Xã hội

Nhiều tỉnh ùn tắc vì “giấy thông hành”

07/07/2021, 07:00

Những ngày qua, người dân ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam chen chúc đi xếp hàng xét nghiệm lấy giấy chứng nhận âm tính Covid-19.

img

Mới ghi nhận 1 ca dương tính Covid-19 trong khu cách ly, TP Cần Thơ đã yêu cầu từ 9/7, bất cứ ai vào địa phương này đều phải có giấy xét nghiệm âm tính (Ảnh: Dừng xe khai báo y tế trên QL1 đoạn đường dẫn cầu Cần Thơ - Ảnh: Huỳnh Như)

Tuy nhiên, quá trình triển khai các biện pháp kiểm soát dịch tại không ít địa phương đã cho thấy có những bất cập, đặc biệt là việc lập chốt kiểm soát, yêu cầu người dân phải có giấy chứng nhận âm tính.

Khó kiểm soát hết, bắt đầu kẹt xe

Từ ngày 5/7, tỉnh Đồng Nai ra quy định người về/đến Đồng Nai hàng ngày từ TP HCM, Bình Dương yêu cầu phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày từ ngày có kết quả xét nghiệm.

Vì thế, trong những ngày qua, nhiều người có nhu cầu đi lại giữa Đồng Nai - TP HCM và Bình Dương đã đổ xô đi xét nghiệm để kiếm được tấm “giấy thông hành”. Do kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong vòng 7 ngày nên tại các điểm xét nghiệm luôn rất đông người.

Theo ghi nhận trong hai ngày 5- 6/7, tại các chốt kiểm soát vào tỉnh Đồng Nai, CSGT, cảnh sát cơ động liên tục mời người đi xe máy, ô tô vào chốt khai báo y tế, kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính đối với lái xe hướng từ TP HCM, Bình Dương đi qua.

Rất nhiều xe đã buộc phải quay đầu khi không đủ thủ tục. Tuy nhiên, do mật độ phương tiện quá đông, vẫn có không ít xe né chốt mà không bị kiểm tra.

Điển hình trong sáng 5/7 tại cầu Đồng Nai, trong lúc CSGT mời xe máy, ô tô vào chốt khai báo y tế thì nhiều ô tô khi qua các làn thu phí trạm BOT (đang tạm dừng thu phí) vẫn phóng ào ào về cầu vượt trên QL1.

Một cán bộ CSGT cho hay: “Do lực lượng quá mỏng, lượng xe trên QL1 quá đông nên không thể kiểm soát hết 100%. Tuy nhiên, tài xế có thể qua được chốt này nhưng vẫn có thể bị xử phạt và buộc quay đầu xe khi qua các chốt kiểm soát khác nếu không trình được giấy xết nghiệm âm tính”.

Tương tự Đồng Nai, các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có thông báo và lập chốt kiểm soát người lái xe vào địa phận phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.

Theo phản ánh của giới tài xế, chiều 5/7 đã xảy ra tình trạng ùn tắc trên QL51. Đây là tuyến đường bộ độc đạo gần nhất từ TP HCM, Đồng Nai đi Bà Rịa - Vũng Tàu, mật độ luôn rất cao vì ven QL51 có hàng chục khu công nghiệp, cảng biển hoạt động.

Một lãnh đạo Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC - chủ đầu tư BOT QL51) cho biết, tình trạng ùn ứ trên QL51 kéo dài khoảng 5km đoạn giáp ranh hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nơi 7 nơi 3, mỗi nơi áp một thời hạn "giấy thông hành"

Tại khu vực Tây Nam bộ, hầu hết các tỉnh, thành đã có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Riêng TP Cần Thơ ghi nhận 1 trường hợp trong khu cách ly, trở về từ tỉnh Bắc Giang.

Để phòng chống dịch, các địa phương miền Tây đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát đối với người từ nơi khác, xe chở hàng hóa đến địa phương. Tuy nhiên, cách áp dụng mỗi nơi một kiểu, gây khó khăn cho người dân, ảnh hưởng đến việc vận chuyển lưu thông hàng hóa.

Cụ thể, tại Trà Vinh, UBND tỉnh này đã yêu cầu tất cả các trường hợp trên địa bàn các tỉnh, thành phố có ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng khi đến địa phương phải được xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 hoặc test nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 5 ngày.

Trong khi đó, Vĩnh Long lại yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Realtime RT- PCR, còn trong thời hạn 7 ngày, hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2 còn trong thời hạn 72 giờ.

Những trường hợp không đáp ứng yêu cầu này sẽ không được vào địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Còn tại TP Cần Thơ, người dân phải có phiếu xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày trước khi vào địa bàn thành phố.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Huy Dũng (ngụ tỉnh An Giang), tài xế thường xuyên vận chuyển hàng hóa liên tỉnh cho biết, việc quy định bất nhất về thời gian khiến cho tài xế gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí.

