Quản lý

Nhiều quy định phạt hành chính lỗi thời

02/03/2020, 06:23

Nghị định 100 ra đời mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực còn tồn tại những lỗ hổng, chưa có chế tài, hoặc mức xử phạt quá nhẹ.

img
Hiện chưa có quy định xử phạt hành vi không mặc áo phao với người dân tự lái thuyền, bè gia dụng dẫn tới nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra nhưng không thể xử lý (Trong ảnh: Người dân không mặc áo phao, sử dụng phương tiện thủy gia dụng trên sông Hậu). Ảnh: Huy Lộc

Tai nạn đáng tiếc vì không mặc áo phao

Chiều 25/2, trên tuyến sông Vu Gia thuộc địa phận thôn Khương Mỹ (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) xảy ra vụ lật thuyền gia dụng chở theo 10 người (thông thường chỉ chở tối đa 6 người). Sự cố xảy ra khiến 6 người tử vong, trong đó có 3 trẻ em.

Trước đó, đã xảy ra vụ lật thuyền do 6 em học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt sử dụng trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) làm 3 học sinh tử vong vào trưa 20/9/2019; vụ lật thuyền gia dụng trên sông Trà Lý (TP Thái Bình) làm 2 người tử vong vào trưa 6/1/2020; vụ lật thuyền gia dụng chở theo 12 người làm 3 người chết trên sông La Ma (huyện Nam Đông, Thừa - Thiên Huế) vào sáng 15/2...

Điều đáng nói là hiện nay, chế tài xử phạt đối với việc sử dụng phương tiện gia dụng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hiện, cũng chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao (không mang dụng cụ cứu sinh) đối với người tham gia giao thông đường thủy trên phương tiện gia dụng. Trong khi đó, các phương tiện gia dụng do người dân và các cơ sở sản xuất thủ công tự đóng để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất nông nghiệp, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm, kiểm định về ATGT vẫn phổ biến ở nhiều nơi.

Trước thực trạng trên, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2015 của Chính phủ theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt để ngăn ngừa vi phạm; Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao đối với người đi trên các loại phương tiện nêu trên.

Từ thực tiễn tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, Thượng tá Mạc Văn Trung, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến các vi phạm giao thông đường thủy vẫn tồn tại là do chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe, đặc biệt là nếu so với mức xử phạt trong lĩnh vực đường bộ.

“Chẳng hạn mức xử phạt bằng tiền đối với hành vi chở quá tải trọng trên đường thủy theo Nghị định 132/2015, chỉ phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng đối với hành vi chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn đến 1/5 chiều cao mạn khô của phương tiện. Còn các lỗi “Để mờ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” và “Không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” mức phạt chỉ từ 50.000 - 200.000 đồng...”, Thượng tá Trung dẫn chứng.

Theo đại diện Ban ATGT tỉnh Hải Dương, nhận thức pháp luật của một số người dân về giao thông đường thủy nội địa còn hạn chế nên vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm hoặc cố tình vi phạm. Để giải quyết vấn đề này, việc tăng mức xử phạt là rất cần thiết.

Thanh tra hàng hải gặp khó

Liên quan đến lĩnh vực hàng hải, theo Phòng Thanh tra hàng hải (Cục Hàng hải VN), thực tế triển khai Nghị định 142/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải cũng gặp không ít bất cập về thẩm quyền xử phạt, làm giảm hiệu quả xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, mức xử phạt tiền trong lĩnh vực hàng hải đều cao hơn 500.000 đồng, không có trường hợp nào dưới 1.000.000 đồng. Song, mức tiền phạt tối đa của thanh tra viên đang thi hành công vụ hiện chỉ được xử phạt tối đa không quá 500.000 đồng.

Việc áp dụng hình thức xử phạt “Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với thuyền viên nước ngoài” cũng vướng mắc ở chỗ, trường hợp thuyền viên nước ngoài chỉ đến cảng biển Việt Nam một lần duy nhất hoặc sau một thời gian dài mới quay lại, thì việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là không khả thi.

Nghị định trên cũng quy định xử phạt thuyền viên trong ca trực, hoa tiêu hàng hải có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở hoặc có sử dụng các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng, nhưng thực tế lực lượng thanh tra chuyên ngành hàng hải không được trang bị phương tiện đo nồng độ cồn.

“Tương tự, có các bất cập khác như chưa có giải thích bảo hiểm bắt buộc mà chủ tàu phải mua cho thuyền viên gồm loại nào nên khi phát hiện doanh nghiệp không mua bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, lực lượng chức năng rất khó xử phạt. Hoặc chưa có chế tài xử lý đối với hành vi tính thời gian lai dắt không đúng thực tế; chưa có chế tài xử lý hành vi kê khai, niêm yết giá, thu giá dịch vụ lai dắt không đúng theo quy định…”, đại diện Cục Hàng hải VN thông tin.

Bắt tàu cát tặc đã khó, tịch thu còn... khó hơn

img
Theo quy định hiện hành, tàu khai thác cát không phép chỉ bị xử phạt vài chục triệu đồng, tịch thu thiết bị hút cát, còn không bị tịch thu tàu (Trong ảnh: CSGT đường thủy tạm giữ tàu gắn thiết bị hút để làm rõ). Ảnh: Huy Lộc

Hiện nay, nạn khai thác cát trái phép diễn ra rất nhức nhối tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, với quy định như hiện nay, lực lượng chức năng không dễ để xử lý dứt điểm.

Mới đây, lực lượng CSGT đường thủy, Công an TP Hà Nội phát hiện, bắt quả tang một tàu hút cát trái phép trên sông Hồng. Tuy vậy, cũng như các trường hợp vi phạm tương tự, sau khi bị bắt giữ, chủ phương tiện chỉ phải nộp phạt hành chính từ 55 - 70 triệu đồng, nếu vụ việc không khởi tố hình sự thì buộc phải thả phương tiện bắt giữ.

Một Đội trưởng Đội Thanh tra - An toàn của Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc kể: “Bắt giữ được tàu hút cát trái phép mất rất nhiều thời gian, công sức. Nếu mức phạt trên 50 triệu đồng phải trình cấp Cục ra quyết định. Thủ tục tịch thu, bán đấu giá máy nổ, vòi hút… mất nhiều thời gian. Còn phương tiện thủy liên quan đến vi phạm có giá trị lớn nhất thì được thả. Đây là bất cập làm giảm hiệu quả xử lý vi phạm”.

Lý giải nguyên nhân, ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, theo quy định thì chỉ tịch thu phương tiện, thiết bị trực tiếp vi phạm chứ không bao gồm tàu. “Khi xây dựng dự thảo quy định, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, lấy ý kiến rất kỹ về vấn đề tịch thu phương tiện là tàu. Tuy nhiên, với nhiều gia đình, phương tiện này còn là nhà ở của cả hộ gia đình, là công cụ kinh doanh chính… nên không áp dụng biện pháp tịch thu”, ông Duy cho biết thêm.

Tuy vậy, từ thực tế trực tiếp làm công tác xử lý vi phạm, đại diện một số đội Thanh tra - An toàn đường thủy cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung quy định tịch thu cả tàu trong một số trường hợp để góp phần nâng hiệu quả chống “cát tặc”.

Trung tá Nguyễn Văn Hiền, Phó đội trưởng Đội TTKS giao thông đường thủy số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, nếu áp dụng việc tịch thu, lực lượng chức năng cũng không có bến bãi để trông giữ. Hoặc có một số ít trường hợp, phương tiện cũng là nơi ở của một gia đình, sinh sống lênh đênh trên sông nước. Khi đó, việc xử lý tịch thu phương tiện là không thể. “Nên chăng cần tăng mức xử phạt ngang giá trị của phương tiện, khi đó các đối tượng mới biết sợ mà không vi phạm”, Trung tá Hiền đặt vấn đề.

Trung tá Hà Đức Nhàn, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cũng thông tin, đơn vị đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như chưa được đầu tư, xây dựng bến cảng tạm giữ phương tiện vi phạm. “Hơn nữa, các chiến sỹ trong Đội đều chưa được trang bị kỹ năng điều khiển tàu, khiến việc xử lý khó khăn, nhất là khi đối tượng vi phạm không hợp tác”, Trung tá Nhàn cho biết.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức (Phó cục trưởng Cục CSGT):
Cần nâng thẩm quyền xử phạt

img

Để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, khi sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung những quy định còn bất cập như: Quy định đối với một số hành vi vi phạm có mức phạt tiền cao, được phép tạm giữ hai loại giấy tờ (GPLX và giấy tờ của phương tiện vi phạm) để hạn chế tình trạng người vi phạm bỏ giấy tờ, không đến thi hành quyết định xử phạt.

Khi tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề để bảo đảm cho việc xử phạt trong lĩnh vực trật tự ATGT thì không phải lập biên bản riêng (chỉ cần ghi trong biên bản vi phạm hành chính). Bên cạnh đó, cần nâng thẩm quyền xử phạt tiền đến mức tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ và được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (không bị giới hạn bởi mức tiền phạt) đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh...

V.Huế (Ghi)

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Sẽ sớm sửa luật

img

Hiện nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đang trong quá trình soạn thảo. Trong đó, lĩnh vực giao thông là một trong những lĩnh vực quan trọng được đặc biệt quan tâm, nhất là những vướng mắc đang nảy sinh trong thực tiễn.

Hiện, một số quy định liên quan đến trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn rườm rà, nhiều quy định chưa thống nhất, khiến nhiều vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của cơ quan cấp dưới, bị dồn lên cơ quan cấp trên… Các quy định này cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa các mốc thời gian thực hiện.

Quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có một số nội dung cần sửa đổi như sự thay đổi về tên gọi, thẩm quyền xử phạt do có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt; Bổ sung một số chức danh mới có thẩm quyền xử phạt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý; Cách quy định thẩm quyền tịch thu tang vật...

Trong một số trường hợp, hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm nặng hơn hình thức xử phạt chính (phạt tiền), dẫn đến người vi phạm bỏ tài sản, không chấp hành quyết định xử phạt. Khi áp dụng biện pháp tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm lại không có đủ điều kiện, bến bãi, nhà kho... Nhìn chung, nhiều vấn đề đã được đưa ra để bàn thảo trong lần sửa đổi này.

V.Hòa (Ghi)

Ẩn họa rình rập những bến đò tự phát

img
Chiếc thuyền chở đầy gỗ trên lòng hồ thủy điện Hương Điền

Thủy điện Hương Điền (TX Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) nằm phía thượng nguồn sông Bồ, người dân có đất rừng sản xuất phía trong hồ thủy điện phải qua cổng nhà máy thủy điện để vào “bến thuyền” nằm sâu bên trong và dùng thuyền vượt lòng hồ.

Gọi là bến nhưng đây chỉ là nơi tập kết 14 chiếc thuyền nhôm của người dân, hoàn toàn không có trong danh sách các bến thuyền quản lý của cơ quan chức năng. Hầu hết các thuyền không trang bị áo phao hay phao cứu sinh…

Tại thời điểm có mặt (ngày 29/2), PV ghi nhận một chiếc thuyền nhôm nhỏ chở đầy cây keo đã cắt khúc cao gấp đôi chiều cao của thuyền, chòng chành vượt hồ về bến tập kết. Tại đây, một chiếc xe tải nhỏ chờ sẵn. 5 nguời trên thuyền vội vã đưa các khúc keo này lên xe. Tất cả đều không mặc áo phao, dù có 2 chiếc “treo cho có lệ” ở trên thuyền. “Áo phao để cho vui chứ ai mặc. Sợ thì đã không ai dám đi thuyền này”, một người đàn ông vừa vác keo lên xe tải, nói.

Không riêng thủy điện Hương Điền, sau khi các hồ thủy điện khác hình thành, nhiều hộ dân tại các huyện Nam Đông, A Lưới và Hương Trà phải di chuyển bằng thuyền để đến đất sản xuất khu vực lòng hồ khá phổ biến. Không ít vụ tai nạn, lật thuyền gây thương tích, thậm chí tử vong đã xảy ra.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết: Quan khảo sát trên địa bàn vẫn còn vài chục hộ có rừng phía trong lòng hồ nên phải di chuyển bằng thuyền. Tuy nhiên, khi được hỏi huyện có giải pháp chấn chỉnh gì sau vụ TNGT lật thuyền khiến 3 người chết vào ngày 15/2 vừa qua, ông Phụng cáo bận vì “đang họp”.

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, về nguyên tắc trong lòng hồ thủy điện người dân phải tự đảm bảo, nhưng chủ đập phải có trách nhiệm nhắc nhở, phối hợp với địa phương. Văn phòng Ban cũng sẽ có văn bản để nhắc nhở các chủ đập về vấn đề này.

Theo ông Trịnh Xuân Khoa, Phó tổng giám đốc phụ trách Công ty CP Thủy điện Hương Điền, thực tế người dân có áo phao cũng không mặc và đơn vị cũng khó quản lý, chủ yếu tuyên truyền nhắc nhở vì không có thẩm quyền xử lý.

Lãnh đạo Ban ATGT Thừa Thiên - Huế cho biết, đã yêu cầu các đơn vị chức năng, Sở GTVT tổ chức khảo sát, kiểm tra các phương tiện đường thủy hoạt động tại khu vực lòng hồ thủy điện, đảm bảo an toàn.

Duy Lợi

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.