Chị Hương và cháu M. |
Phát hiện bệnh viện trao nhầm con sau 6 năm nuôi nấng
Câu chuyện hai gia đình phát hiện bị trao nhầm con sau 6 năm nuôi nấng ở Ba Vì, Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo thông tin báo chí tìm hiểu được, cách đây 6 năm, vào 7h10 ngày 1/11/2012, vợ anh Sơn là chị Phùng Thị Thu Hiền sinh con trai tại Khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.
Anh cho biết, khi gia đình được giao con, vợ chồng anh đã nghi ngờ nhầm tã lót của cháu nên có hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ. Tuy nhiên, bác sĩ này khẳng định đây là tã lót của cháu chứ không nhầm.
Sau khi ra viện, gia đình anh Sơn vẫn nuôi dưỡng cháu Phùng Thanh H. vì tin vào lời khẳng định của bệnh viện và không biết việc giao nhầm con. Tuy nhiên, càng lớn, cháu Phùng Thanh H. lại càng có nhiều điểm và nét không giống bố mẹ nên gia đình anh bắt đầu nghi ngờ.
Anh Sơn đã đưa cháu H. đi xét nghiệm tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) và cho kết quả không cùng huyết thống với vợ chồng anh.
Đầu tháng 3/2018, gia đình anh Sơn đã phản ánh tới BVĐK Ba Vì. Nhận được thông tin, bệnh viện đã vào cuộc xác minh và thừa nhận sai sót trong chuyên môn, trao nhầm con trai của anh Sơn.
Ngày 14/4/2018, trong buổi làm việc giữa BVĐK Ba Vì và gia đình anh Phùng Giang Sơn cùng chị Vũ Thị Hương đã thống nhất hai gia đình cùng hai cháu đi xét nghiệm ADN tại Viện khoa học hình sự (Bộ Công an).
Ngày 11/5/2018, Viện khoa học hình sự gửi văn bản tới anh Phùng Giang Sơn xác định, cháu Phùng Thanh H. (con trai anh Phùng Giang Sơn và chị Phùng Thị Thu Hiền đang nuôi) không phải là con của anh Sơn.
Cháu Phùng Thanh H. được xác định là cùng huyết thống với chị Vũ Thị Hương (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội). Cháu Đoàn Nhật M. (chị Hương đang nuôi) cùng huyết thống với anh Phùng Giang Sơn, chị Phùng Thị Thu Hiền.
Hiện Sở Y tế Hà Nội yêu cầu bệnh viện phải giải quyết vụ việc này sớm và đảm bảo sự đồng thuận của hai gia đình bị trao nhầm con. Các vấn đề pháp lý, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ... có thể thực hiện sau đó. Hạn chót giải quyết là ngày 20/7.
Trao nhầm con gái ở nhà hộ sinh 42 năm trước ở Hà Nội
Một trong những vụ gây chấn động dư luận về sự cố trao nhầm con là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh ở Hà Nội. Vào năm 2016, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi, ở đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) đã nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm người con gái bị trao nhầm lúc mới sinh từ 42 năm trước.
Chị Tạ Thị Thu Trang cùng bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, người mẹ nuôi nhầm con 42 năm. Ảnh: báo Công an nhân dân |
Theo đó, vào ngày 10/10/1974, bà Nguyễn Mai Hạnh, ở Quán Thánh, Ba Đình sinh con gái thứ ba tại nhà hộ sinh Ba Đình, ngõ Phan Huy Ích, nay là nhà hộ sinh số 12 Lê Trực.
Hơn một tiếng sau sinh, con gái được nằm trong vòng tay mẹ. Bà Hạnh vẫn nhớ rõ khi nhận về thì thấy ở chân con là số 32, không trùng với số 33 ở tay bà. Gia đình bà đã đi tìm nhưng không thấy em bé nào có số 33. Khi hỏi bác sĩ thì được giải thích: "Đi tắm nên bị mờ. Đây đúng là con chị".
Đưa con gái về nuôi và hết mực yêu thương nhưng linh tính mách bảo đó không phải là con mình nên đến năm con được 20 tuổi, bà Hạnh làm xét nghiệm AND thì cả hai lần đều cho kết quả "con gái và mình không cùng huyết thống".
Vào năm 1998, bà Hạnh âm thầm thực hiện xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy, chị Trang không cùng huyết thống với gia đình. Mãi đến tháng 10/2015, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà Hạnh mới quyết định nói ra sự thật với hy vọng để con gái tìm ra gốc gác của mình.
Sau khi được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng và cộng đồng, tháng 10/2017, chị Trang đã tìm được bố mẹ đẻ của mình và bà Hạnh cũng được đoàn tụ với con gái sau hơn 40 năm xa cách.
Trong niềm vui hân hoan tìm lại con, bà Nguyễn Mai Hạnh chia sẻ: "Đúng là tưởng xa tận chân trời nhưng lại gần ngay trước mặt. Bây giờ, cả 2 gia đình đã có dịp gặp nhau, coi như tôi đã có 2 con, con nuôi cũng như con ruột, đều đã có gia đình hạnh phúc".
Trao nhầm con 29 năm sau mới phát hiện
Gia đình bà Phan Thị Tuyết Hoa (53 tuổi), ở phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) sinh cô con gái tên Hiền vào ngày 12/12/1987, tại nhà hộ sinh quận Đống Đa. Chị Lê Thanh Hiền lớn lên xinh hơn các anh chị khác trong gia đình. Vụ việc được báo chí đăng tải vào giữa tháng 3 năm 2016.
Sau khi lấy chồng và sinh 2 con, xét nghiệm máu chị Hiền nhận thấy chị là nhóm máu B, nhưng trong sổ khám bệnh bố chị lại nhóm máu O. Điều này khiến chị thấy khá lạ và bắt đầu tìm hiểu về nhóm máu, rồi quyết định đi giám định ADN.
Bà Phan Tuyết Hoa và con gái Lê Thanh Hiền. Ảnh: báo VietnamNet |
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bà Hoa không phải mẹ đẻ chị Hiền. Để tìm lại cha mẹ ruột, chị Hiền cùng chồng đến nhà hộ sinh quận Đống Đa hỏi giấy tờ từ 29 năm trước.
Gia đình chị tìm kiếm 3 người phụ nữ sinh con cùng ngày và bà Tô Thanh Th. được cho là có nhiều nét gần giống chị Hiền. Lúc đầu bà Th. từ chối hợp tác, sau khi chịu áp lực từ dư luận, bà đã đồng ý cùng với con trai H.L. đi xét nghiệm.
Kết quả, chị Lê Thanh Hiền không phải con gái đẻ của bà Th., còn anh H.L. cũng không phải là con đẻ của bà Hoa.
Mặc dù cuộc kiếm tìm mẹ ruột chị Hiền và con đẻ bà Hoa như mò kim đáy bể, nhưng gia đình vẫn hy vọng và không bỏ cuộc.
Hai bé gái bị trao nhầm ở Bình Phước
Năm 2014, chị Nguyễn Thị Thu Trang (27 tuổi) sinh cùng phòng với chị Thị Liên (25 tuổi) tại Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long. Chị Trang sinh trước 15 phút. Thấy con gái lớn lên trở thành đề tài bàn tán của nhiều người khi cháu không hề giống ai, kể cả hai bên nội ngoại. Lời xầm xì của mọi người xung quanh khiến anh Khiên nghi ngờ đứa con hàng ngày mình nuôi nấng không cùng máu mủ.
Anh Khiên bên con đẻ Lan Anh (trái) và đứa con mình nuôi dưỡng từ nhỏ Ngọc Yến. Ảnh: báo VnExpress |
Bên cạnh đó, anh Khiên cũng âm thầm đi tìm sự thật, tuy nhiên không có được bằng chứng hay dấu hiệu nào cho thấy vợ có tình cảm ngoài luồng với người đàn ông khác. Đồng thời gia đình cũng đặt ra tình huống rất có thể con gái của họ đã bị trao nhầm, và kể từ đó hành trình tìm con đầy trắc trở cũng bắt đầu. Anh Khiêm đã xin nghỉ việc cơ khí, về nhà theo cha vợ đi bán bánh khắp các buôn làng trong suốt 2 năm ròng để tìm kiếm bé gái sinh cùng ngày với con gái mình trông đêm đó.
Đầu tháng 5/2016, trong lần đi bán bánh mì ở làng bên, bố chị Trang thấy chị Liên bế bé gái rất giống cháu ngoại đầu của mình nên nghi ngờ. Đưa con chị Trang xét nghiệm ADN thì phát hiện không cùng huyết thống.
Nhận được khiếu nại, BV Bình Long đã đưa 2 bé gái nghi bị trao nhầm đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo.
Theo tường trình của các hộ sinh trực hôm ấy, có thể trong lúc tắm rửa sau sinh, dấu mực được đánh trên tay bé bị phai nên mới dẫn đến việc trao nhầm. Sau khi nhận lại con ruột, cả hai gia đình nhận em bé bị trao nhầm làm con nuôi và vẫn liên lạc, thăm hỏi nhau thường xuyên.
Hành trình tìm con gái sau 4 năm bị bệnh viện trao nhầm ở Thanh Hóa
Vào ngày mùa đông năm 2012, chị Trâm Anh (quê xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có biểu hiện chuyển dạ nên được đưa vào Bệnh viện Phụ sản tỉnh. Trong hơn 60 ca sinh hôm đó, có một phụ nữ ở TP Thanh Hóa. Họ cùng sinh con gái và theo phương pháp mổ bắt con. Sau ca vượt cạn, hai bà mẹ nằm chung buồng bệnh ở phòng hồi sức sau mổ.
Ít giờ sau, hai bà mẹ trẻ được nữ hộ sinh trao trả con và không nghi ngờ gì về giọt máu của mình. Gia đình chị Trâm Anh sau đó chuyển vào Đà Nẵng sinh sống cùng con gái. Bé còn lại lớn lên ở TP Thanh Hóa.
Gần đây, chị Trâm Anh thấy con gái càng lớn càng không giống cha mẹ hay bất kể người thân nào bởi da bé ngăm đen trong khi cha mẹ có nước da trắng trẻo. Chị lấy mẫu đi kiểm tra ADN và hoảng hốt khi nhận được kết quả con gái nuôi bốn năm nay không phải con mình.
Ngày 7/6/2016, chị Trâm Anh quay lại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa gửi đơn đề nghị bệnh viện phối hợp tìm kiếm đứa con thất lạc, nghi vấn bị trao nhầm.
Rà soát các sản phụ sinh cùng ngày với con của gia đình chị H. bệnh viện lấy mẫu ADN gửi kiểm tra ở Hà Nội và có kết quả là họ đã trao nhầm con cho gia đình hiện sinh sống tại Thanh Hóa.
Người thân cho hay, chỉ sau ít giờ gặp mặt cha mẹ đẻ, hai bé gái làm quen rất nhanh, không e thẹn khi gọi tên cha mẹ. Mong muốn của hai gia đình là để cho các bé có chung hai gia đình, hai ông bố và hai bà mẹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận