Hạ tầng

Những dự án “rùa bò” làm khổ dân: Chỉ rõ trách nhiệm, không "dĩ hoà vi quý"

15/03/2023, 12:37
image

Những dự án chậm tiến độ tại TP.HCM sẽ được chỉ rõ địa chỉ, trách nhiệm từng đơn vị, cá nhân, sẽ không còn chuyện "dĩ hoà vi quý" như trước.

Sau khi Báo Giao thông đăng loạt bài “Những dự án “rùa bò” làm khổ dân ở TP.HCM”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đã có những chia sẻ với Báo Giao thông về những khó khăn khi triển khai các dự án.

Sẽ chỉ rõ địa chỉ, người chịu trách nhiệm

Hện nay nhiều công trình giao thông trên địa bàn thành phố bị chậm tiến độ, có công trình thi công 5 năm chưa xong như cầu Nam Lý, Tăng Long, Ông Nhiêu, đường Lương Định Của… Theo ông, việc tiến độ chậm khiến dự án đội vốn, gây bức xúc, trách nhiệm thuộc về ai?

Các dự án này do Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư phần xây lắp. Hiện nay phần xây lắp chưa tăng tổng mức đầu tư, dù các chi phí về vật liệu, trượt giá cũng đã tính. Chúng tôi phải động viên các nhà thầu rất nhiều và họ sẵn sàng thi công lại khi có mặt bằng.

Tuy vậy, phần giải phóng mặt bằng do địa phương thực hiện và tăng tổng mức do qua mỗi năm giá đền bù sẽ khác. Phần này thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

img

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM.

Như ông nói thì nguyên nhân chậm là do giải phóng mặt bằng, và trách nhiệm thuộc về địa phương?

Nói sòng phẳng, chậm giải phóng mặt bằng là do địa phương, chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Dự án chậm, Ban, nhà thầu cũng xót xa, khổ lắm. Nhưng trách nhiệm được phân rõ cho từng hạng mục.

Có những công trình như cầu Phước Lộc (Hóc Môn) chậm giải phóng mặt bằng đến 6 năm. Khi nhận mặt bằng, chỉ 6 tháng là chúng tôi thi công xong. Cầu Long Kiểng chậm 3 năm, chúng tôi vừa nhận mặt bằng và quyết tâm thi công vượt tiến độ 2 tháng, tức tầm tháng 10 sẽ hoàn thành.

Ở đường Lương Định Của kéo dài cả 5 năm cũng do vướng mặt bằng, chúng tôi phải động viên nhà thầu không bỏ dự án. Năm ngoái khi cưỡng chế được đoạn ở nút giao với đường Trần Não, nhà thầu đã thi công liền. Nếu có mặt bằng, trong 8 tháng chúng tôi sẽ hoàn thành.

Các công trình như cầu Nam Lý, Tăng Long, Ông Nhiêu…nếu có mặt bằng, chúng tôi cam kết từ 16 - 18 tháng sẽ hoàn thành. Năm ngoái Thủ Đức cam kết cuối năm bàn giao mặt bằng nhưng đến nay vẫn chậm.

img

Cầu Long Kiểng sau khi bàn giao mặt bằng đang được Ban Giao thông cùng các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào tháng 10/2023.

Vậy còn trách nhiệm của Ban Giao thông như thế nào?

Ban Giao thông với vai trò chủ đầu tư dự án cũng đã phối hợp với địa phương trong việc hoàn thành để trình duyệt hệ số, bố trí vốn…Thậm chí có những vướng mắc nào về giải phóng mặt bằng liên quan các sở ngành, Ban cũng chủ động đặt lịch làm việc với lãnh đạo thành phố để xin chỉ đạo giải quyết.

Nhưng ở khâu áp giá, đền bù, trách nhiệm chính vẫn là các địa phương. Có địa phương tích cực nhưng cũng có địa phương chưa quyết liệt, tiến độ cứ trượt hoài khiến dự án kéo dài.

Cá nhân ông là người đứng đầu Ban quản lý dự án của thành phố, ông thấy trách nhiệm của mình như thế nào khi có nhiều dự án giao thông chậm tiến độ như vậy?

Tôi cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong những công trình này. Khi công trình không triển khai được, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thành phố không đạt. Chẳng hạn với 4 cầu ở Thủ Đức trong năm 2022 phải trả lại gần 900 tỷ tiền giải phóng mặt bằng, chiếm hơn 10% tỷ lệ giải ngân của Ban. Cá nhân tôi cũng tự hạ một bậc thi đua trong năm 2022.

Ban Giao thông đã có những đề xuất về xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể nào khiến công trình bị chậm hay chưa?

Ban có nhiều văn bản gửi các đơn vị, địa phương trong việc sớm bàn giao mặt bằng. Nhưng nói thật là vẫn còn dĩ hoà vi quý theo kiểu đốc thúc. Ban cũng khó có thể đề nghị kỷ luật hay cách chức lãnh đạo quận huyện này vì chậm giải phóng mặt bằng.

Nhưng tới đây sẽ khác, thành phố đã ban hành danh mục công trình trọng điểm, trong đó phân rõ trách nhiệm của ai, thời hạn nào và có giám sát.

Vừa qua họp về tiến độ nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã chỉ rõ chậm là do Sở Xây dựng. Đây là cách làm việc rất mới, chỉ rõ địa chỉ, chứ không chung chung như trước.

"Không can thiệp chuyện đấu thầu"

Có ý kiến cho rằng Ban Giao thông đang quá tải bởi phải quản lý hàng trăm dự án với số vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, theo ông điều đó có đúng không?

Khi gộp các Khu quản lý đường bộ, đường thuỷ, BQL dự án Soài Rạp về thì tổng cộng có 230 dự án, trong đó có khoảng 50 dự án trọng điểm.

Hiện Ban Giao thông có 11 ban điều hành dự án trực thuộc, mỗi ban điều hành quản lý từ 10 - 15 dự án. Riêng dự án Vành đai 3 TP.HCM có một ban điều hành trọng điểm. Đến nay Ban Giao thông vẫn đang kiểm soát được các công việc.

Tất nhiên chúng tôi vẫn chưa hài lòng với hiệu quả, hiệu suất hiện nay. Trong năm nay chúng tôi tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tối ưu hoá các quy trình nội bộ, ứng dụng công nghệ trong chỉ đạo điều hành.

img

Mở rộng quốc lộ 50 là dự án trọng điểm của TP.HCM nhưng việc thi công hiện nay chưa thực sự quyết liệt.

Tại nhiều dự án, có nhiều nhà thầu chưa từng thực hiện các dự án giao thông nào của thành phố như Hồng An (cầu Long Kiểng, QL50), Nguyên Cát (nút giao An Phú), CK4 (đường Trần Quốc Hoàn)...; có nhà thầu chậm ở gói thầu này lại tiếp tục trúng ở các dự án khác như Lạc An (DA mở rộng đường Đồng Văn Cống)... Việc đấu thấu các gói thầu được thực hiện như thế nào? Ban sẽ quản lý như thế nào để các nhà thầu này đảm bảo tiến độ?

Việc đấu thầu đều thực hiện công khai, minh bạch qua mạng đấu thấu quốc gia. Có tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá năng lực nhà thầu. Tất cả các đơn vị trúng thầu đều đủ các quy trình và điều kiện dự thầu chứ Ban Giao thông không có chủ trương can thiệp, chỉ đạo, tác động trong chuyện đấu thầu. Tất nhiên, Ban với tư cách chủ đầu tư cũng sẽ kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực tế trên công trường.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.