Bạn cần biết

Nhiễm bệnh vì... tắm

07/06/2015, 06:20

Nắng nóng, nhiều người chọn giải pháp hạ nhiệt là tắm, bơi ở bể bơi, ao, hồ.

52

Tắm ở ao, hồ tù đọng dễ bị nhiễm bệnh về mắt, da liễu
Ảnh: Thiện Anh

Phát ốm vì bơi

Do thời tiết nắng nóng, nên suốt tuần qua, cứ hết giờ làm, anh Hoàng Lâm Anh (Lò Đúc, Hà Nội) lại đưa con trai xuống hồ Tây tắm. “Sau buổi tắm hôm qua, cậu con 7 tuổi của tôi sốt cao, mắt đỏ ngầu, đầy dỉ. Vội đưa con đi khám thì bác sĩ kết luận cháu bị viêm tai giữa và viêm giác mạc, nguyên nhân do đi bơi ở nguồn nước nhiễm bẩn”, anh Lâm Anh cho hay.

Còn Mai Lan, sinh viên ĐH Thương mại đi tắm bể bơi hẳn hoi, nhưng cũng vừa phải vào Bệnh viện Da liễu T.Ư khám và được chẩn đoán là viêm da, nguyên nhân rất có thể từ nguồn nước bể bơi không chuẩn. “Hôm đầu đi bơi về thấy da ửng đỏ, ngứa ngáy, em tưởng bị dị ứng thời tiết. Ai dè vài hôm sau, mụn nhỏ mọc li ti, ngứa ngáy càng tăng”, Lan nói.

Tốt nhất chỉ nên đi bơi ở bể bơi, và bơi sớm vào lúc 5-7h hoặc 17-19h, tránh lúc quá nắng bởi dễ bị cảm nắng. Khi bơi nên đeo kính, mũ để bảo vệ tóc và mắt. Với trẻ em tập bơi tốt nhất là vào lúc 7-9h sáng mỗi ngày và không nên bơi quá lâu, dễ làm lớp bảo vệ da mất đi (chỉ nên bơi trong một giờ).

Theo bác sỹ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư, lượng bệnh nhân đến khám viêm kết mạc có liên quan đến bơi lội thường tăng trong những tháng hè. Viêm kết mạc là căn bệnh phổ biến nhất khi bơi lội ở hồ bơi nước không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh; hoặc ở các ao hồ tù đọng, nhiều vi khuẩn. “Trong các ao hồ thường có một loại vi khuẩn tên là chalamydia cùng họ với vi khuẩn gây ra bệnh mắt hột. Vi khuẩn này có thể từ bộ phận sinh dục lây vào mắt hoặc từ mắt sang mắt”, bác sỹ Cương khuyến cáo.

Theo bác sỹ chuyên khoa I da liễu Trần Kim Loan, Bệnh viện GTVT T.Ư, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc mắc các bệnh da liễu khi đi tắm ao hồ hoặc đi bơi ở bể công cộng là do nước bể bơi có nhiều hóa chất; hoặc nước bể bơi, ao hồ quá bẩn, vi khuẩn dễ lây lan. “Các bệnh da liễu dễ mắc khi đi bơi là viêm da, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông, nấm da… với những biểu hiện có thể gặp tức thì như ngứa, sần sùi nốt đỏ, đau rát. Ngoài ra, nhiều người do mải bơi lội mà quên đi cái nắng, tia cực tím sẽ làm khô bề mặt da, nặng hơn gây bỏng da, làm thay đổi sắc tố khiến da xuất hiện các đốm tàn nhang, các nếp nhăn, mau lão hóa”, bác sỹ Loan cho hay.

Quá đông, bể bơi khó đảm bảo chất lượng

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, không chỉ các ao, hồ, mà nhiều bể bơi nhỏ trên địa bàn không tiến hành lọc nước theo đúng thời gian và số lượng quy định, trong khi lượng người xuống tắm quá đông dẫn tới vệ sinh nguồn nước không đảm bảo. “Hồ ao, bể bơi công cộng là nơi tập trung nhiều người, mọi thành phần, mọi đối tượng nên việc xây dựng ý thức tắm chung là rất khó. Nhiều người xuống tắm không hề tắm gội trước; thậm chí khạc nhổ, vệ sinh ra bể bơi; nhất là những người bơi đang bị mắc các bệnh ngoài da hoặc nhiễm khuẩn sinh dục, tiết niệu, bệnh về mắt… sẽ càng làm tăng vi khuẩn gây bệnh vào nước”, ông Tuấn nói.

Vì vậy, theo bác sỹ Loan, cách phòng tránh tốt nhất là chỉ đi bơi khi sức khoẻ tốt, không có các vết trầy xước ngoài da để cơ thể có khả năng phòng vệ với các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và tiếp xúc. Đồng thời, tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ tai mũi họng, mắt bằng nước sạch và sản phẩm vệ sinh phù hợp ngay sau khi đi bơi về. “Nếu xuất hiện các bất thường sau khi đi bơi: rát đỏ, ngứa, sẩn phù, tổn thương tai mũi họng, mắt, tim mạch, huyết áp, đau bụng… nên đến khám chuyên khoa để được điều trị kịp thời”, bác sỹ Kim Loan khuyến cáo. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.