Điện ảnh

Những họa sĩ chép sử bằng tranh giữa lằn ranh sinh tử

30/04/2022, 07:01

Nhiều ký họa chiến tranh của các họa sĩ Hoàng Đình Tài, Lê Lam, Huy Oánh, Nguyễn Đức Dụ… được vẽ ngay bên trận địa chiến đấu giữa rừng.

Những bức họa như chứng nhân lịch sử về một thời khói lửa, hào hùng.

Vẽ giữa mưa bom bão đạn

Những năm kháng chiến chống Mỹ, hàng loạt thế hệ họa sĩ trẻ như: Hoàng Đình Tài, Lê Lam, Huy Oánh, Nguyễn Đức Dụ… một ba lô, ống vẽ trên vai lên đường nhập ngũ, xuyên Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, ghi lại hình ảnh sống và chiến đấu của bộ đội ta.

img

Họa sĩ Đức Dụ bên bức “Trọng điểm Tha Mé mùa khô 1968”

Trong số các họa sĩ vẽ ký họa Trường Sơn, Đức Dụ là người vẽ nhiều nhất, 400 bức. Ông có gần 10 năm trực tiếp vẽ trong chiến trường, nơi bom đạn ác liệt.

Năm 1965, chàng thanh niên trẻ Đức Dụ hăng hái xung phong “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Khi ấy, Trung đoàn 5 Công binh cử Đức Dụ vào các binh trạm làm tuyên truyền. Lúc này, binh trạm 42 bị địch đánh phá ác liệt.

Đến năm 1968, Đức Dụ về Cục chính trị Bộ tư lệnh Trường Sơn, được cử chuyên đi vẽ ở các binh trạm và khu vận tải, các tuyến đường. Nơi đâu ông cũng thấy cảnh chiến tranh, mất mát.

“Lúc ấy, câu nói của Trung tướng Võ Xuân Chiêm, Chính ủy Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn đã ảnh hưởng đến toàn bộ bút pháp của tôi sau này: “Chú cứ vẽ, vẽ với tâm thế ngẩng cao đầu của người chiến thắng”. Suốt những năm tháng ở rừng, tôi miệt mài vẽ, vẽ như sợ mắc nợ xương máu của đồng đội”, họa sĩ Đức Dụ rưng rưng nhớ lại.

Những bức ký họa ấn tượng như: Chặng đường giao liên, Phá mìn vướng, Nuôi quân đại đội, Doanh trại mùa khô, Xe tăng vào tuyến… vẽ bằng màu nước, mực nho, bút sắt của ông miêu tả một cách sống động, uyển chuyển từng khoảnh khắc đặc biệt của cuộc chiến.

Một lần, Đức Dụ vào Mặt trận Đường 9 - Nam Lào. Ông đi cùng một đơn vị xe và xuất kích cùng với xe của chiến sĩ Triệu Duy Kéo. Xe đến nơi thì gặp quân ta đang đánh Điểm cao 416. Các pháo thủ lấy đạn trên xe của Duy Kéo để bắn.

Họa sĩ Đức Dụ bỏ “đồ nghề” sang một bên, định tham gia chiến đấu cùng đồng đội thì một chiến sĩ hét lên: “Thôi, không cần đồng chí đánh nhau. Anh hãy vẽ đi. Lúc này mà anh không vẽ bọn tôi thì còn lúc nào”.

Đức Dụ liền ngồi ngay trên đống gỗ cạnh trận địa để vẽ, trong tiếng súng và tiếng thét của pháo trận địa. Hai chiến sĩ đã giúp Đức Dụ để bức tranh nhanh chóng hoàn thành.

Những hình ảnh được hiện lên trong tiếng nổ chát chúa, khói tung trắng trời và những tiếng rít ghê rợn của đường đạn.

Hôm đó, thiếu màu, Đức Dụ phải lấy đất trắng để làm bột màu. Bức tranh đó như “bốc cả thiên nhiên Trường Sơn vào tranh” mà ông và đồng đội không thể nào quên.

Lần khác, đơn vị ông bị hàng chục chiếc trực thăng Mỹ vây ráp xả đạn, nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại. Còn ông, đang phác thảo ký họa ngay trong chiến hào thì bị bom “trượt” qua, may mắn được trở về căn cứ an toàn. Sự mất mát ấy cứ ám ảnh ông cho tới tận bây giờ.

Người có thể mất, nhưng bản vẽ phải nguyên vẹn

img

Họa sĩ Trần Huy Oánh

PGS. họa sĩ Huy Oánh “xếp bút nghiên” lên đường ra trận tháng 10/1972. Ông cùng 3 học trò Nguyễn Văn Chư, Vũ Tấn Bá, Ca Lê Thắng chia tay bạn bè trên sân trường mỹ thuật Yết Kiêu, bắt đầu cuộc thâm nhập thực tế chiến tranh, theo đường mòn Hồ Chí Minh, trên dải Trường Sơn.

Nhưng đấy cũng là thời “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Vào đến chiến trường, đoàn họa sư và họa sinh mới thấm được nỗi gian khổ của người lính.

Đoàn của ông được đi theo đoàn xe chở nhu yếu phẩm vào Bộ Tư lệnh 559. Cuộc hành quân của tiểu đội họa sĩ vượt Đường 9 - Nam Lào, cao nguyên Boloven, sông Bạc, sông Sê Kông, sông Sê San… với bao hiểm nguy, cái sống cận kề cái chết! Lật xe, lạc rừng, đói tới mức phải đi xin gạo...

Giữa mưa bom bão đạn, để sống được và vẽ đã khó, giữ được những bức ký họa trong chiến tranh cũng là điều không hề đơn giản.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông từng phải cho tất cả các ký họa của mình vào hộp đạn AK chôn xuống đất mỗi khi có giặc càn. Sau khi trận địa yên tiếng súng mới trở lại đào lên lấy lại.

Hành trang cùng họa sĩ Huy Oánh lúc đó chỉ là chiếc túi vải nhỏ với những bút, mực, màu, giấy và chiếc võng dù.

“Trong chiến tranh, nhiều khi quần áo mất không tiếc, chỉ tiếc tranh, bởi nó là máu thịt của mình. Tôi xác định người có thể mất nhưng bản vẽ nhất định phải nguyên vẹn. Thiếu thốn trăm bề, tôi cố gắng ghi lại từng khoảnh khắc chiến trường trên mọi chất liệu, từ giấy báo, sổ tay, vỏ bao bì…”, ông nhớ lại.

Còn với chàng lính - họa sĩ Đức Dụ, họa sĩ chiến trường ai cũng coi phần gia tài tranh vẽ như một phần cơ thể. Vẽ xong, ông xếp từng bức ký họa lại, cho vào ống tre, ống pháo sáng hoặc ống rốc-két thu được của địch, lúc nào cũng ôm khư khư bên mình.

“Ngoài những lúc cầm súng chiến đấu, tôi cầm cọ vẽ, cố gắng quan sát, nắm bắt từng chi tiết để ký họa thật nhanh. Thời gian và mọi điều kiện chiến trường không cho phép được chủ quan, chậm trễ.

Đến bây giờ, nhắm mắt lại tôi cũng mường tượng rõ cả cánh rừng trơ trụi vì chất độc hóa học, bom đạn, tiếng kêu của lũ gà rừng còn sống sót lần theo xe chở lương thực tìm nhặt thóc rơi…”, vị họa sĩ tâm sự.

Những khoảnh khắc có một không hai

Khoảnh khắc hai xe tăng 843 và 390 của lực lượng quân giải phóng tiến vào hất tung cổng Dinh Độc Lập lúc 11h30 ngày 30/4/1975 là giây phút lịch sử.

Còn với họa sĩ Đức Dụ, bức “Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” ra đời trong cảm xúc khó tả.

“Bức tranh được tôi ký họa bằng màu nước khi ngồi trên xe tải của đoàn xe hậu cần. Tôi “cắm đầu cắm cổ” vẽ như chưa bao giờ được vẽ. Cánh tay tôi không còn thấy mỏi, tất cả trước mắt tôi chỉ là sắc đỏ của lá cờ Tổ quốc, sắc xanh của độc lập, tự do.

Những ký ức ấy đã cùng tôi vượt Trường Sơn đến được Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử. Rồi cùng tôi trở lại với hòa bình. Tôi vinh dự và tự hào khi được là một phần trong ngày trọng đại của cả dân tộc”, họa sĩ Đức Dụ hồi tưởng.

Không trực tiếp cầm cọ “xuyên” từ đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn suốt cả một thời trai trẻ như Đức Dụ nhưng những bức ký họa trong gần một năm đi thực tế của họa sĩ Huy Oánh cũng lưu giữ nhiều khoảnh khắc có một không hai.

Theo ông, những bức vẽ không mô tả hiện thực chiến trường khốc liệt mà tập trung thể hiện chất thơ của phong cảnh thiên nhiên và nét bình dị cuộc sống.

Ngần ấy bức tranh là ngần ấy câu chuyện về những anh lính thông tin giữa đại ngàn, về cô dân quân ở cầu Hàm Rồng, về bà mẹ Vân Kiều bịn rịn bên binh trạm ở ngầm Ta Lê, về những chiếc zin ba cầu nhọc nhằn vượt qua hố bom và những bụi cây cháy rụi trên con đường mòn nối liền Nam Bắc…

Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, cuộc sống khó khăn, họa phẩm thiếu thốn, thời gian để sáng tác tác phẩm lớn không có, ký họa là công cụ hiệu quả để các họa sĩ nắm bắt kịp thời những diễn biến của cuộc sống thời chiến. Ký họa trở thành một thể loại tranh, một công cụ sắc bén bởi tính trực họa, tính nhanh nhạy kịp thời của nó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.