Xã hội

Những người mẹ đặc biệt của sinh viên Lào

01/09/2022, 06:30

Những sinh viên Lào nhập học tại các trường đại học của Đà Nẵng được gia đình người Việt nhận làm con nuôi, yêu thương như con ruột.

Nhờ vậy, các em sớm vượt qua bỡ ngỡ ban đầu để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới.

img

Bà Phúc cùng 2 cô con gái người Lào

Những cô gái Lào mang tên thuần Việt

Buổi chiều một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm nhà bà Lưu Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

Bà Nghĩa là một trong những người mẹ đặc biệt của các học sinh, sinh viên Lào đang theo học tại các trường đại học ở Đà Nẵng.

Thấy có khách, bà Nghĩa gọi vọng vào nhà: “Chi ơi, con lấy giúp mẹ mấy ly nước lên đón khách”. Từ trong nhà, cô gái người Lào nhanh nhảu bê nước ra bàn.

Bà Nghĩa cho biết, cô gái Lào có tên Vongaloun Thipdavanh, vừa tròn 18 tuổi, đang theo học tiếng Việt tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, được bà Nghĩa nhận làm con nuôi hồi tháng 6 thông qua mô hình “Người mẹ thứ 2”. Cô được mẹ Nghĩa đặt cho cái tên thuần Việt: Lưu Thị Chi.

“Từ ngày nhận con bé làm con nuôi, tôi lấy họ của mình để đặt tên tiếng Việt cho cháu”, bà Nghĩa nói.

Bà Nghĩa cho biết, “Người mẹ thứ 2” là mô hình do Hội liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Khánh Nam thực hiện từ tháng 3/2019.

Ngay từ khi các sinh viên Lào đến Đà Nẵng học tập, Hội đã làm việc với các hội viên để đón các em đến với gia đình, giúp các em từng bước học tập, giao lưu văn hóa của Việt Nam.

Ngoài Chi, bà Nghĩa cũng nhận Keonunchan Kenvalin (21 tuổi) làm con, đặt tên là Châu cùng hai sinh viên khác đặt tên Việt là Trang, Linh.

Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, Chi tỏ rõ thích thú khi nghe mẹ gọi, nhắc tên tiếng Việt của mình. Chi kể, những ngày đầu mới qua Việt Nam do môi trường lạ, lại là con gái nên rất nhớ nhà.

Ở tuổi mới lớn, xa nhà, nhiều khi thiếu vắng tình cảm cũng không biết tâm sự cùng ai. May có mẹ Nghĩa bên cạnh, Chi được mẹ quan tâm, chăm sóc như con ruột nên dần hòa nhập được cuộc sống mới.

“Em thích được mẹ gọi tên Chi lắm. Nghe như ở quê nhà!”, cô gái Lào nói vài câu tiếng Việt chưa tròn trịa âm giọng, góp chuyện.

Bà Nghĩa tiếp lời: “Chi mới đến Đà Nẵng nhưng nói tiếng Việt vậy là khá lắm rồi. Lúc đầu, gặp mấy đứa tôi nói chuyện đến… mỏi cả tay.

Cứ phải vừa nói vừa “múa” để mấy đứa hiểu mình đang nói gì. Dần cũng thành quen, giờ gia đình có thể nói chuyện với nhau dễ dàng hơn rồi”.

Đặt tên các con theo tên loài hoa

img

Gia đình bà Nguyện đến thăm và chúc Tết Bunpimay các con nuôi người Lào

Cũng như bà Nghĩa, bà Trần Thị Nguyện (66 tuổi) cũng nhận nhiều con nuôi người Lào. Bà đặt tên tiếng Việt cho con theo tên các loài hoa của Việt Nam. Theo bà Nguyện, con gái mang tên những loài hoa thì khi nào cũng xinh xắn, tự tin.

Bởi vậy, năm 2019, khi nhận 2 con gái là Khambai (sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) và Nita (sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), bà Nguyện đã đặt tên cho con là Cúc và Hồng.

Mới đây, ngay bữa cơm ra mắt 2 thành viên mới của gia đình là Lodjana Antany và Boudsana Onchan, bà cũng đặt tên cho các con lần lượt là Đào và Mai.

Còn bà Phạm Thị Phúc (trú đường Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh Nam) không thể nào quên những ngày đầu các con nuôi đến với gia đình.

“Malisa Khounvongsa được tôi đặt tên Xuân. Hồi mới sang đây con bé không quen thời tiết nên đau ốm vặt triền miên.

Cứ mỗi lần con bé đau là tôi lo đến mất ngủ. Lo cho con ruột của mình chừng nào thì cũng lo cho các con nuôi chừng đó”, bà Phúc nhớ lại.

Bốn năm trôi qua, Xuân nay đã là sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

Cô gái xem bà Phúc như mẹ ruột. Đau ốm, cô không dám nhờ ai, nhưng hễ nghe giọng mẹ Phúc qua điện thoại là cô lại nũng nịu: “Mẹ ơi! Con ốm rồi”.

“Nghe tin là mẹ chạy tới ngay đưa em đi bệnh viện. Sau này, có đi đâu em cũng sẽ nhớ mẹ Phúc rất nhiều”, Xuân nói.

Thích nghi văn hóa Việt, giữ truyền thống Lào

img

Các con nuôi đón Tết cổ truyền Việt Nam cùng gia đình bà Nguyện

Trời càng về chiều, bà Nghĩa giục Chi sửa soạn để cùng bà đi hẹn với nhóm bạn. Bà Nghĩa tiết lộ, lịch trình của của 2 mẹ con là đến chợ Hàn, chợ Cồn để mua sắm quần áo cho Chi, dẫn con đi ăn các món ăn truyền thống của Đà Nẵng, Việt Nam.

Cũng như bà Nguyện, bà Phúc, dù không đón các con về nhà sống chung nhưng bà Nghĩa lúc nào cũng quan tâm đến những đứa con đặc biệt, có mặt kịp thời bất cứ lúc nào các con cần.

Thương các con là vậy, nhưng bà Nguyện cũng rất nghiêm khắc khi đứa con nào đến nhà mà không nói tiếng Việt.

Bà nói rằng, muốn các con sử dụng tiếng Việt trong lời nói hàng ngày để thành thạo hơn, đến trường sẽ dễ dàng tiếp cận bài giảng của thầy cô hơn.

“Nếu muốn nói tiếng Lào, các con có thể nói chuyện với ba nó”, bà Nguyện nói. Chồng bà, ông Đào Trọng Sáu (67 tuổi) thông thạo tiếng Lào nên các con rất thích nói chuyện với ông. Các con thắc mắc điều gì trong tiếng Việt, ông Sáu lập tức chuyển qua tiếng Lào để giải thích cho các con hiểu.

Ông Sáu cho biết, ông khuyến khích các con tìm tòi, thích nghi văn hóa Việt nhưng cũng lưu ý các con gìn giữ nét truyền thống Lào.

Bởi vậy, bữa cơm nhà bà Nguyện bên cạnh những món ăn đặc trưng của Việt Nam, lúc nào cũng có những món xôi Lào, món sụm Lào.

“Mới đây, tôi gọi 4 đứa con về nhà rồi tặng 4 bộ áo dài truyền thống của Việt Nam. Nhìn mấy đứa lóng ngóng thử áo dài thấy mà thương. Giờ với tôi tụi nhỏ không khác nào con ruột”, bà Nguyện bộc bạch.

Được các mẹ chăm lo chu đáo, các em cũng rất biết quan tâm đến các mẹ. Chẳng hạn, ngày sinh nhật của mẹ Phúc, dù bà bận bịu đến quên ngày sinh nhật của mình nhưng 2 cô con gái Lào là Xuân và Nhi bất ngờ mang 2 bó hoa đến chúc mừng mẹ Phúc. Thấy con chúc mừng sinh nhật, bà Phúc nhận hoa mà mắt đỏ hoe, ngấn lệ.

Sau ba năm hình thành, mô hình “Người mẹ thứ 2” đã đón nhận 37 sinh viên Lào đến với các gia đình người Việt tại Đà Nẵng.

Tại buổi giao lưu mô hình “Người mẹ thứ 2” giữa phụ nữ Đà Nẵng và sinh viên Lào mới đây, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Lào Inlavan Keobounphan thay mặt phụ nữ Lào gửi lời cảm ơn đến những người mẹ Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng và phường Hòa Khánh Nam đã tổ chức mô hình ý nghĩa này và dành cho sinh viên Lào sự giúp đỡ to lớn.

Bà Inlavan Keobounphan chia sẻ, buổi giao lưu mang nhiều ý nghĩa khi 2 nước đang hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022). “Chúng tôi cảm nhận được rằng, ở đâu những bà mẹ Việt Nam cũng luôn mở rộng vòng tay đầy thương yêu dành cho các sinh viên Lào”, bà Inlavan Keobounphan nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.