Quản lý

Nhiều “nút thắt” cơ chế làm giảm sức hút đầu tư PPP

06/05/2020, 15:07

Các chuyên gia cho rằng, dự thảo Luật PPP Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội vẫn còn nhiều điểm nghẽn làm giảm sức hút đối với nhà đầu tư.

img
Toàn cảnh tọa đàm "Góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)” được tổ chức sáng nay (6/5)

Cơ chế chia sẻ doanh thu vẫn thiếu hấp dẫn

Sáng nay (6/5), Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)”

Một trong những vấn đề “nóng” đang là trăn trở của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp chính là cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong dự thảo Luật PPP.

Ông Lê Đình Vinh, Trọng tài viên VIAC cho biết, theo khoản 1 Điều 83, nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng doanh thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu theo phương án tài chính khi doanh thu thực tế đạt từ 125% mức doanh thu trong phương án tài chính trở lên.

Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 183, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm doanh thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng PPP khi đáp ứng các điều kiện: Dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng quy định tại Điều 71 của Luật này; Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu cam kết tại hợp đồng. Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết tại hợp đồng nhưng không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính; Đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Luật này nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu quy định tại điểm b khoản này.

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư hiện đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thẩm tra theo quy định và chuẩn bị đưa ra xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2020 tới đây

So sánh quy định tại hai điều khoản nêu trên có thể thấy, mức doanh thu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ với Nhà nước trong trường hợp tăng doanh thu sẽ cao hơn mức doanh thu mà Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong trường hợp giảm doanh thu. Trong khi cơ chế Nhà nước chia sẻ phần giảm doanh thu với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chỉ được áp dụng với những dự án PPP đáp ứng đầy đủ một số điều kiện nhất định thì cơ chế nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ phần tăng doanh thu với Nhà nước lại áp dụng đối với mọi dự án PPP một cách vô điều kiện.

Vì vậy, để đảm bảo sự công bằng, cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu với Nhà nước cũng chỉ nên áp dụng với một số dự án PPP khi thỏa mãn những điều kiện nhất định. Chẳng hạn, chỉ nên áp dụng đối với một số loại hợp đồng PPP và đối với các dự án PPP có những lợi thế rõ rệt về tăng trưởng doanh thu ngay từ khi lập và phê duyệt dự án. Không áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu đối với các dự án PPP đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, biên giới, hải đảo… như một biện pháp ưu đãi đầu tư để thu hút nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thảo, TGĐ Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho rằng, nếu quy định nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chia sẻ phần tăng doanh thu Nhà nước lại áp dụng đối với mọi dự án PPP thì trường hợp giảm doanh thu, Nhà nước cũng cần hỗ trợ DN mà không cần xét đến các điều kiện tại dự thảo nêu.

Cơ chế mở nhưng vẫn khó huy động vốn

Góp ý về quy định huy động nguồn vốn thực hiện dự án PPP, theo ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, để tạo điều kiện thuận lợi và cụ thể hóa nguồn vốn “huy động” khác, dự thảo Luật PPP hiện tại đã bổ sung quy định cụ thể về một phương thức huy động vốn thực hiện dự án là phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án bằng hai cách thức là phát hành trái phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại Điều 79.1 và chào bán trái phiếu ra công chúng theo quy định tại Điều 79.3 dự thảo Luật PPP.

"Một trong những đặc điểm rất cơ bản của hợp đồng dự án PPP là trong một bên của hợp đồng lại có sự tham gia của 2 chủ thể có tư cách pháp lý độc lập với nhau, đó là nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án. Như vậy, công trình dự án (tài sản) chỉ có một, nhưng lại có 2 chủ thể có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản này.

Trong hoàn cảnh này, một vấn đề pháp lý phát sinh mà Luật PPP cần phải giải quyết là xác định mỗi nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có quyền gì đối với tài sản này? Việc làm rõ được bản chất pháp lý của quyền tài sản với cùng một loại tài sản sẽ giúp nhà làm luật xây dựng được chế độ pháp lý phù hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án", PGS.TS Dương Đăng Huệ, Trọng tài viên VIAC

Trong bối cảnh thu xếp tín dụng từ ngân hàng ngày càng khó khăn, dự án giao thông cần nguồn vốn lớn, một ngân hàng khó có thể đáp ứng được, phương án phát hành trái phiếu tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc huy động nguồn vốn thực hiện dự án. Tuy nhiên, cả hai hình thức này đều đang có những hạn chế nhất định, chưa thực sự khơi thông.

Cùng đó, hiện dự thảo luật quy định cho doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhưng việc này lại không đúng nghĩa như quy định của Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, Điều 4.2 của Nghị định 163/2018 quy định “Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ” là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet”. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật PPP cho phép doanh nghiệp dự án phát hành riêng lẻ nhưng chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đối với việc chào bán trái phiếu ra công chúng hiện nay, chỉ có Luật Chứng khoán quy định chi tiết về điều kiện, thủ tục, phương thức phát hành, nếu áp dụng theo quy định của Luật Chứng khoán sẽ không khả thi. Bởi doanh nghiệp dự án theo quy định của dự thảo luật PPP chỉ được thành lập để hoạt động mục đích duy nhất là thực hiện hợp đồng dự án.

Trong khi đó điều kiện để phát hành trái phiếu ra công chúng theo quy định của luật chứng khoán, doanh nghiệp phải có hoạt động của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi. Doanh nghiệp dự án chỉ thực hiện hoạt động duy nhất là đầu tư vào dự án, nếu sau khi hoàn thành xây dựng công trình hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành, nhu cầu về vốn để thực hiện dự án không lớn như thời gian đầu thực hiện dự án.

“Như vậy, việc khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP vẫn chưa thực sự thông thoáng. Cần bổ sung các quy định đặc thù hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn đối với các trình tự, thủ tục thực hiện việc chào bán trái phiếu riêng lẻ và chào bán trái phiếu ra công chúng để biện pháp này có tính khả thi và thực sự mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi thực hiện việc huy động nguồn vốn để thực hiện dự án”, ông Thủy nói

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.