Hệ thống hơn 39 nghìn tuyến đường bộ được định giá khoảng 1.831 nghìn tỷ đồng - Ảnh: Tạ Tôn |
Thí điểm cấp thứ trưởng trở xuống của Bộ Tài chính đi làm bằng taxi được thực hiện từ ngày 1/10/2016. Dù mức giảm chi từ việc này không lớn, song đây được coi là hành động tiên phong, cùng với nhiều biện pháp khác nhằm giảm chi tiêu thường xuyên, góp phần giảm bội chi ngân sách, qua đó giảm gánh nặng nợ công.
Chủ tịch tỉnh vẫn đi xe đạp
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí trong một cuộc họp báo của Bộ mới đây tỏ ra rất tâm trạng khi nhiều người công khai thái độ nghi ngờ ông đi làm bằng taxi. Thế nên, khi PV đề cập tới vấn đề khoán xe công, ông như được “cởi tấm lòng”. Ông cho biết, có nhiều người hỏi khi không đi làm bằng xe biển xanh nữa có thấy khó khăn không? “Tôi nói là bình thường, không có gì khó nhưng tôi ngại báo chí cứ đưa lên, đưa xuống hoài. Tôi thậm chí ra đường cũng mắc cỡ vì nhiều người hỏi”, ông Chí kể.
Khi Bộ Tài chính mới thực hiện khoán xe công, rất nhiều PV liên hệ với Thứ trưởng Chí để hỏi cảm nhận của ông khi cũng ngồi taxi như dân thường. Thậm chí, có PV một tờ báo còn đề nghị “tháp tùng” ông từ nhà tới cơ quan vì nghi ngờ ông giữa đường đổi sang xe biển xanh. Chính điều này khiến vị Thứ trưởng tức giận. “Hồi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tôi đi xe máy, thậm chí có khi còn đi xe đạp. Muốn xuống, với dân thì phải hòa đồng cùng dân. Anh đi xe con xuống, ai tiếp anh”, ông Chí giãi bày.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, chủ trương khoán xe công đã có từ lâu nhưng chỉ thực hiện theo hình thức tự nguyện nên không hiệu quả. Nay chủ trương này được thực hiện một cách nghiêm túc. Riêng Bộ Tài chính thí điểm từ ngày 1/10 chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương. Kinh phí hàng tháng để đưa đón các chức danh này từ nơi ở đến nơi làm việc được tính theo số km khoán nhân với đơn giá taxi (loại 4 chỗ), nhân với hai lượt đi và về, cho 22 ngày làm việc/tháng. “Riêng tôi, nói luôn là tôi đi 10km, nhân 2 lần trong ngày, nhân 22 ngày và nhân 15.000 đồng/km là ra ngay”, Ông Chí tiết lộ. Theo đó, mỗi tháng vị Thứ trưởng này được khoán 6,6 triệu đồng tiền xe.
Xài ngân sách phải minh bạch thông tin và giải trình
PGS. TS. Bùi Thị An, ĐBQH khóa 13, Đoàn ĐBQH Hà Nội đánh giá cao chủ trương khoán xe công. Bà An cho rằng, trong bối cảnh nợ công căng thẳng, bội chi ngân sách cao, thực hiện tiết kiệm, tiết giảm các khoản chi tiêu là vô cùng cần thiết. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tháng 12, Bộ dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg theo hướng đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phù hợp với từng nhóm chức danh.
Đây chỉ là một trong số các biện pháp Bộ Tài chính đang thực hiện để tiết giảm chi tiêu thường xuyên trong bối cảnh “cắt khoản nào cũng khó”. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, bản chất nợ công tăng nhanh là do thâm hụt ngân sách thường xuyên. Thu không đủ chi, trong đó chi thường xuyên hiện chiếm tới hơn 70% trong tổng chi ngân sách. Giảm chi thường xuyên, dành tiền trả nợ và đầu tư phát triển, qua đó từng bước giảm nợ công. Đây cũng là một trong 5 giải pháp mà Bộ Tài chính thực hiện để giảm áp lực và đảm bảo an toàn nợ công trong 5 năm tới.
55% là vay VND trong nước Theo số liệu từ Bộ Tài chính, cơ cấu nợ công đến cuối năm 2015 gồm: Nợ Chính phủ chiếm 80,8%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%. Về cơ cấu lãi suất, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước bình quân 12% năm 2011; 6,5% năm 2014 và khoảng 6% năm 2015. Đối với nợ nước ngoài, do các khoản vay ODA, vay ưu đãi chiếm tỷ trọng lớn, lãi suất bình quân đến cuối năm 2015 khoảng 2%/năm. Cơ cấu đồng tiền danh mục nợ của Chính phủ gồm: VND chiếm 55%; USD 16%; Yên Nhật 13%; Euro khoảng 7% và các đồng tiền khác. |
Hiến kế giải quyết căng thẳng nợ công, các chuyên gia tài chính TS. Lê Đăng Doanh, TS. Trần Đình Thiên, TS. Nguyễn Đình Cung, TS. Nguyễn Đức Thành đều đồng tình, cho rằng phải giảm chi tiêu từ bộ máy hành chính cồng kềnh và bổ sung trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. “Với bộ máy cồng kềnh thì việc Bộ Tài chính hô hào tiết kiệm chi 10% không ăn nhằm gì, bởi số tiền trả lương cho bộ máy đó quá lớn”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.
Trong số 16 nhóm giải pháp giảm nợ công được hai chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình Giảng dạy kinh tế FullBright) nêu ra, bao gồm cả yêu cầu minh bạch ngân sách và trách nhiệm giải trình độc lập. Ông Thành cho hay, các đơn vị sử dụng dự toán ngân sách phải định kỳ công khai đầy đủ tình hình thu chi ngân sách của đơn vị mình trên trang thông tin điện tử để người dân có thể truy cập và giám sát.
“Những trường hợp công bố thông tin không kịp thời, không đầy đủ thì người chịu trách nhiệm công bố thông tin của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách đó phải chịu trách nhiệm. Người dân có quyền yêu cầu cơ quan sử dụng dự toán ngân sách cung cấp thông tin và giải trình một khi có nghi vấn về tình trạng sử dụng ngân sách không hiệu quả, lãng phí”, ông Thành nói.
Học viện Chính sách và phát triển cũng đề xuất 12 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh điều kiện cốt lõi để đảm bảo an toàn nợ công là ban hành cơ chế đặc biệt giải quyết các vướng mắc pháp lý và tài chính trong việc bán nợ xấu để xử lý nhanh nợ xấu, tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Học viện còn đề xuất thành lập Hội đồng Chính sách nợ công cấp quốc gia để tập trung quản lý, giám sát và thống kê nợ công, nâng cao trách nhiệm giải trình.
Xới “mỏ vàng” khổng lồ trị giá hơn 10 triệu tỷ đồng
Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng trong một cuộc họp báo mới đây cho hay, Bộ Tài chính đang nhập dữ liệu các tài sản công quốc gia để đưa vào quản lý và khai thác. Lâu nay, các thông tin mới chỉ đề cập nhiều tới việc huy động nguồn lực trong dân như một động lực tiềm ẩn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế bất ổn, thắt chặt tài chính và nhất là tại các quốc gia đang bi quan về nợ công thì việc khai thác và sử dụng tài sản công được coi như một động lực mới mang lại nguồn lực giảm thuế, thúc đẩy tăng trưởng và mang lại lợi ích cho người dân.
Nhưng để quản lý và khai thác thì phải biết tài sản công gồm những gì, giá trị ra sao. Ông Trần Đức Thắng cho hay, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (năm 2008) mới đưa vào quản lý bốn loại tài sản là: Trụ sở và tài sản trên đất; Quyền sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị; Máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc; Các tài sản khác do pháp luật quy định. Bốn loại tài sản này đang được định giá khoảng 1,04 triệu tỷ đồng. “Chưa kể nhóm tài sản hạ tầng như: Hơn 10 nghìn công trình cấp nước sạch (trị giá khoảng 20 nghìn tỷ đồng), hệ thống hơn 39 nghìn tuyến đường bộ (trị giá khoảng 1.831 nghìn tỷ đồng), hầm mỏ, quặng tài nguyên…”, ông Thắng liệt kê.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khối tài sản công quốc gia lên tới 10 triệu tỷ đồng. Ông Thắng cho hay, những tài sản định giá được thì phải định giá để đưa vào quản lý, còn những tài sản tốn thời gian, công sức để định giá thì sẽ tạm gác lại để khi sử dụng sẽ được định giá theo nguyên tắc thị trường. Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) đã được xây dựng từ năm 2013 và trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10 vừa qua.
Dự kiến, Dự luật sẽ được thông qua vào kỳ họp tháng 5/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. “Nếu các nội dung của luật này được thông qua và triển khai nghiêm túc, đồng bộ thì sẽ phục vụ phát triển kinh tế và tái cơ cấu”, Cục trưởng Cục Quản lý công sản khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận