Có quá nhiều người tham gia đánh đập, hành hung hai người phụ nữ bán tăm, làm cách nào để công an tìm ra đúng thủ phạm? |
Vụ việc hai phụ nữ bị hàng chục người dân ở xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội, vây đánh vì nghi bắt cóc trẻ em ngày 22/7 được lan truyền trên MXH gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, kết luận điều tra của công an huyện Sóc Sơn xác định hai người phụ nữ trong clip là chị Lê Thị Bảy (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và chị Nguyễn Thị Phúc (Sn 1965 ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) không có hành vi bắt cóc trẻ em.
Sau diễn biến này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, có quá nhiều người tham gia hành hung hai người phụ nữ này, vậy liệu công an có thể tìm ra chính xác những đối tượng là thủ phạm của hành vi vi phạm pháp luật này để đưa ra xử lý hay không?
Trả lời PV Báo Giao thông, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, dĩ nhiên điều này là khó khăn cho cơ quan chức năng, bởi trong đám đông vây quanh hai chị này, người tung nắm đấm, người tung cú đá nên rất khó xác định.
Tuy nhiên bằng nghiệp vụ, cơ quan công an có thể dựa vào lời khai, truy xuất các bằng chứng từ dữ liệu video clip do người dân ghi lại, cho những nhân chứng có mặt tại hiện trường, nạn nhân và những người bị tình nghi đối chất với nhau, họ có thể nhận dạng và khai ra những tình tiết trùng khớp.
"Điều quan trọng nhất là mọi người dù chỉ tham gia đấm một cái hoặc tát một cái, cũng được coi là đồng phạm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật", ông Tuấn Anh khẳng định.
Cũng theo luật sư Trần Tuấn Anh, những người tham gia hành hung hai người phụ nữ bán tăm sẽ bị xử lý hình sự và bị truy tố với tội danh "Cố ý gây thương tích".
Xem thêm video:
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận