Điều tra

Nhiều dấu hỏi trong vụ “bất thường đấu giá đất ở Bắc Giang”

23/07/2019, 06:37

Sau khi Báo Giao thông đăng loạt bài về những bất thường trong đấu giá đất ở tại Bắc Giang, nhiều bạn đọc đã cung cấp thêm thông tin liên quan.

img
Khu đất tại thôn Hoàng Mai 3, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên vẫn nợ hạ tầng sau nhiều năm đấu giá

Xã hội đen vỗ vai từng người, yêu cầu không đấu giá (?)

Trong đó, một cán bộ tham gia tổ chức buổi đấu giá ngày 25/5 tại UBND thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên chia sẻ: “Hôm đó, ngay từ 6h sáng, huyện đã nhận được thông tin có khoảng 10 đối tượng xăm trổ, bặm trợn tại cổng UBND thị trấn vỗ vai từng người dặn không được đấu giá những lô đất chúng đã chọn. Thấy hiện tượng bất thường, những người tổ chức đấu giá đã báo cáo ông Lê Ô Pích, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên đề nghị điều động lực lượng công an đến giúp ổn định tình hình, bảo đảm ANTT, không để xảy ra tình trạng chèn ép, dàn xếp kết quả đấu giá đất ở”.

Theo vị cán bộ này thì do cổng Công an huyện và UBND thị trấn Bích Động nằm đối diện, cách nhau vài bước chân nên lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt. Tuy vậy, các đối tượng xăm trổ vẫn ngang nhiên đe dọa, ép buộc những người tham gia đấu giá. Thậm chí, chúng còn đến cả khu vực ban tổ chức để “hạ lệnh” cho đấu giá viên hủy kết quả, trả lại tiền cọc trái quy định cho những người “trót” trúng thầu. Quá sợ hãi, một số người đã phải làm theo. “Lúc đó có hàng trăm người chứng kiến đều lo cho tính mạng và quyền lợi của đấu giá viên và người tham gia nhưng không hiểu sao lực lượng công an có mặt tại đây không có bất kỳ phản ứng gì khiến chúng càng lấn tới”, vị cán bộ nói.

Cũng theo nguồn tin của Báo Giao thông, quyết định công nhận trúng đấu giá ghi số tiền thấp hơn mức công bố trúng thầu cho bà Nguyễn Thị Thu Phương, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Việt Yên cũng đã được làm rõ.

Theo đó, sai sót là từ Phòng TN&MT huyện - nơi người trúng đấu giá đang công tác. Theo quy trình, đơn vị tổ chức sự kiện sẽ tổng hợp kết quả chuyển về Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện thẩm tra, chuyển đến Phòng TN&MT tổng hợp, trình Chủ tịch UBND huyện ký ban hành. Các bản gửi đến Phòng TN&MT đều ghi đúng giá đã công bố; chỉ khi Phòng TN&MT huyện trình Chủ tịch UBND là có số liệu thấp hơn. Tuy vậy, nguồn tin cũng cho biết, UBND huyện đã kết luận đây là “lỗi đánh máy” nên không truy cứu trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan (?).

Trước đó, bà Phương bị người dân phát hiện tiền trúng đấu giá ghi trong quyết định công nhận của UBND huyện Việt Yên thấp hơn mức giá công bố. Cụ thể, khi công bố, bà Phương lần lượt trúng đấu giá các lô 06 và 07, N01, Khu dân cư đường Nguyễn Thế Nho, thị trấn Bích Động là 3.435.000.000 đồng và 3.288.990.000 đồng. Trong khi, quyết định của UBND huyện chỉ ghi là 3.055.000.000 đồng và 3.190.000.000 đồng.

Đấu giá nhiều năm vẫn nợ hạ tầng

Điều đáng nói là dù liên tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn nhưng chính quyền huyện Việt Yên lại chưa đầu tư, hoàn thiện hạ tầng liên quan. Tình trạng này khiến người mua đất chưa thể ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, kinh doanh. Anh Nguyễn Văn Ng., một người dân thôn Hoàng Mai 3, xã Hoàng Ninh bức xúc: “Tôi trúng đấu giá 1 lô đất tại khu dân cư thôn Hoàng Mai 3 do UBND huyện tổ chức từ năm 2016 với giá hơn 1 tỷ đồng. Khi đó, huyện hứa trong năm sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật liên quan, bảo đảm cuộc sống người dân. Tuy vậy, hơn 3 năm nay, tiến độ xây dựng dự án vẫn dậm chân tại chỗ, đường giao thông, rãnh thoát nước chưa được hoàn thiện. Kiến nghị nhiều lần không được giải quyết, nhiều hộ phải tự dựng cột và đường dây dẫn điện, nước làm mất cảnh quan, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn”.

Đem những thắc mắc trên đến gặp Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Việt Yên (đơn vị được UBND huyện Việt Yên giao tổ chức các cuộc đấu giá đất) thì được biết, thiếu hạ tầng là tình trạng chung của nhiều khu đất đấu giá trên địa bàn. Trung bình mỗi năm huyện bán khoảng 1 nghìn lô đất, thu hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Để tiết kiệm ngân sách đầu tư công, UBND huyện Việt Yên có chủ trương không đầu tư đường điện, cấp nước sạch cho các khu đất. Nếu người dân có nhu cầu sử dụng thì tự liên hệ với các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan.

Thậm chí, tại một số khu dân cư thuộc xã Hương Mai, UBND huyện Việt Yên chỉ giải phóng mặt bằng rồi tổ chức đấu giá ngay vì cho rằng đây là khu đất cao không cần san lấp, đầu tư hạ tầng. “Cũng có một số người dân phản ánh, kiến nghị các khu đất có giá khởi điểm khá cao nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Đây là quan điểm của UBND huyện, chúng tôi chỉ thực hiện theo nên không biết phải trả lời sao”, một cán bộ huyện Việt Yên nói.

Với mong muốn làm rõ thông tin này, PV đã nhiều lần liên hệ nhưng ông Lê Ô Pích, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Việt Yên từ chối với lý do bận họp.

Theo ghi nhận, tình trạng nợ hạ tầng, không bảo đảm cung cấp, đáp ứng dịch vụ sau đấu giá đất cũng diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chứ không riêng gì Việt Yên.

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương

Chỉ tính riêng năm 2018, 6 đơn vị gồm các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Dũng và TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 66 cuộc đấu giá với gần 3 nghìn lô đất, thu gần 3,2 nghìn tỷ đồng, cao hơn gần 700 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Theo Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, quá trình triển khai, các cuộc đấu giá đất tại huyện Sơn Động và 6 cuộc tại huyện Lục Nam không có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá theo quy định mà chỉ định trực tiếp tổ chức đấu giá. Nhiều cuộc đấu giá tại các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa và Lục Nam, đơn vị có tài sản còn yêu cầu khách hàng nộp tiền đặt trước vào tài khoản của mình là vi phạm Luật Đấu giá tài sản. Ngoài ra, Công ty CP Đấu giá và Đầu tư DHL (TP Bắc Giang) còn tự ý thu tiền bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của người dân cao gấp 2 lần so với quy định. Tại cuộc đấu giá đất ở tại xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn diễn ra ngày 25/12/2018, một số người dân ghi sai số tiền đấu giá nhưng vẫn được công ty này công bố trúng thầu.

Bên cạnh đó, hầu hết các huyện, thành phố được kiểm tra đều ban hành quyết định hủy kết quả trúng đấu giá chậm từ 1 đến 7 tháng, tự ý gia hạn thời gian nộp tiền trúng đấu giá không đúng quy định. Thậm chí, một số quyết định trong đấu giá đất còn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thi hành; không ghi tiền bán hồ sơ và thanh, quyết toán thù lao đấu giá cho các tổ chức đấu giá theo quy định. UBND các huyện Lạng Giang, Sơn Động và Lục Ngạn thanh toán chi phí cả những lô đất đấu giá không thành cho tổ chức đấu giá; các chi phí liên quan thường được tính cao hơn quy định mà không có giấy tờ chứng minh...

Từ những sai phạm trên, ông Đỗ Xuân Vang, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang đã ký văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo chấn chỉnh, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu địa phương, có hình thức xử lý cán bộ có liên quan trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện đấu giá tài sản không đúng quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.