Vận tải

Nhiều địa phương ủng hộ lập hãng hàng không Cánh Diều

18/09/2019, 07:58

Ít nhất 2 địa phương là Cần Thơ, Điện Biên đã có công văn ủng hộ chủ trương thành lập hãng hàng không Cánh Diều của CTCP Hàng không Thiên Minh.

img
Thiên Minh đề xuất đầu tư tổng cộng 30 máy bay tới năm 2024, trong đó, có 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/A321 (hoặc dòng máy bay có năng lực tương đương)

UBND tỉnh Điện Biên vừa có văn bản gửi Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT, Cục Hàng không VN đề nghị quan tâm xem xét chủ trương thành lập hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) của CTCP hàng không Thiên Minh.

Văn bản do Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô ký nêu rõ, Thiên Minh đã làm việc với tỉnh này và báo cáo kế hoạch lập hãng hàng không cũng như kế hoạch khai thác vận tải của hãng đến Điện Biên.

“Hiện nay, Điện Biên chỉ khai thác được máy bay ATR 72 và tương đương trở xuống, chưa được đầu tư hệ thống đèn đêm và các trang thiết bị dẫn đường hiện đại. Thủ tục đầu tư cải tạo, nâng cấp CHK Điện Biên theo quy hoạch đang được Bộ GTVT tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Do đó, trong thời gian trước mắt, việc tăng cường hoạt động vận tải hàng không từ các địa phương khác đến Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn do chỉ có duy nhất một hãng hàng không khai thác với tần suất bay thấp và giá vé còn ở mức cao”, ông Đô khẳng định.

Phó Chủ tịch Điện Biên cũng cho rằng, việc thành lập Kite Air với định hướng là hãng hàng không chi phí thấp và mở đường bay từ các địa phương đến Điện Biên sẽ góp phần tăng cường năng lực vận tải bằng đường hàng không, tạo sự cạnh tranh, tạo điều kiện để người dân có cơ hội sử dụng phương tiện vận tải hàng không với mức giá hợp lý.

Trước đó, hôm 6/9, UBND tỉnh Cần Thơ cũng có văn bản gửi các đơn vị trên với nội dung tương tự, ủng hộ chủ trương thành lập hãng hàng không Kite Air.

Hồi tháng 8, CTCP Hàng không Thiên Minh đã gửi hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đề xuất thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir), vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Theo đó, Thiên Minh dự kiến lập hãng hàng không tại CHK Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam trong thời gian 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư dự án có hiệu lực. Về quy mô dự án, Thiên Minh đề xuất đầu tư tổng cộng 30 máy bay tới năm 2024, trong đó, có 15 máy bay ATR72 và 15 máy bay A320/A321 (hoặc dòng máy bay có năng lực tương đương).

Cụ thể, ngay trong năm đầu tiên hoạt động, Thiên Minh sẽ đầu tư 6 máy bay ATR72. Số tàu bay này sẽ tăng gấp đôi ngay trong năm thứ hai. Trong năm thứ 3, Thiên Minh dự kiến khai thác 15 tàu ATR72 và 5 tàu bay A320/A321. Sau đó, trong các năm thứ 4 và thứ 5, mỗi năm, Thiên Minh sẽ dưa thêm 5 tàu bay A320/A321 hoặc tương đương vào khai thác.

Cuối tháng 6, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group thành lập CTCP Hàng không Thiên Minh. Theo giấy đăng ký kinh doanh, ông Trần Trọng Kiên vừa là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, đồng thời là cổ đông lớn nhất tại Công ty Hàng không Thiên Minh.

Hãng này có 3 cổ đông góp vốn chính, trong đó ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỷ đồng, tương đương 60% vốn; Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh góp 300 tỷ, chiếm 30%; và bà Trần Hằng Thu góp 100 tỷ đồng, tương đương 10%. Bà Trần Hằng Thu cũng chính là Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính tại Thiên Minh.

Công ty hàng không này được ông Kiên thành lập trong bối cảnh tháng 4 vừa qua, Thiên Minh Group và AirAsia vừa chấm dứt hợp tác trong việc thành lập một liên doanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.