“Nhiều trường hợp anh em tài xế đi trong vài ngày liền, khi về đến Vĩnh Long hay Cần Thơ mà giấy hết hiệu lực thì phải test lại. Ai được doanh nghiệp hỗ trợ thì đỡ, còn không phải tự bỏ tiền túi ra xét nghiệm. Tiền công một ngày chỉ khoảng 200.000 đồng, trong khi đó tiền xét nghiệm đã hơn tiền công rồi. Đó là chưa kể đến việc chậm trễ trong khâu giao hàng trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm”, tài xế Dũng cho biết.

Hiệu lực “giấy thông hành” không đồng bộ cũng diễn ra ở các địa phương khác. Chẳng hạn như Đồng Nai yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày.

Trong khi đó tỉnh Bình Thuận yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, nếu không có phải thực hiện test nhanh, có trả phí. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính có hiệu lực không quá 5 ngày.

Có làm khó người dân, doanh nghiệp?

img

Tuyến QL51 đoạn giáp ranh hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu ùn tắc hơn 5km vào trưa 5/7. Nguyên nhân là do các tài xế phải dừng tại chốt kiểm dịch để làm thủ tục khai báo y tế, trình giấy xét nghiệm âm tính

Riêng tỉnh An Giang, tại Thông báo ngày 6/7, tỉnh này yêu cầu tất cả người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa đường dài, kể cả người đi cùng (nếu có), các trường hợp từ các địa phương đang có dịch khi vào An Giang phải có phiếu xét nghiệm PCR âm tính trong 3 ngày. Trường hợp không có thì phải thực hiện test nhanh tại các chốt kiểm soát, chi phí do cá nhân tự chi trả.

Ông V.N.T, giám đốc một công ty vận tải có trụ sở tại TP Cần Thơ cho rằng việc đòi hỏi này khó khả thi. Bởi lẽ xét nghiệm PCR mất rất nhiều thời gian (24h mới có kết quả) nhưng tính chất công việc thì lại không cho phép, chưa kể tăng thêm gánh nặng về chi phí cho các doanh nghiệp.

“Xe tôi từ Cần Thơ lên, tài xế của tôi được CDC Cần Thơ xét nghiệm bằng kỹ thuật test nhanh, nhưng khi mang giấy này lên An Giang thì trên đó không chịu, bắt test lại. Trong khi đó, tài xế chỉ đưa xe lên cảng, hệ thống cảng hiện tại đã hoàn toàn tự động, hoàn toàn không tiếp xúc với bất kỳ ai thì đâu cần phải quản lý chặt chẽ như vậy?”, ông T. nói.

Bên cạnh đó, ông T. còn bày tỏ sự quan ngại trước việc kiểm soát mang tính chất “quá tay” của địa phương, đã vô tình tạo áp lực giao thông lớn cho các chốt kiểm soát giao thông, gây ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ lây cơ lây nhiễm.

“Tài xế tập trung lại cả 100 người để lấy mẫu xét nghiệm thì chỉ cần trong đó 1 người dương tính thì những trường hợp còn lại nguy cơ lây nhiễm là rất lớn”, ông T. bày tỏ.

Trao đổi với PV, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc người dân, tài xế đi lại giữa các tỉnh, thành phố phải có giấy xét nghiệm âm tính là biện pháp cần thiết.

Đến sáng 6/7, toàn tỉnh ghi nhận 108 ca bệnh Covid-19 đã được công bố, 9 ca nghi nhiễm đang chờ công bố. Trong các bệnh nhân được phát hiện dương tính, qua truy vết có liên quan đến các địa điểm, chợ đầu mối ở tỉnh, thành phố lân cận. Do đó, cần kiểm soát chặt việc khai báo y tế, đi lại giữa các điểm đang có dịch để ngăn chặn dịch lây lan.

Trả lời về việc nhiều xe vẫn thông chốt kiểm soát dịch Covid-19, lực lượng chức năng không kiểm tra được việc khai báo y tế, tài xế không trình giấy xét nghiệm, ông Vũ cho rằng, tất cả các biện pháp phòng chống dịch đều “mang tính tương đối”, không có biện pháp nào đạt kết quả được 100%.

"Tài xế đi khắp nơi, truy vết rất vất vả"

Cho rằng địa phương không “ngăn sông cấm chợ”, ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cho biết, đối với người vận chuyển hàng hóa nếu có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ vẫn được vào tỉnh bình thường.

“Nói chung phải bảo đảm an toàn, phòng chống là trên hết, bởi mình không biết họ đi đâu, ở đâu thì làm sao mình kiểm soát được, hơn nữa mình không thể xác định mầm bệnh nằm ở đâu trong cộng đồng. Trong khi đó, các tài xế họ đi rất nhiều nơi, nếu không có gì chứng minh tài xế đó không có virus trong người, không may có mầm bệnh thì việc truy vết rất vất vả”, ông Nam nói thêm.

Bác sĩ Đặng Hải Đăng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau thì cho biết, ngoài việc yêu cầu các tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính, trước khi ra khỏi tỉnh mà thời hạn xét nghiệm quá 3 ngày phải làm xét nghiệm lại, phòng việc mang mầm bệnh ra ngoài. “Nói chung, quy định như thế không phải là cứng nhắc, kể cả khi vào hay khi ra”, ông Đăng nói.

Có “giấy thông hành” đã thực sự an toàn?

Chia sẻ về việc liệu tờ “giấy thông hành” có đảm bảo an toàn, không lây nhiễm hay không, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng, tờ giấy này chỉ là chứng nhận tại thời điểm xét nghiệm về cơ bản một người không nhiễm SARS-CoV-2, không phải là nguồn bệnh lây cho người khác.

“Nói cơ bản vì nếu họ nhiễm 1, 2 ngày đầu thì xét nghiệm cũng không ra bệnh, hoặc trong xét nghiệm cũng có sai sót bởi không có xét nghiệm nào đạt chính xác 100%”, ông Phu nói.

Nhấn mạnh giấy này chỉ chứng nhận ở thời điểm xét nghiệm (nghĩa là không có thời hạn lâu dài) nên theo ông Phu, sau xét nghiệm mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh để không bị nhiễm mới. Giấy xét nghiệm không thể có chứng nhận nào là một người không thể nhiễm mới.

“Khi lưu thông, đi xe đường dài, di chuyển giữa vùng này vùng khác, dù có giấy xét nghiệm không bị nhiễm song điều quan trọng nhất là vẫn phải thực hiện biện pháp 5K”, ông Phu lấy ví dụ một người vừa nhận kết quả âm tính SARS-CoV-2 nhưng nếu lên xe, tàu, hoặc gặp mặt người khác mà không tuân thủ 5K thì rất có thể sẽ nhiễm bệnh.

H.Vân

Quy trình không thống nhất gây khó cho vận tải

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, hiện nay quy trình, phương pháp kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 của các tỉnh, thành phố chưa thống nhất, đặc biệt là các tỉnh trung gian chưa có dịch, gây khó khăn cho hoạt động vận tải.

Theo ông Huyện, Tổng cục đã có hướng dẫn và đã yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành phố tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa mà vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó phải tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch có biện pháp kiểm tra phù hợp, tránh gây ách tắc. Đồng thời, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GTVT, đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, nhu cầu di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hóa.

Liên quan đến giải quyết ùn tắc tại khu vực TP HCM, Đông Nam bộ va Tây Nam bộ, Tổng cục cũng đã yêu cầu sở GTVT các địa phương giáp ranh với “vùng nóng” dịch bệnh TP HCM phải phối hợp chặt chẽ để phân luồng, tổ chức giao thông, hướng dẫn xe tại các chốt kiểm dịch 24/24 giờ.

Tại các địa phương có dịch Covid-19, có giãn cách, cách ly xã hội, Tổng cục cũng đã yêu cầu hướng dẫn, tổ chức giao thông tạm thời, phân luồng từ xa để phương tiện không lưu thông qua các vùng này bằng việc tháo dỡ giải phân cách giữa trước chốt kiểm dịch, thuận tiện cho việc quay đầu xe.

“Để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt giữa các tỉnh, Tổng cục đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ IV phối hợp với các sở GTVT kiểm tra tại các chốt kiểm soát. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc phải báo cáo ngay về Tổng cục, phối hợp với các sở GTVT xử lý, đảm bảo việc vận chuyển thông suốt nhanh nhất, an toàn cho lái xe và doanh nghiệp”, ông Huyện cho biết.

Một giải pháp nữa là Tổng cục đã chỉ đạo sở GTVT các tỉnh, thành phố chỉ đạo doanh nghiệp vận tải gửi thông tin về biển số xe, hành trình vận chuyển hàng hóa, hành khách, thông tin về lái xe trước cho các chốt kiểm dịch để kiểm soát, tránh phải dừng lại. Bên cạnh đó, các sở GTVT thông tin về vị trí lập chốt, công khai trên cổng thông tin của tỉnh để cơ quan quản lý, doanh nghiệp, lái xe nắm được, đảm bảo việc phối hợp được thuận tiện, nhịp nhàng hơn.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, Bộ GTVT đã họp trực tuyến với TP HCM và các tỉnh lân cận thống nhất một số phương án tạo điều kiện cho xe vận chuyển hàng hóa đi lại thông suốt.

Bà Hiền cho biết, ngay trong ngày 7/7, Tổng cục sẽ làm việc với Bộ TT&TT về phần mềm quản lý thông tin lái xe. Các thông tin lái xe đã tiêm vaccine hay xét nghiệm chưa sẽ được cập nhật ngay vào phần mềm. Khi qua các chốt kiểm soát dịch, lái xe sẽ được kiểm soát bằng các thông tin này bằng mã QR code.

“Tổng cục cũng đã thống nhất có luồng riêng cho vận tải hàng hóa tại các chốt kiểm dịch. Để làm được điều này, các tỉnh cần thông tin công khai vị trí, số điện thoại, E-mail của các chốt kiểm dịch để doanh nghiệp vận tải gửi thông tin trước. Việc kiểm soát người và lái xe thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế”, bà Hiền cho hay.

Trần Duy

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.