Hoàng Xuân Vinh |
Hoàng Xuân Vinh, Dương Thúy Vi, Bùi Thu Thảo, Nguyễn Thị Ngoan là những niềm hi vọng vàng của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018. Cả bốn cái tên đều không xa lạ với người hâm mộ nhưng họ đang tự làm mới mình để hướng tới mục tiêu cao nhất ở Á vận hội diễn ra vào tháng 8 năm nay.
Điểm mặt hi vọng vàng
Tháng 8 tới, ASIAD 2018 sẽ khai mạc ở Indonesia và mục tiêu của đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) là giành 3 HCV. So với đấu trường SEA Games, ASIAD khốc liệt hơn rất nhiều bởi quy tụ nhiều VĐV hàng đầu thế giới từ các cường quốc thể thao châu lục như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Chính bởi vậy, ngay cả mục tiêu 3 HCV của TTVN nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng cũng khó đạt được. Kể từ sau SEA Games 29 diễn ra tại Malaysia, ngành thể thao đã bắt tay vào chuẩn bị. 12 cái tên trọng điểm được đầu tư chuyên biệt nhằm hướng tới thành tích cao nhất ở Á vận hội. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, nếu xét đầy đủ các yếu tố, chỉ 4 cái tên sáng cửa giành HCV là: Hoàng Xuân Vinh, Dương Thúy Vi, Bùi Thu Thảo, Nguyễn Thị Ngoan.
Tăng tiền thưởng cho HCV ASIAD lên 140 triệu đồng Hiện ngành Thể thao đã hoàn thành Dự thảo để trình Thủ tướng ra Nghị định về một số chế độ chính sách mới đối với HLV, VĐV thể thao, dự kiến kịp áp dụng cho ASIAD, với mức thưởng tăng vọt. Theo đó, tiền thưởng 1 HCV ASIAD sẽ tăng từ 70 triệu đồng lên 140 triệu đồng. |
Dù có một kỳ SEA Games thảm bại nhưng Hoàng Xuân Vinh vẫn là tượng đài của bắn súng Việt Nam. Trên thực tế, ở hai nội dung sở trường là 10m súng ngắn hơi và 50m súng ngắn bắn chậm, xạ thủ gốc Quảng Trị đang nằm trong top đầu thế giới. Ở nhóm này, các tay súng đều có khả năng giành HCV ở mọi cuộc đấu. Kết quả ra sao chỉ phụ thuộc vào bản lĩnh và một chút may mắn. Ở kỳ ASIAD tới, bắn súng được giao chỉ tiêu 1 HCV. Chẳng nói ai cũng biết Hoàng Xuân Vinh là xạ thủ duy nhất đủ sức đảm đương trọng trách. Hà Minh Thành hay Trần Quốc Cường có thể tập luyện tốt nhưng nếu so về bản lĩnh trường bắn, nhà vô địch Olympic tỏ ra vượt trội.
Dương Thúy Vi |
Dương Thúy Vi là một trong ít những võ sĩ Việt Nam cứ thi đấu là có vàng. Chẳng tính đâu xa, ngay như năm 2017, Thúy Vi một mình sở hữu 2 tấm HCV kiếm thuật, thương thuật. Tháng 10/2017, Vi còn giành thêm một tấm HCV thế giới nội dung thương thuật. Trước đó, ở các kỳ SEA Games 28 (2015), 27 (2013), ASIAD 2014 hay giải thế giới 2013, cô gái gốc Hà Nội cũng đều gặt vàng. Thúy Vi sở hữu dáng người nhỏ nhắn nhưng ý chí rất kiên cường. Bằng chứng là trước khi bước vào bài thi nội dung thương thuật tại SEA Games 29, Vi bị đau đầu, sổ mũi, khó thở nhưng cô vẫn xuất sắc đứng thứ nhất. Tại ASIAD 2014, tấm HCV của Thúy Vi cũng là tấm HCV duy nhất của đoàn TTVN. Với đẳng cấp thế giới, Vi đương nhiên tiếp tục là át chủ bài ở kỳ Á vận hội trên đất Indonesia.
Năm 2014, Bùi Thị Thu Thảo về nhì ở nội dung nhảy xa ASIAD 17 với thành tích 6,44m, VĐV Indonesia Maria Londa đoạt HCV với thành tích 6,55m. Tại SEA Games 28, Thu Thảo một lần nữa bị Maria Londa vượt mặt. Tuy nhiên, tới SEA Games 29, cô gái quê Ba Vì (Hà Nội) đã xuất sắc giành HCV cùng thành tích xuất sắc 6,68m, hơn thành tích HCV ASIAD tới 13cm. Chỉ cần giữ được phong độ này, cơ hội đổi màu huy chương của Thảo ở Á vận hội là cực lớn.
So với ba cái tên kể trên, Nguyễn Thị Ngoan trẻ hơn, ít tiếng tăm hơn và mới thực sực nổi lên từ tháng 9/2017 với chức vô địch karate thế giới nội dung kumite. Thắng lợi này của Ngoan giúp cô gái Hà Tây cũ lọt top những VĐV được đầu tư trọng điểm hướng tới ASIAD. Dù còn trẻ (SN 1998) nhưng Ngoan được các thầy ở đội tuyển karate Việt Nam đánh giá rất cao ở sự lỳ lợm và khả năng tung những đòn đánh quyết định.
Nguyễn Thị Ngoan |
Hi sinh hạnh phúc riêng vì vinh quang quốc gia
Như đã đề cập tại phần đầu bài viết, đấu trường ASIAD quy tụ rất nhiều VĐV xuất sắc nên muốn giành vinh quang, bên cạnh quyết tâm và chuyên môn phải cần những luồng gió mới. Với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, sau thất bại tại SEA Games 29, HLV Nguyễn Thị Nhung đã quyết định đổi súng cho học trò. Được biết, khẩu súng lần này của Xuân Vinh vẫn do nhà tài trợ Morini cung cấp, có nhiều cải tiến về tính năng, báng súng, vận hành và cơ chế bóp cò.
“Đổi súng nói thì đơn giản nhưng thực chất với VĐV bắn súng lại rất phức tạp. Khẩu súng giống như một phần cơ thể của VĐV nên khi thay phải cần thời gian dài mới có thể thích nghi. Hiện Vinh vẫn trong quá trình làm quen và cần thêm thời gian để hoàn toàn làm chủ súng mới”, HLV Nguyễn Thị Nhung tiết lộ. Ngoài việc được trang bị súng mới, Hoàng Xuân Vinh cùng 4 đồng đội: Trần Quốc Cường, Hà Minh Thành, Lê Thị Linh Chi, Bùi Thúy Thu Thủy sẽ có 3 đợt tập huấn ở nước ngoài gồm: Hàn Quốc, Đức và Mỹ để chuẩn bị tốt nhất cho ASIAD.
Bùi Thị Thu Thảo |
Trong khi đó, Bùi Thị Thu Thảo đã chấp nhận xa chồng hai tháng để lên đường sang Trung Quốc tập huấn. Đây là lần xa nhau lâu nhất của hai vợ chồng sau 2 năm ăn cơm một nhà. “Ban ngày tập luyện suốt không sao nhưng tối đến nằm một mình em lại nhớ nhà, nhớ ông xã. Nhưng đây cũng là cơ hội để em có thể tập trung toàn bộ sức lực nhằm thúc đẩy các thông số chuyên môn”, Thảo tâm sự.
Nỗi nhớ đó được Thảo dồn nén thành động lực tập luyện. Cô tập hăng đến mức gần như sau mỗi buổi đều phải thả lỏng cả tiếng đồng hồ mới hồi người. Nặng nhất là bài tập thể lực mỗi thứ hai đầu tuần khiến Thảo lắm hôm xanh mặt. Về cơ bản, điều kiện ở Trung Quốc tốt hơn Việt Nam khá nhiều nên thành tích của Thảo vẫn rất ổn định và tấm HCV ASIAD 2018 đang chờ cô gái có biệt danh “Thảo bò vàng”.
Về phần mình, bộ môn karate đang tạo điều kiện hết mức có thể cho Nguyễn Thị Ngoan. Kể từ sau khi giành HCV thế giới, đều đặn mỗi tháng một lần Ngoan được đi thi đấu giải quốc tế. “Chúng tôi muốn Ngoan được cọ xát nhiều, gặp đầy đủ các đối thủ mạnh nhất, ở nhiều trường phái khác nhau để giúp em có phản xạ thi đấu tốt, rèn thêm bản lĩnh sân đấu cũng như quen với không khí đỉnh cao”, một lãnh đạo Liên đoàn karate Việt Nam cho biết. Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, số tiền đầu tư cho Ngoan chiếm phân nửa trong 120 nghìn USD kinh phí xuất ngoại của bộ môn karate.
Dương Thúy Vi có lẽ là cô gái ít bị chi phối bởi áp lực thành tích nhất trong số 4 cái tên bài viết nêu ra. Kể cũng đúng bởi ở tuổi 25, Vi quá quen với đủ loại đấu trường quốc tế lớn nhỏ, giành vô số vinh quang. Hỏi Thúy Vi có kế hoạch gì đặc biệt, toan tính gì trong kỳ Đại hội thể thao châu Á sắp tới, cô gái quê Gia Lâm (Hà Nội) hồn nhiên đáp: Em vẫn tập luyện bình thường, giáo án không khác nhiều. Chỉ là em cố gắng để đầu óc được thoải mái nhất, em không ép mình phải giành vàng bởi thể thao luôn khó lường. Trước mỗi giải đấu, em coi như mình đang ở con số 0 và thi đấu bằng tất cả khả năng, dù kết quả thế nào em cũng thấy vui.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận