Tại cổng sau Bến xe Miền Đông, xe máy muốn qua đường phải quay vòng qua dải phân cách, vừa cản trở giao thông vừa dễ gặp tai nạn khi xe đằng sau đi tới |
Để đảm bảo ATGT tại cổng số 3 Bến xe Miền Đông (QL13 hướng đi cầu Bình Triệu) và đường ngang ga Bình Triệu (QL13 với Kha Vạn Cân), cơ quan chức năng đã triển khai lắp hàng rào dải phân cách. Tuy nhiên, từ khi có dải phân cách, tình trạng giao thông nơi đây diễn ra lộn xộn, mất an toàn. Dù có biển cấm đặt ở hai đầu dải phân cách QL13, nhưng người dân vẫn tạt ngang để đi cho gần thay vì phải vòng lại chỉ vài trăm mét để sang đường.
Chị Trần Thị Thoa, nhân viên gác chắn chốt Bình Triệu cho biết: “Giao thông lộn xộn hơn từ khi lắp thêm dải phân cách một đoạn hơn 100m bít kín đoạn QL13 từ chân cầu Bình Triệu tới giáp đường ray xe lửa, khiến các phương tiện tạt ngang đoạn đường ray xe lửa sang đường, gây nhiều vụ va quệt. Lúc có tàu đi qua, sẽ càng nguy hiểm hơn”.
Theo chị Thoa, trước kia đoạn đường này có đèn tín hiệu giao thông và dải phân cách mở thì giao thông thoáng hơn, người đi xe máy không liều mình như bây giờ. “Cơ quan chức năng nên cho hoạt động lại đèn xanh, đèn đỏ vì phương tiện tham gia giao thông rất đông ở khúc đường này”, chị Thoa nói.
Còn tại cổng số 3 Bến xe Miền Đông, khi chưa có dải phân cách, người điều khiển phương tiện thường chờ lưu lượng tham gia giao thông giảm để băng qua đường. Bây giờ có 200m rào chắn dải phân cách, người đi đường chạy ngược lại hết dải phân cách rồi bất thình lình vòng sang QL13, dễ va chạm với những phương tiện đằng sau đi tới. Ông Nguyễn Thạch Triệu, lái xe “ôm” trước cổng Bến xe Miền Đông cho biết: “Từ khi có dải phân cách, ngày nào tôi cũng chứng kiến ít nhất 2 vụ va quệt giao thông, nhẹ thì trầy xước, nặng thì bất tỉnh. Đây là tuyến đường hẹp, lắp dải phân cách giữa đường thêm vướng”.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP HCM cho biết: “Dải phân cách trước cổng Bến xe Miền Đông mới lắp được gần 2 tháng nay, nhằm đảm bảo ATGT tại khu vực cổng sau của Bến xe Miền Đông. Chúng tôi sẽ kiểm tra và tiếp tục theo dõi khu vực trên, nếu đúng như người dân phản ánh thì sẽ tiếp thu và di dời dải phân cách này, bởi những dải phân cách này là thiết bị lưu động và đang thử nghiệm, nên có thể tháo dỡ di chuyển dễ dàng”.
Đối với điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt ở QL13 và Kha Vạn Cân, theo ông Đường đây là một trong những điểm “nóng” về ùn tắc và mất an toàn mà cơ quan chức năng đang tìm giải pháp để xử lý. Về mặt kỹ thuật, bỏ tín hiệu giao thông ở khúc này và bít hết con lươn gần đường sắt là đúng và đảm bảo an toàn khúc vòng xuyến dưới chân cầu Bình Triệu. Nhưng do ý thức của người dân quá kém, dù đã đặt biển cấm mà vẫn cố ý lách qua. Mặc dù CSGT đã xử phạt rất nhiều trường hợp nhưng vi phạm vẫn ngày một tăng.
“Để đảm bảo an toàn, Sở GTVT và CSGT đang phối hợp xin ý kiến của Bộ GTVT để triển khai sớm đề án rào chắn đường sắt tự động bít kín khoảng hở giữa đường bộ và đường sắt để phương tiện tham gia giao thông không lách vào đường sắt”, ông Đường thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận