Trong tương lai, nhiều việc làm mới được tạo ra cho lao động phổ thông ở lĩnh vực dịch vụ nhu cầu thiết yếu |
77% lao động chưa qua đào tạo
Tại Diễn đàn Khoa học Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 31/10, TS. Nguyễn Văn Thuật, nhận định: Cầu lao động giản đơn ngày càng giảm mạnh, tạo nên bức tranh lao động tự do, lao động trong khu vực phi kết cấu ngày càng phình to.
“Cả nước hiện có 77% lực lượng lao động không qua đào tạo chuyên môn. Số liệu thống kê cho thấy, số lao động giản đơn hằng năm của Việt Nam gần như không giảm hoặc giảm rất chậm, giảm không đáng kể trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017. Với khoảng 43 triệu lao động giản đơn hiện nay, phần lớn không phải là lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức, mà chủ yếu là lao động nông nghiệp, lao động tự do và lao động trong khu vực phi chính thức, có công việc không ổn định và thu nhập thấp”, ông Thuật phân tích.
“Vậy lao động giản đơn sẽ làm gì và phát triển thế nào trước những thách thức chưa từng có của CMCN 4.0?”, ông Thuật đặt vấn đề và dẫn giải: Trong thời đại này, dù robot, nhà máy thông minh hay dây chuyền sản xuất hiện đại hoàn toàn có thể thay thế, làm tốt hơn người lao động ở một số công việc nhất định. Tuy nhiên xu hướng việc làm mới cũng được tạo ra cho lao động giản đơn làm việc trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội như: Lao động phục vụ trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn; lao động giúp việc gia đình; lao động làm việc thông qua công nghệ kết nối cung cầu như của Grab và Go-Viet,....
“Dù vị thế của lao động giản đơn trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ ở nước ta ngày càng được khẳng định về chất bởi nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội ngày càng phong phú và đa dạng, nhưng xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi cấp bách nước ta phải giảm nhanh số lao động giản đơn theo hướng tinh gọn lại để gia tăng nhanh lao động có trình độ, tay nghề phù hợp với nhu cầu xã hội”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Lương công nhân không đủ sống sao có thể đòi hỏi sáng tạo?
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 64% trẻ em đang học hiện nay khi ra trường sẽ làm các loại việc làm chưa từng xuất hiện. Cụ thể, PGS.TS. Vũ Quang Thọ, Viện Công nhân và Công đoàn,Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, với CMCN 4.0, nhiều việc làm có thể được tự động hóa và mất đi. Thay vào đó là các loại việc làm mới ra đời, bao gồm: Việc làm thiết kế các hệ thống tự động hóa; việc làm thiết kế và vận hành in 3D; việc làm kết nối; việc làm đòi hỏi tình yêu thương thực sự của con người (các chuyên gia tư vấn tâm lý, bác sĩ tâm lý, trông trẻ sơ sinh); việc làm đòi hỏi sự cảm thông (hòa giải viên, thẩm phán); việc làm của các chuyên gia trong các lĩnh vực phân tích rủi ro, phân tích dữ liệu lớn, lựa chọn giải pháp,…
Ngành dệt may là một trong 3 lĩnh vực có nguy cơ sa thải lao động lớn nhất trong tương lai không xa |
Theo ông Thọ, thị trường lao động trong CMCN 4.0 đòi hỏi nguồn lao động sáng tạo, lao động tri thức. Tuy nhiên, nguồn lao động của Công nghiệp 2.0 hiện nay của Việt Nam để đủ sống và có chút tích lũy, buộc phải làm việc như cỗ máy, không đòi hỏi sáng tạo.
“Muốn sáng tạo, đòi hỏi con người phải thoát ra khỏi lo toan của cuộc sống hàng ngày và say mê trong công việc của mình. Điều này có thể được không, khi mà lương công nhân Việt Nam hiện nay không đủ sống, đang phải đối mặt với 5 không: không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không tích lũy, không vui chơi giải trí và văn hóa tinh thần. Họ vẫn phải làm việc như robot, ảnh hưởng rất lớn đến thể lực, giống nòi và năng suất trong tương lai”.
Ông Thọ phân tích và đặt vấn đề: “Khi người lao động không còn sức lực sau một ngày làm việc để thực hiện những đam mê của mình, liệu họ có thể “đi thẳng” vào CMCN 4.0, bỏ qua Công nghiệp 3.0 để sáng tạo ra cái mới, khi chưa am hiểu về nền tảng kĩ thuật và công nghệ của cái cũ?”
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận