Ngày 23/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Bộ Y tế tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Chủ trì hội nghị, ông Hồ Hồng Hải (Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT) dẫn thống kê của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Trong đó, khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động.
Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.
Đáng chú ý, thống kê cho thấy đối với lứa tuổi học sinh (từ 13-15 tuổi), tỉ lệ sử dụng thuốc lá giảm từ 3,5% năm 2014, xuống 2,7% năm 2022. Trong đó, tỉ lệ nam giới hút thuốc lá giảm từ 6,3%, xuống 4%, nữ giới tăng nhẹ từ 0,1% năm 2015, lên 0,2% năm 2020.
Còn tỉ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) tại các địa điểm công cộng cũng giảm, như: Tại nơi làm việc giảm từ 42,6%, xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9%, xuống 56,0%; tại nhà hàng giảm từ 80,7%, xuống 78,1%; tại quán bar/cà phê/trà giảm từ 89,1%, xuống 86,2%.
Tại hội nghị, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đưa ra con số hơn 1 tỷ người hút thuốc trên thế giới. Trong đó, người trưởng thành, nam giới 847 triệu người, nữ giới 153 triệu người; ở nhóm tuổi thanh thiếu niên 13-15 tuổi là 24 triệu người.
Nghiêm trọng hơn, có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tại Việt Nam, nhiều căn bệnh như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Còn đại diện WHO dự báo đến năm 2030, số người tử vong do tác hại của thuốc lá sẽ tăng lên 70.000 người/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.
Theo cơ quan chức năng, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỉ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp.
Bên cạnh đó, giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo; trên thị trường còn xuất hiện các sản phẩm mới: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...
Thông qua hội nghị, Bộ TT&TT và các đơn vị kỳ vọng tăng cường hơn nữa sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và các cơ quan báo chí.
Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các loại thuốc lá thế hệ mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận