Lâu nay, Đối thoại an ninh bốn bên hay còn gọi là Nhóm Bộ tứ (Quad) với sự tham gia của Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ thường được coi là “liên minh quân sự” hay “khối quân sự NATO của châu Á”.
Sau khi Australia, Anh và Mỹ thành lập liên minh (gọi tắt là AUKUS), nhiều người bắt đầu đặt dấu hỏi về vai trò của Quad ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Toàn cảnh sự kiện Đối thoại an ninh bốn bên (Nhóm Bộ tứ) diễn ra tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP
Hợp tác từ vaccine đến giáo dục
Trên báo Taiwan News, ông Tridivesh Singh Maini, nhà phân tích chính trị tại Ấn Độ, đang cộng tác với Đại học Toàn cầu OP Jindal, chuyên nghiên cứu về hợp tác trong khu vực Nam Á, Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI)… khẳng định, việc cho rằng vai trò của Quad mờ nhạt và không cần thiết là cách nhìn nhận không chính xác.
Theo chuyên gia này, Quad là nền tảng để các quốc gia cùng giải quyết các thách thức chiến lược chung, hợp tác về kinh tế trong khu vực. Kết quả cuộc đối thoại mới nhất diễn ra tại Nhà Trắng là minh chứng.
Tại đó, bốn nước đã bàn luận và vạch ra chiến lược trong nhiều vấn đề mới từ vaccine phòng Covid-19 đến biến đổi khí hậu, hợp tác về vũ trụ, công nghệ, các dự án hạ tầng và chuỗi cung ứng.
Trong đó, về vaccine, lãnh đạo bốn nước đã tái khẳng định cam kết sẽ tài trợ tổng cộng 1,2 tỷ liều cho toàn cầu. Một “Nhóm chuyên gia vaccine của Quad”, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ bốn nước, đã được thành lập, nhằm xây dựng quan hệ mạnh mẽ, cùng vạch ra những kế hoạch ứng phó đại dịch ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong tương lai.
Động thái này phù hợp với bước đi của Quad, đó là ngoài hợp tác về quân sự truyền thống, còn mở rộng phạm vi sang y tế cộng đồng và công nhận đây là một trụ cột để xây dựng bền vững của khu vực.
Một lĩnh vực khác đã đặc biệt được chú trọng trong cuộc họp vừa qua, đó là giáo dục. Bốn nước trong Quad đã thông báo chương trình học bổng về Khoa học kỹ thuật; Tiếng Anh và Quản lý (STEM) cho sinh viên.
Hiện nay, đã có rất nhiều sinh viên Nhật Bản theo đuổi cao học tại Mỹ trong khi đó sinh viên Ấn Độ là cộng đồng sinh viên quốc tế rất lớn tại Australia và Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Tridivesh Singh Maini, mặc dù quyết định thành lập học bổng STEM là tín hiệu tích cực nhưng cả bốn nước cần có thêm nhiều hoạt động trao đổi khác theo sau để tăng cường trao đổi giáo dục hơn nữa.
Nhiều sáng kiến về hạ tầng, kinh tế
Nhóm Bộ tứ cũng phối hợp với nhau trong nhiều dự án về hạ tầng và kinh tế. Trong đó, đã có một số thỏa thuận song phương giữa các nước như dự án Hành lang phát triển châu Á - châu Phi giữa Ấn Độ và Nhật Bản, được coi là đối thủ với BRI của Trung Quốc.
Mỹ, Australia và Nhật Bản cũng hợp tác với nhau trong Đối thoại Ba bên về Đầu tư hạ tầng. Nổi bật là dự án cáp quang Palau từ đảo quốc Singapore qua đảo Palau và tới bờ Tây nước Mỹ.
Trên đà này, các nước trong Bộ tứ cần phối hợp làm việc cùng nhau với mức độ khẩn trương hơn, vạch ra những dự án với sự tham gia của cả bốn nước thành viên, để phát triển mạnh hơn nữa.
Về kinh tế, một trong những sáng kiến quan trọng nhất mà nhóm đưa ra trong năm nay đó là “Sáng kiến chuỗi cung ứng bền vững” (SCRI). Sáng kiến do Nhật Bản, Australia, Ấn Độ thành lập nhằm đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng trong khu vực.
Tuy nhiên, việc mở rộng khung làm việc SCRI ra tất cả các nước trong Bộ tứ sẽ rất khó khăn vì cả bốn nước đều đang thiếu nền tảng kinh phù hợp dành cho cả bốn quốc gia.
Trong khi, Nhật Bản và Australia là các thành viên của các hiệp định CPTPP và RCEP còn Ấn Độ và Mỹ thì không. Hơn nữa, có rất nhiều vấn đề về thương mại rất lớn đang tồn đọng giữa Ấn Độ và Mỹ.
Cuối cùng, nhà phân tích chính trị Ấn Độ cho rằng, ý nghĩa và sức ảnh hưởng của Bộ tứ không thể phai nhạt vì bốn quốc gia này có tổng GDP lên tới 34 nghìn tỷ USD và rõ ràng là có rất nhiều “đất” để cùng hợp tác.
Những kết quả đạt được sau cuộc họp trực tiếp tại Nhà Trắng của Bộ tứ vừa qua là minh chứng cho thấy nhóm đang mở rộng vai trò trên nhiều lĩnh vực, tạo thành một bộ phận trong mạng lưới hợp tác rộng hơn giữa các quốc gia có cùng chí hướng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận