giám sát hành trình tuần đường tại trung tâm giám sát camera Công ty CP Đường sắt Hà Thái
Mọi hoạt động của tuần đường đều hiển thị trên màn hình
Trung tuần tháng 7, đoạn đường sắt khu vực Bắc Thủy (Lạng Sơn) phơi giữa cái nắng chang chang mùa hè.
Anh Lý Ngọc Thư, nhân viên tuần đường Cung đường Bắc Thủy vẫn cần mẫn đi bộ trên đường ray đang phả ra hơi nóng hầm hập.
Chân bước, mắt “soi” xem trên đường có hỏng hóc hay sự cố gì thì sửa chữa, khắc phục ngay, anh Thư cho biết, cứ một ban 8 tiếng phải đi bộ 21km cả lượt đi và về.
Tính chất công việc như vậy đòi hỏi tính tự giác cao độ của nhân viên tuần đường, có vậy mới đảm bảo an toàn.
“Đường sắt mới áp dụng ứng dụng giám sát hành trình tuần đường cài trên điện thoại thông minh, nên chúng tôi càng phải tự giác”, anh Thư cho hay.
Ông Nguyễn Quang Long, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Lạng (đơn vị quản lý Cung đường Bắc Thủy) cho biết, hệ thống giám sát hành trình tuần đường được Tổng công ty Đường sắt VN triển khai áp dụng trong các công ty bảo trì cầu đường.
Áp dụng hệ thống này rất hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn do chủ quan trong công tác tuần đường.
Đơn vị sẽ giám sát được nhân viên tuần đường có đang đi tuần không, đi với tốc độ bao nhiêu, có đi muộn không...
Ngoài cung trưởng là cấp trên giám sát trực tiếp qua phần mềm cài trên điện thoại, còn tích hợp với trung tâm giám sát camera của công ty.
Qua đó, nhân viên trực tại trung tâm có thể giám sát hoạt động tuần đường được hiển thị trên màn hình.
“Hiện, chúng tôi có 40 tổ tuần đường, trang bị mỗi tổ 1 điện thoại smartphone có cài đặt hệ thống.
Khi nhân viên tuần đường lên ban sẽ nhận điện thoại, khi xuống ban sẽ bàn giao cho nhân viên tuần đường thay ban.
Ngoài đầu tư điện thoại ban đầu, hàng năm chúng tôi phải chi khoảng 50 - 70 triệu đồng cho dịch vụ cung cấp sóng 3G - 4G cho điện thoại.
Vì mục tiêu an toàn là trên hết, công ty sẵn sàng dành kinh phí để triển khai, áp dụng”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Thái cho hay, công ty chính thức áp dụng hệ thống này từ cuối năm 2021, kinh phí đầu tư ban đầu hơn 200 triệu đồng. Hệ thống này tương tự thiết bị GPS nhưng chi tiết hơn.
“Mỗi công ty sẽ được “vẽ” một bản đồ riêng, hiển thị các tuyến đường sắt đơn vị được giao quản lý, điểm giao ban, điểm nghỉ ngơi, chốt giờ đi, giờ đến, giờ giao ban theo quy trình...
Chỉ cần mở ứng dụng ra là có thể biết được nhân viên tuần đường ở vị trí nào, km bao nhiêu.
Hơn nữa, có thể mở để xem lại liệu nhân viên có vi phạm không, nếu có thì ở lý trình nào, vào thời gian nào”, ông Tâm cho biết.
Giám sát được mọi hoạt động của nhân viên
Tuần đường Lý Ngọc Thư đi tuần, kiểm tra trạng thái kĩ thuật đường sắt
Đại diện Ban Hợp tác quốc tế - KHCN, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, hiện có hơn 1.500 nhân viên tuần đường thuộc biên chế của 15 công ty cổ phần đường sắt thực hiện nhiệm vụ tuần đường, nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời các sự cố, chướng ngại, đảm bảo an toàn chạy tàu.
Tuy nhiên, với đặc thù các tuyến đường sắt trải rộng, trải dài, nhiều điểm xung yếu, khó tiếp cận, hoạt động tuần đường trước đây còn một số hạn chế như chỉ dựa trên báo cáo chủ quan của nhân viên, không theo dõi được công việc thời gian thực; không biết nhân viên đi tuần có sử dụng phương tiện cơ giới khi lên ban làm nhiệm vụ hay không; khó kiểm soát các hành vi vi phạm quy trình, quy tắc.
Trước thực tế này, Tổng công ty Đường sắt VN đã triển khai nghiên cứu, thử nghiệm hệ thống giám sát hành trình tuần đường thông qua mạng internet.
Với hệ thống này, sẽ giám sát được công việc tuần đường ở bất cứ nơi đâu; theo dõi nhiều biểu đồ tuần đường của nhiều tổ cùng một lúc trên một màn hình.
Người giám sát có thể theo dõi nhiều nhân viên tuần đường theo thời gian thực, đồng thời có thể biết được người tuần đường có thực hiện đúng quy trình hay không thông qua các thông số trên biểu đồ tuần đường như tốc độ di chuyển; dự đoán phương tiện di chuyển; trạng thái tuần đường (dừng, di chuyển); số km đã tuần trên cung đường...
Do thông tin được lưu trữ nên có thể tra cứu lịch sử tuần đường. Những vi phạm của nhân viên trong thời gian đi tuần như đi quá tốc độ, xuất phát sớm trước giờ giao ban và dừng quá lâu trên 30 phút cũng được lưu lại làm căn cứ xử lý.
Một cán bộ làm công tác ATGT đường sắt cho hay, do tính chất công việc độc lập, hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức chủ quan của nhân viên tuần đường nên thực tế trước đây đã có vài trường hợp vi phạm như bỏ đoạn, không đi hết hoặc đi bằng xe máy, xe đạp, rồi đến nhờ nhân viên gác chắn cho ký sổ nhật ký...
“Tuy nhiên, từ khi áp dụng rộng rãi hệ thống giám sát, không còn hiện tượng này”, vị cán bộ này cho hay.
Ông Nguyễn Quang Long, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Lạng (đơn vị quản lý Cung đường Bắc Thủy) cho biết, quy định, quy trình tuần đường rất nghiêm ngặt nhưng trước đây vẫn có lúc, có nơi nhân viên không tuân thủ thực hiện.
Nếu chỉ qua công tác kiểm tra sổ sách, kiểm tra tại một số thời điểm, hay yêu cầu nhân viên tuần đường giao ban tại trạm chắn đường ngang thì vẫn không kiểm soát được hết.
Dù không phổ biến nhưng vẫn có trường hợp tuần đường không đi bộ trên đường sắt theo quy định, mà đi bằng phương tiện khác hoặc cắt xén quy trình, dù đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào xảy ra sự cố, uy hiếp an toàn do tuần đường vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận