Vận tải

Những ai sẽ tham gia vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông?

20/03/2019, 15:40

Các chức danh nhân viên chạy tàu đường sắt đô thị được Luật Đường sắt 2017 quy định rõ về tiêu chuẩn, nhiệm vụ.

img
Nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu đường sắt đô thị phải đáp ứng được các tiêu chuẩn theo Luật định

Dự kiến cuối tháng 4/2019, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước là Cát Linh - Hà Đông sẽ khai thác thương mại. Những nhân viên phục vụ chạy tàu trên tàu, dưới ga trên tuyến đường sắt đô thị sẽ gồm những ai, thực hiện nhiệm vụ gì để vận hành tàu an toàn?

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, bộ máy quản lý khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu, trong đó khai thác vận hành 12 đoàn và 1 đoàn dự phòng. Nhân sự phục vụ trong giai đoạn khai thác gồm 681 người (không kể bảo vệ, nhân viên vệ sinh) trực tiếp tham gia hệ thống quản lý, khai thác vận tải thương mại. Các nhân sự này được chia thành 21 bộ phận, trung tâm để đảm nhiệm tất cả các công việc của tuyến đường sắt (quản lý vận hành, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa).

Về số lượng nhân sự, một số bộ phận có số lượng lớn từ trên 50 đến hơn 200 người gồm: Trung tâm Ga vận tải hành khách 254 người: nhân viên vé, quản lý hành chính, quản lý tổng hợp, tác nghiệp tổng hợp, phụ trách an toàn, trưởng bộ phận, trưởng ca; Trung tâm Tàu khách 86 người, riêng lái tàu 46, lái dồn và thử tàu 12 người; Trung tâm Kiểm tra và sửa chữa tàu 53 người; Trung tâm Sửa chữa thiết bị nhà ga 60 người, riêng thợ sửa chữa tổng hợp 42 người, Trung tâm Sửa chữa thông tin tín hiệu 62 người, gồm 48 công nhân sửa chữa thông tin, tín hiệu và máy soát vé tự động.

Theo Thông tư 33/2018 của Bộ GTVT thi hành Luật Đường sắt 2017, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt đô thị bao gồm các chức danh sau: Nhân viên điều độ chạy tàu; Lái tàu; Nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga; Nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu.

Mỗi chức danh đều có quy định riêng về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn. Trong đó, tiêu chuẩn của nhân viên điều độ chạy tàu phải có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên về điều hành, vận tải hoặc khai thác đường sắt đô thị; Có ít nhất một năm đảm nhận trực tiếp công việc của một trong ba chức danh lái tàu, nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga, nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu; Đạt yêu cầu sát hạch về nghiệp vụ điều độ chạy tàu do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị tổ chức sát hạch.

Nhân viên điều độ chạy tàu có nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy chạy tàu theo biểu đồ chạy tàu trên tuyến đường được phân công; Trực tiếp truyền đạt mệnh lệnh tổ chức chỉ huy các tàu đi cứu chữa, cứu hộ, cứu viện khi có tai nạn sự cố chạy tàu. Đồng thời, có quyền ra lệnh phong tỏa khu gian, lệnh cảnh báo tốc độ tới các đơn vị có liên quan, lệnh đình chỉ chạy tàu tạm thời nếu xét thấy có nguy cơ mất an toàn chạy tàu. Đình chỉ nhiệm vụ đối với lái tàu, nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga, nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu khi lên ban có hành vi vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vận hành và bảo trì đường sắt đô thị, quy trình tác nghiệp uy hiếp an toàn chạy tàu và báo ngay cho lãnh đạo trực tiếp biết để bố trí người thay thế.

Đối với chức danh lái tàu, tiêu chuẩn phải có giấy phép lái tàu còn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật. Lái tàu có nhiệm vụ trực tiếp điều khiển tàu chạy an toàn, đúng tốc độ quy định, đúng biểu đồ chạy tàu, thực hiện mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu của nhân viên điều độ chạy tàu, quy trình vận hành khai thác, tham gia giải quyết sự cố, tai nạn giao thông trên tuyến đường sắt đô thị. Lái tàu cũng có quyền từ chối cho tàu chạy, nếu xét thấy chưa đủ điều kiện an toàn cần thiết và báo cáo ngay cho nhân viên điều độ chạy tàu biết. Đặc biệt, lái tàu phải được đào tạo, sát hạch nghiệp vụ khi thay đổi việc lái tàu giữa các tuyến hoặc loại tàu đường sắt đô thị.

Với nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn về vận tải hoặc khai thác đường sắt đô thị; Đã qua thời gian thử việc theo quy định của pháp luật về lao động với chức danh nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu và đạt yêu cầu sát hạch về nghiệp vụ hỗ trợ an toàn trên tàu do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị tổ chức sát hạch. Nhiệm vụ của chức danh này là người hỗ trợ cho lái tàu thực hiện việc kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn cho hành khách lên xuống tàu và thông báo cho lái tàu biết để vận hành tàu an toàn, phối hợp với lái tàu tham gia giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt trên tuyến.

Thông tư 33 cũng quy định, trường hợp nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu không đảm nhận công việc quá 6 tháng liên tục, nếu muốn tiếp tục đảm nhận công việc thì phải qua kỳ kiểm tra nghiệp vụ và đạt yêu cầu do doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị quy định, tổ chức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.