Y tế

Nhiều thanh niên phải cắt bỏ tinh hoàn vì chủ quan với triệu chứng bất thường

20/02/2024, 11:21

BV Trung ương Quân đội 108 liên tục tiếp nhận các ca bị xoắn tinh hoàn. Nhiều trường hợp buộc phải cắt bỏ tinh hoàn vì phát hiện muộn.

Liên tục các ca xoắn tinh hoàn nhập viện muộn

Trong vài ngày qua, các bác sĩ khoa Nam học, BV Trung ương Quân đội 108 đã phải cắt bỏ tinh hoàn cho 3 bệnh nhân do bệnh lý xoắn tinh hoàn.

Trường hợp đầu tiên là nam sinh 14 tuổi ở Hòa Bình. Gia đình cho biết trước đó 2 ngày, bệnh nhân có biểu hiện đau đột ngột vùng tinh hoàn trái, lan lên bụng. Đến khi đau không chịu nổi, bệnh nhân mới đến viện. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bé trai bị xoắn tinh hoàn và cần phải cắt bỏ tinh hoàn trái.

Nhiều thanh niên phải cắt bỏ tinh hoàn vì chủ quan với triệu chứng bất thường- Ảnh 1.

Các bác sĩ phẫu thuật cho 1 ca xoắn tinh hoàn.

Một nam thanh niên 23 tuổi ở Thái Nguyên cũng trong tình cảnh tương tự. Cách 5 ngày vào viện, H đau đột ngột, dữ dội vùng bìu phải. Bệnh nhân đã điều trị tại bệnh viện huyện nhưng không cải thiện, sau đó đã đến BV Trung ương Quân đội 108 để kiểm tra. Tại đây, kết quả khám và làm xét nghiệm, bác sĩ kết luận xoắn tinh hoàn bên phải kèm theo giãn tĩnh mạch tinh.

Còn anh N.V.H, 43 tuổi, ở Bắc Ninh, được gia đình đưa vào viện sau khi đau bìu phải đột ngột và dữ dội một ngày, kèm theo tiền sử đột quỵ não. Kết quả siêu âm cho thấy tình trạng xoắn tinh hoàn bên phải.

Nhận định về 3 ca bệnh trên, bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, khoa Nam học, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Rất tiếc vì không thể bảo tồn tinh hoàn cho bệnh nhân do thời gian đến viện quá muộn. Khi phẫu thuật, tinh hoàn của bệnh nhân đã hoại tử, tím đen do xoắn trong bao thừng tinh và phải loại bỏ".

Thời gian "vàng" xử trí xoắn tinh hoàn

BS Phúc cho biết xoắn tinh hoàn thực chất là sự xoắn của thừng tinh (mạch máu và ống dẫn tinh) dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng và hoại tử. Bệnh thường gặp ở tuổi dậy thì, với triệu chứng như đau nhói, đau đột ngột một bên tinh hoàn. Phẫu thuật gỡ xoắn là phương pháp phổ biến và tối ưu, có thể xử lý triệt để bệnh lý, thời gian hồi phục hậu phẫu ngắn. Nếu tình trạng để xoắn quá lâu, tinh hoàn sẽ bị hoại tử và phải cắt bỏ.

Thời gian "vàng" để cấp cứu xoắn tinh hoàn là trong vòng 6 giờ đầu tiên tính từ lúc bệnh nhân có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, tỷ lệ thành công cứu được tinh hoàn sẽ cao. Đến viện trong khoảng 6-12 giờ, khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50%, trong khoảng 12-24 giờ chỉ còn 20% khả năng được cứu. Đến viện sau 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn.

BS Phúc khuyến cáo khi có dấu hiệu đau nhức vùng tinh hoàn, nam giới nên đến viện để thăm khám. Do bệnh lý không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng, các phụ huynh có con trai cần phải theo dõi những thay đổi bất thường của trẻ và cần đưa trẻ đến viện để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này.

Các nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn
1. Các hoạt động vận động mạnh như chơi thể thao, nhảy múa, chạy bộ, hay quần vợt có thể tạo ra những chuyển động nhanh và mạnh của tinh hoàn
2. Hoạt động tình dục mạnh mẽ, nhiều lần làm cho túi bìu của bạn di động như một con lắc đập dễ làm cho tinh hoàn bị xoắn.
3. Thời tiết lạnh làm cho cơ bìu co lại, dễ làm cho tinh hoàn bị xoắn.
4. Bệnh lý tinh hoàn: U tinh hoàn, có mấu phụ tinh hoàn, viêm tinh hoàn cấp tính, tinh hoàn không xuống bìu, cũng có thể làm tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn.
5. Chấn thương, va đập mạnh vào vùng tinh hoàn cũng có thể gây ra xoắn tinh hoàn. Đeo quần quá chật, đặc biệt là quần lót chật cũng có thể tạo áp lực lên tinh hoàn và gây xoắn.
6. Tuổi: Xoắn tinh hoàn thường xuất hiện ở nam giới trẻ tuổi, đặc biệt trong độ tuổi từ 12 đến 18. Đây là giai đoạn mà túi bì và mạch máu tinh hoàn đang phát triển, gây tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn...


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.