Xóa cảnh ùn tắc liên miên
Việc đưa vào khai thác đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở giúp người dân thoát khỏi cảnh quá tải, ùn tắc triền miên suốt bao năm qua
Sau khi đốt cầu cuối cùng được hợp long vào cuối tháng 5, nhà thầu thi công đang tích cực hoàn thiện những công việc cuối cùng để kịp thông xe cầu Vĩnh Tuy 2 vào dịp 2/9 tới.
Trong khi đó, ở nội đô, dự án Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở mới hoàn thành và đưa vào khai thác từ đầu quý I/2023 sau hơn 4 năm thi công.
Theo quy hoạch, toàn bộ tuyến Vành đai 2 Hà Nội có chiều dài hơn 43km, chạy từ Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh - Vĩnh Tuy, tạo thành vành đai khép kín.
Hiện nay, tuyến đã đầu tư hoàn thiện được 32km, trong đó, có 3 cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Đông Trù.
Trong đó, việc đưa vào khai thác đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (trục nối các đường Minh Khai - Đại La - Trường Chinh) giúp người dân thoát khỏi cảnh quá tải, ùn tắc triền miên suốt bao năm qua.
“So với mặt cắt chỉ khoảng 20m trước đây, đường Vành đai 2 hiện tại được mở rộng với mặt cắt 53,5 - 63,5m, gấp khoảng 3 lần trước đó.
Nỗi ám ảnh bị ùn tắc cả tiếng đồng hồ khi lưu thông qua đoạn đường “nút cổ chai” Trường Chinh vào giờ cao điểm chỉ còn lại trong ký ức”, TS. Trần Danh Lợi, Phó chủ tịch Hội cầu đường Hà Nội nhận xét.
Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, toàn tuyến Vành đai 2 chỉ còn lại đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy là chưa khép kín hoàn toàn.
Việc thông xe đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở là tiền đề để thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện Vành đai 2,5; 3,5 và Vành đai 4, đang được triển khai đồng bộ.
Trước khi thông xe đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, dự án xây dựng hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 với tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng, chiều dài 475m cũng đã được Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng.
“Ngoài việc giúp thành phố có thêm một nút giao thông hiện đại, hoàn thiện hạ tầng trên tuyến đường Vành đai 3, dự án hầm chui Lê Văn Lương đã giúp xóa được điểm ùn tắc Lê Văn Lương- Tố Hữu vốn tồn tại nhiều năm qua ”, TS. Trần Danh Lợi đánh giá.
Tạo động lực phát triển cho Thủ đô
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, bằng các giải pháp đầu tư đồng bộ, hai năm qua diện mạo giao thông Hà Nội đã có sự phát triển rất đáng kể. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tăng lên, số điểm ùn tắc cũng giảm sâu.
Nếu trong các năm 2020 - 2021, tỷ lệ đất dành cho giao thông tại Hà Nội mới đạt khoảng 10,07% thì sang năm 2022, tỷ lệ này là 10,35%. Hết quý I/2023, con số này đã tăng lên 10,42% trong quỹ đất đô thị toàn thành phố.
Cùng với đó, tính đến hết quý I/2023, ngành giao thông Thủ đô cũng xử lý được hàng chục điểm ùn tắc giờ cao điểm, chiếm khoảng 31% trong tổng số 35 điểm ùn tắc tồn tại thời gian qua.
“Năm nay, giao thông Thủ đô sẽ tiếp tục có những đột phá mới khi thành phố và các sở ban ngành quyết tâm tập trung thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp để đẩy nhanh các dự án giao thông quan trọng.
Trong đó có việc khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và tiếp tục hoàn thành các tuyến Vành đai liên vùng”, ông Thường nói và nhấn mạnh: Khi hạ tầng khung được đầu tư, sẽ tạo ra không gian và động lực phát triển mới cho Thủ đô.
Là đơn vị chủ công trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng, phát triển các công trình hạ tầng giao thông ở Hà Nội, ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư các công trình giao thông Hà Nội cho biết, đơn vị đang triển khai hàng chục dự án giao thông quan trọng.
Trong số này, có nhiều dự án trọng điểm như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sắp thông xe; nâng cấp đường Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; hầm chui tại nút giao Vành đai 2,5 - đường Giải Phóng; cầu vượt thép Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch.
Đặc biệt là “siêu” dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do Ban được giao đại diện chủ đầu tư.
Với quy mô đầu tư và tính chất quan trọng của công trình, thời gian qua Ban đã hoàn thành nhiều mốc công việc quan trọng, đáp ứng tiến độ Quốc hội, Chính phủ, TP Hà Nội đặt ra.
Ngày 25/6, khởi công đường Vành đai 4
Sáng 13/6, phát biểu tại cuộc gặp mặt đại biểu các cơ quan báo chí nhân dịp Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, ngày 25/6, thành phố sẽ khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại 4 điểm trên địa bàn.
Theo ông Dũng, Hà Nội đã thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội và cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng 58,6km của tuyến đường trên địa bàn. Đến nay, các thủ tục liên quan đến dự án cơ bản đã hoàn thành. Với tiến độ hiện nay, trong tháng 6/2023, thành phố có thể hoàn thành được khoảng 80% diện tích giải phóng mặt bằng của dự án.
Dự kiến, mỗi km của Vành đai 4 có mức đầu tư 328 tỷ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 112,8km, tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng. Nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ đồng; Hưng Yên 1.000 tỷ đồng; Bắc Ninh 2.000 tỷ đồng).
Nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.
Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, dự kiến cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km, gồm 58,2km qua địa phận Hà Nội, còn lại là 9,7km tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
96 dự án giao thông đang triển khai
Thống kê cho thấy năm 2023, TP Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới. Trong đó, riêng lĩnh vực giao thông có 96 dự án lớn nhỏ với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn.
Trong số này có dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai khởi công ngày 3/12/2022, dự kiến hoàn thành năm 2027, tổng mức đầu tư 8.113 tỷ đồng.
Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 có chiều dài 21,7km, bắt đầu từ nút giao Ba La (quận Hà Đông) đến thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Tuyến đường được nâng cấp, mở rộng lên 50 - 60m, tương đương 4 - 6 làn xe; tốc độ thiết kế 80 -100km/h.
Còn dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khởi công tháng 1/2022 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5km.
Một số dự án, công trình giao thông trọng điểm khác như xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình với tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 với tổng vốn đầu tư 3.242 tỷ đồng; dự án xây dựng nút giao giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức có tổng mức đầu tư xây dựng công trình hơn 2.384 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2026…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận