Câu chuyện kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên xin nghỉ thi đấu đỉnh cao đến giờ vẫn chưa có quyết định chính thức từ ngành thể thao.
Sự việc này vốn không quá đặc biệt và diễn ra như cơm bữa với thể thao chuyên nghiệp.
Nhưng ngành thể thao lúng túng trong khâu xử lý phần vì chưa biết phải giải quyết ra sao cho phù hợp.
Ánh Viên và Hoàng Xuân Vinh
Ánh Viên không còn ở đỉnh cao phong độ, khó lòng cải thiện thành tích ở đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, cô vẫn sẽ là một trong những vận động viên chủ lực tại SEA Games 31 dự kiến diễn ra vào tháng 5/2021.
Thiếu Viên, hụt 5 - 6 tấm HCV ai sẽ là người gánh bù? Bên cạnh đó, có luồng dư luận cho rằng, ngành thể thao thiếu quan tâm, sâu sát với nữ vận động viên Cần Thơ trong một hai năm trở lại đây. Nay nếu đồng ý để cô giải nghệ, ngành này cũng khó ăn nói.
Nhìn từ thực tế, không phải tới bây giờ Ánh Viên mới đem đến cho ngành thể thao sự lúng túng. Ngay từ khi cô mới nổi lên rồi vươn tới đỉnh cao sự nghiệp, Viên đã khiến các quan chức thể thao không biết phải làm thế nào.
Bởi vậy mới có chuyện khoán trắng cô cho HLV Đặng Anh Tuấn cùng số tiền khủng mỗi năm đi tập huấn tại Mỹ. Sau này, nhiều người mới đặt câu hỏi ông Tuấn dạy học trò ra sao nơi xứ người? Chưa có câu trả lời thì ông Tuấn dính lùm xùm nợ nần rồi sau đó lặn mất tăm, bỏ lại trò ruột Ánh Viên.
Nữ kình ngư quê Cần Thơ là của hiếm của bơi lội Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Nếu có định hướng chính xác, đầu tư bài bản và trọng tâm chắc chắn có thể vươn lên top đầu châu Á.
Ngoài ra, ngành thể thao cũng thiếu sót khi không thể xây dựng Ánh Viên thành biểu tượng truyền cảm hứng cho không chỉ các vận động viên mà cả thế hệ trẻ.
Đương nhiên, cô cũng có thể trở thành con gà đẻ trứng vàng, thu hút nguồn lực đầu tư cho thể thao nếu được chăm sóc hình ảnh chuẩn mực.
Không riêng Ánh Viên, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người duy nhất đem về HCV Olympic cho thể thao Việt Nam đến nay cũng gần như bị lãng quên.
Ngay sau Olympic 2016, sự quan tâm dành cho Xuân Vinh là vô cùng lớn. Đáng tiếc ngành thể thao không thể tận dụng mà để cơ hội trôi qua.
Thiếu chiến lược cụ thể mà nói đúng hơn là chưa nghĩ tới việc làm sao để biến xạ thủ gốc Hà Tĩnh thành một biểu tượng đã khiến ngành thể thao đánh rơi một “mỏ vàng”.
Hai vận động viên trên đương nhiên chỉ là ví dụ điển hình, thể thao Việt Nam vẫn còn rất nhiều cái tên tài năng, những câu chuyện truyền cảm hứng không được nhắc tới.
Nếu cứ giữ cách làm như hiện tại, chỉ quan tâm thành tích, đi tắt đón đầu, ngành thể thao khó tránh khỏi cái danh “vắt chanh bỏ vỏ”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận