Vận tải

Nhiều giải pháp hạn chế chậm chuyến, bay vòng chờ hạ cánh

10/07/2020, 08:10

Hội đồng điều phối slot đã họp và cấp phép bay phù hợp với thực tế chỉ khai thác một đường cất/hạ cánh.

img
Ngoài việc giảm, giãn chuyến bay sang giờ thấp điểm, cơ quan chức năng cũng yêu cầu các hãng đảm bảo thời gian máy bay nổ máy hợp lý, ra đến đường băng là cất cánh, không nằm chờ

Ngành hàng không đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tối đa chậm chuyến, hủy chuyến và bay vòng chờ hạ cánh khi hai dự án nâng cấp đường băng, đường lăn tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất khởi động.

“Trực chiến” như cao điểm Tết

Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, mấy ngày nay, Cục đã yêu cầu các bên liên quan rà soát lại toàn bộ việc cấp slot tại sân bay, bao gồm cả khung giờ và cơ cấu slot. Nhiều chuyến bay trong khung giờ cao điểm (6h - 8h sáng, 12h - 14h chiều; 16h - 18h tối) được giãn vào các giờ thấp điểm.

Trung tâm điều phối khai thác tại các sân bay được yêu cầu “trực chiến” như cao điểm Tết, đảm bảo đưa ra các quyết định nhanh nhất, chính xác nhất, tối ưu hóa công tác điều hành hoạt động bay trong tất cả các giai đoạn hoạt động của chuyến bay, bao gồm việc kiểm soát các vị trí đỗ tàu bay, cửa ra tàu bay, quầy thủ tục, đảo hành lý…

Dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài được thực hiện theo 2 bước. Bước 1 là 6 tháng, đảm bảo khai thác được 3.200m đường cất/hạ cánh 1B cho máy bay Code C nhằm phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021. Bước 2 là 12 tháng, bàn giao đưa công trình vào khai thác trước Tết Nguyên đán năm 2022.

Dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất thi công theo 2 bước. Bước 1 là 6 tháng, bước 2 là 14 tháng (khởi công vào cuối tháng 6/2020, hoàn thành vào cuối năm 2021).

Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) Đoàn Hữu Gia cho biết, đã thành lập ngay một đoàn giám sát xem xét việc điều hành bay tại 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. “Tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất hiện chỉ khai thác duy nhất một đường băng, trong khi đang là cao điểm hè, số chuyến bay nội địa đang khá cao, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Muốn giảm ùn, ách tại sân bay, bao gồm cả trên trời trong điều kiện hạn chế khai thác, chỉ có cách giảm chuyến hoặc giãn chuyến bay sang giờ thấp điểm, tăng cường bay đêm”, ông Gia nói và cho biết, hãng nào cũng muốn bay vào giờ cao điểm (10h - 12h và 18h - 20h) thì ùn, ách khó tránh khỏi.

Tổng giám đốc VATM cũng cho biết, đang nỗ lực tối đa để giảm bớt bay vòng chờ hạ cánh, trước hết là giảm phân cách tàu bay (khoảng cách giữa các tàu bay khi còn ở trên trời) từ 5 dặm xuống còn 3 dặm. Kế đó, VATM cũng phối hợp với các hãng hàng không, đảm bảo thời gian máy bay nổ máy hợp lý, ra đến đường băng là cất cánh, không nằm chờ trên đường băng.

Thành lập tổ giám sát hiện trường

Theo thông tin của Báo Giao thông, Hội đồng điều phối slot đã họp và cấp phép bay phù hợp với thực tế chỉ khai thác một đường cất/hạ cánh. Cụ thể, tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay trung bình có từ 30 - 32 slot/giờ thay vì 44 slot như trước. Tại Nội Bài, Cục Hàng không VN cũng chỉ cho phép khai thác tối đa 27 chuyến/giờ (thời điểm chưa đóng 1 đường băng để sửa chữa là 34 chuyến/giờ).

Theo Giám đốc CHK Nội Bài Nguyễn Đức Hùng, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động bay trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác, tần suất chuyến bay trong một giờ sẽ giảm do máy bay chỉ cất và hạ cánh trên cùng đường băng, thay vì trên hai đường băng như trước. “Nhiều chuyến bay trong khung giờ cao điểm (6h - 8h sáng, 12h - 14h chiều; 16h - 18h tối) được giãn vào các giờ thấp điểm”, ông Hùng nói và thông tin, Cục Hàng không VN đang xem xét tiếp tục giãn chuyến bay trong giờ cao điểm.

Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc Trần Hoài Phương cho biết: “Cục Hàng không VN, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan, mục tiêu đầu tiên là đảm bảo an toàn tuyệt đối trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác. Kế đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các bên, điều phối, sắp xếp để ảnh hưởng ít nhất đến chất lượng dịch vụ, cụ thể là giảm chậm, hủy chuyến, hạn chế bay chờ”.

Tại Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, ngay từ đầu, Cảng vụ đã thành lập tổ giám sát thường xuyên có mặt tại công trường, hỗ trợ các phòng, ban tham gia để kiểm tra quá trình thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình thi công dự án.

Theo ông Nguyễn Quý Đôn, Phó giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam, đơn vị đã áp dụng phương thức quản lý bay mới tại sân bay Tân Sơn Nhất trong điều kiện chỉ có 1 đường băng. Theo đó, nhân viên điều hành không lưu phải linh hoạt điều tiết làm sao để tàu bay ra đường cất/hạ cánh sớm nhất. “Kiểm soát viên không lưu phải căn thời gian, tính toán thật kỹ và điều hành linh hoạt để đan xen giữa một tàu bay đi và một tàu bay đến. Khi tàu bay này vừa đáp thì tàu bay kia đã có mặt ở đầu đường băng để chuẩn bị cất cánh, tránh mất thời gian chờ đợi”, ông Đôn nói.

Ngoài ra, để tránh tình trạng quá tải ở khu vực nhà chờ, CHK Tân Sơn Nhất đã sử dụng cửa đi số 8, 9 ở ga quốc tế để nâng cao khả năng thông qua của hành khách quốc nội, vì hiện tại ga quốc tế không có chuyến bay.

Phân bổ đều slot trong tất cả khung giờ

Ngày 29/6/2020, Bộ GTVT đã tổ chức Lễ khởi công các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất/hạ cánh, đường lăn của hai CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hành khách tham gia bằng đường hàng không trong thời gian thi công dự án cải tạo nâng cấp đường băng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa yêu cầu Cục Hàng không VN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị phân bổ đều slot trong tất cả khung giờ để tránh ùn tắc tại các CHK; Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bán vé, chuẩn bị của các chuyến bay, tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không; xử lý nghiêm đối với các hãng hàng không không thực hiện hoặc thực hiện không đúng slot đã được cấp.

Ngân Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.