Thị trường

Nhật Bản - Hàn Quốc mới là hai quốc gia đầu tư mạnh vào TP.HCM

30/08/2019, 16:30

TP.HCM không chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng sẽ chịu tác động mạnh bởi thương mại Nhật - Hàn.

img
TP.HCM tổ chức họp kinh tế - xã hội sáng 30/8

Sáng 30/8 tại cuộc họp về kinh tế - xã hội, ngân sách, an ninh, quốc phòng TP.HCM tháng 8, đại diện Sở Công thương TP.HCM, cho biết 8 tháng đầu năm 2019, các ngành kinh tế của TP.HCM có tăng giảm. Trong đó một số ngành xuất khẩu giảm do ảnh hưởng là do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tại cuộc họp PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho hay, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động vào nền kinh tế nước ta có hai mặt tích cực và tiêu cực. Yếu tố tích cực là tình hình xuất khẩu tăng, đặc biệt xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng đột biến trong thời gian qua. Còn yếu tố tiêu cực là kinh tế TP.HCM không chỉ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mà còn là chiến tranh thương mại Nhật - Hàn, cần phải nghiên cứu kỹ để có giải pháp cho kinh tế thành phố.

Tuy nhiên cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời gian qua tác động khá ít tới kinh tế TP.HCM. Điều này thể hiện là kinh tế TP.HCM vẫn đứng vững, duy trì tăng trưởng ở một số lĩnh vực. “Nhưng nếu thương mại Nhật - Hàn mà căng thẳng sẽ tác động rất lớn đến kinh tế TP.HCM, bởi đây là hai nước chủ công đầu tư ở TP.HCM”, PGS TS. Trần Hoàng Ngân nói.

Về vĩ mô, PGS. TS Trần Hoàng Ngân, cho hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn tác động đến tỷ giá. Hiện đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang mất giá, khiến giá cả hàng hóa của Trung Quốc vốn đã rẻ nay càng rẻ hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ, cụ thể là tại TP.HCM, khi mặt hàng của Việt Nam lại có giá cao hơn nhiều so với hàng Trung Quốc.

Với việc tác động lên tỷ giá, mà cụ thể là lãi suất đang có chiều hướng tăng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay. Một khi lãi suất cho vay cao, đầu vào cao thì doanh nghiệp cho ra sản phẩm với giá thành chi phí cao và khó cạnh tranh với các mặt hàng tương tự khác của nước ngoài.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, sở và cơ quan ban ngành ngành liên quan cần phân tích kỹ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chứ không đưa ra số liệu chung chung gây khó cho điều hành kinh tế của TP.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho hay, tháng 8 và 8 tháng đầu năm lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục phát triển; kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của TP.HCM.

Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 94.536 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 747.323 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP 8 tháng đầu năm ước đạt 27,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 25,6 tỷ USD, tăng 10,1%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn 8 tháng ước đạt 33,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 41,3%;…

Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 8 tháng đầu năm là 258.674 tỷ đồng, đạt 64,81% dự toán, tăng 16,09% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 8 tháng đầu năm là 35.249 tỷ đồng, đạt 39,66% dự toán, tăng 0,59% so cùng kỳ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.