Theo một báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge cho biết thói quen kiểm soát tiền của trẻ em được hình thành từ năm 7 tuổi. Cha mẹ càng sớm bắt đầu tận dụng những khoảnh khắc dạy con về các cách chi tiêu hàng ngày (ví dụ cho trẻ 2 tuổi một số tiền để trẻ tự mua món quà vặt nào đó), trẻ càng hấp thụ kỹ năng này tốt hơn.
Lứa tuổi 3-5:
Bài học: Không phải thứ gì trẻ muốn là phải mua ngay lập tức
Trẻ ở độ tuổi này cần phải học rằng nếu chúng thực sự muốn thứ gì đó, chúng nên chờ đợi và tiết kiệm để mua nó. Khi cùng con bước vào một cửa hàng, hãy nhấn mạnh và cương quyết nếu bạn chưa muốn mua cho trẻ thứ bé đòi “chúng ta chưa có tiền để mua món này, chúng ta ở đây để mua các món A, B cần dùng cho gia đình”. Trẻ sẽ nhanh chóng biết rằng việc đi vào cửa hàng không phải lúc nào cũng có nghĩa là mua những thứ bé muốn.
Hoạt động cho lứa tuổi 3 đến 5
Hãy cho trẻ một lọ tiền tiết kiệm, mỗi khi bé nhận được tiền từ làm việc vặt hoặc từ ngày sinh nhật, hãy bỏ tiền vào lọ. Sau đó cho phép trẻ được sử dụng tiền cho các mục đích như mua bán quà vặt, đồ chơi, quyên góp từ thiện hoặc để dành để mua các món quà đắt hơn…
Cho trẻ đặt mục tiêu, chẳng hạn như mua một món đồ chơi sẽ phải để dành tiền trong nhiều tháng, ngoài ra ở độ tuổi này nên có một khoản trợ cấp nhỏ nhỏ giúp trẻ tiết kiệm cho những mục tiêu này.
Lứa tuổi 6-10:
Bài học: Đưa ra lựa chọn về cách tiêu tiền
Ở tuổi này, điều quan trọng là phải giải thích cho trẻ tiền là hữu hạn và phải biết đưa ra những lựa chọn sáng suốt, bởi vì một khi tiêu hết số tiền mình có, bé sẽ không còn gì để chi tiêu. Đồng thời ở độ tuổi này, bạn cần dạy trẻ các cách như tiết kiệm, chi tiêu và thiết lập mục tiêu, cũng nên bắt đầu cho con tham gia vào việc đưa ra các quyết định tài chính.
Hoạt động cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi
Cho trẻ một số tiền và để bé tự lựa chọn mua đồ chơi, hoặc đồ dùng học tập nào để trẻ trải nghiệm lựa chọn và cân bằng giá cả.
Lứa tuổi 11-13:
Bài học: Càng tiết kiệm sớm, tiền của bạn càng có thể tăng nhanh hơn
Ở tuổi này, bạn có thể đề xuất với con các ý tưởng tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn chuyển sang các mục tiêu dài hạn. Giới thiệu khái niệm lãi kép: Chính là khoản tiền có được từ việc dành dụm cùng với lãi suất từ chính khoản tiết kiệm này.
Các hoạt động dành cho lứa tuổi từ 11 đến 13
Mô tả lãi suất kép bằng cách sử dụng các con số cụ thể, bởi điều này hiệu quả hơn. Giải thích, nếu con dành ra 100 USD mỗi năm bắt đầu từ 14 tuổi, con sẽ có 23.000 USD ở tuổi 65, nhưng nếu con bắt đầu ở tuổi 35, con sẽ chỉ có 7.000 USD ở tuổi 65.
Cho trẻ đặt mục tiêu dài hạn cho một thứ đắt tiền hơn những đồ chơi thông thường mà bé có thể mua được ngay. Ở độ tuổi này, trẻ sẽ không nghĩ nhiều đến việc tiết kiệm vì chúng muốn mua đồ ngay lập tức, hãy hướng chúng đến những mục tiêu dài hạn, ví dụ: thay vì mua được ngay một chiếc đĩa game, chúng có thể dành dụm tiền để mua một chiếc máy tính…
Lứa tuổi 14-18:
Bài học: Tiền rất khó kiếm, hãy biết cách tiêu tiền phù hợp
Ở tuổi này bạn nên bắt đầu cùng con nghiên cứu kỹ các trường đại học để xem trẻ phù hợp với ngành học nào cũng như chi phí phải bỏ ra. Giải thích cho con về các khoản tiền sẽ phải sử dụng trong giai đoạn này để con không tiêu sài hoang phí, nhưng đồng thời cũng nói cho trẻ hiểu đây là một khoản đầu tư đáng giá.
Các hoạt động dành cho lứa tuổi 14 đến 18
Thảo luận về số tiền bạn có thể đầu tư cho việc học đại học của con, nên bắt đầu các cuộc trò chuyện về đề tài này từ năm lớp 9 để trẻ hiểu về thực tế tài chính của gia đình và cần cố gắng hơn trong học tập cũng như có mục tiêu rõ ràng trong việc lựa chọn trường đại học phù hợp.
Lứa tuổi từ 18 trở lên:
Bài học: Bạn chỉ nên sử dụng thẻ tín dụng nếu có thể thanh toán hết số dư mỗi tháng
Việc quá dễ dàng chi tiêu và nợ thẻ tín dụng, sẽ khiến trẻ tiêu vô tội vạ và vô hình chung sẽ sớm mang gánh nặng nợ những khoản lớn không thể chi trả được. Điều quan trọng là cha mẹ nên dạy con cách sử dụng thẻ tín dụng một cách có trách nhiệm.
Hoạt động dành cho lứa tuổi 18+
Bạn chính là tấm gương lớn cho trẻ vì thế hãy sử dụng thẻ tín dụng hợp lý. Điều chỉnh thẻ tín dụng chi tiêu có kiểm soát để không có khoản thanh toán trễ nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận