Đường sắt

Những nhân viên tàu hàng đi xuyên tâm dịch theo mô hình "bong bóng"

28/08/2021, 18:54

Đường sắt thực hiện sắp xếp nhân lực chạy tàu hàng theo mô hình “bong bóng”, nghĩa là một tổ tàu “ôm” nguyên đoàn tàu...

Tàu hàng chạy “một cung đường, hai điểm đến”

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Đặng Văn Hưng, trưởng tàu hàng (Trạm tiếp viên đường sắt Hà Nội) cho biết vừa kết thúc hành trình dài từ ga Yên Viên vào ga Sóng Thần.

“Giờ chúng tôi chờ đến 31/8 mới có chuyến tàu quay ra, nhưng chỉ được ở khu vực nhà lưu trú, không được đi sang khu vực khác”, anh Hưng nói và cho biết, đây là quy định bắt buộc phòng dịch Covid-19 khi ga Sóng Thần ở địa bàn tỉnh Bình Dương, vùng “nóng” về dịch.

img

Khi xuống ga dọc đường để làm tác nghiệp, trưởng tàu hàng phải mặc bảo hộ y tế kín mít

Anh Hưng cho biết thêm, hiện nay toàn mạng lưới đường sắt không còn chạy tàu khách. Các anh được đơn vị bố trí đi tàu hàng nhanh H9T/HH10T, chuyên tuyến Giáp Bát - Sóng Thần, gồm 4 nhân viên thay phiên nhau thực hiện nhiệm vụ trưởng tàu và thương vụ trên suốt hành trình. Ngoài ra, còn có một nhân viên kĩ thuật toa xe.

Xí nghiệp bố trí lái tàu theo mô hình “một cung đường, hai điểm đến”, phụ trách kéo tàu chỉ trên một khu đoạn trong một thời gian nhất định, sau đó mới thay lái tàu khác. Còn trước kia, với tàu khách sẽ thay ban trên tàu; Với tàu hàng sẽ xuống ban tại ga và chờ kéo tàu ngược về Hà Nội.

Để phòng dịch, đơn vị trang bị đầy đủ cho nhân viên nước sát khuẩn, khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ y tế. Đồng thời, quy định chặt chẽ các biện pháp phòng dịch trên hành trình đoàn tàu. Tất cả nhân viên khi cần tiếp xúc trực tiếp với lái tàu hay các nhân viên mặt đất như trực ban chạy tàu nhà ga… đều phải mặc bảo hộ y tế kín mít. Sau khi làm việc xong phải khử khuẩn, mới được cởi bộ đồ đó ra để tiếp tục hành trình.

Không chỉ nhân viên đi tàu hàng, với đội ngũ lái tàu hàng cũng vậy, phải tuân thủ phòng dịch nghiêm ngặt. Anh Nguyễn Bá Phúc Hải, lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho hay, anh và một số lái tàu khác phải “nằm vùng” một tháng nay ở khu vực miền Trung để kéo tàu giữa khu đoạn Đồng Hới - Đà Nẵng mà chưa được về nhà ở Hà Nội.

“Trước khi thực hiện nhiệm vụ công tác, chúng tôi được xí nghiệp xét nghiệm PCR nên yên tâm hơn. Việc thực hiện 5K, đo thân nhiệt là quy định bắt buộc và đã trở thành thói quen. Dọc đường, cần liên hệ công tác hay bàn giao giấy tờ tại các ga, trạm, cũng có bàn riêng. Người giao để giấy tờ ở bàn, xong ra xa, người nhận phải xịt khuẩn giấy tờ rồi mới lấy, đảm bảo không tiếp xúc trực tiếp”, anh Hải nói.

img

Nhân viên trên tàu phải mặc quần áo bảo hộ khi tiếp xúc trực tiếp, bàn giao giấy tờ với nhân viên mặt đất

Lái tàu Đỗ Trọng Quang chia sẻ, anh vừa được trở về nhà ở Sóc Sơn (Hà Nội) sau khi thực hiện nhiệm vụ kéo tàu liên tục mấy chuyến liền giữa Hà Nội - Vinh và ngược lại. Ngay cả khi xuống ban tại Hà Nội, anh cũng phải ở trạm lưu trú, thực hiện “3 tại chỗ”, chờ đi chuyến tiếp vào Vinh.

“Thực tế là không phải không có nguy cơ vì trong quá trình làm việc vẫn phải tiếp xúc. Nhưng rất hạn chế, vì trên hành trình, lái tàu và một phụ lái tàu chỉ ở cabin đầu máy. Ở trạm lưu trú, chúng tôi tự nấu ăn, nếu có nhà ăn cũng đem suất ăn về phòng, tránh tập trung.

Các lái tàu như chúng tôi đều đã được tiêm vaccine, định kỳ được xét nghiệm nên cũng yên tâm hơn. Bản thân anh em cũng thường xuyên nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt các quy định phòng dịch, về đến nhà cũng hạn chế tiếp xúc cho an toàn”, anh Quang nói.

Áp dụng mô hình “bong bóng”

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Việt Thắng, Trạm trưởng Trạm tiếp viên đường sắt Hà Nội cho biết, trong điều kiện bình thường, sẽ thay tổ tàu sau mỗi vòng quay đi và về. Nhưng khi Bình Dương, rồi sau đó là Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, phải bố trí nhân lực theo mô hình “bong bóng”, nghĩa là một tổ tàu “ôm” nguyên đoàn tàu, cứ vào Sóng Thần, quay ra Yên Viên rồi lại quay vào, cho đến khi đơn vị cử tổ tàu khác thay.

“Có tổ tàu phải đi liên tục một tháng mới được bố trí tổ tàu khác. Khi tàu về đến ga Yên Viên, sau khi xuống ban, các nhân viên này được đưa ra Bệnh viện Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) để xét nghiệm PCR.

Sau khi có kết quả âm tính mới được về nhà, nhưng phải khai báo và thực hiện cách ly tại nhà hay cách ly tập trung theo yêu cầu của y tế địa phương. Hầu hết nhân viên đi tàu đã được tiêm vaccine mũi 1 nên yên tâm phần nào”, ông Thắng cho hay.

img

Hầu hết nhân viên đi tàu đã được tiêm vaccine

Thông tin về các biện pháp phòng dịch đối với đội ngũ lái tàu, ông Vũ Đức Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn cho biết, xí nghiệp có ba bộ phận ở ba địa phương TP.HCM, Bình Dương, Nha Trang (Khánh Hòa), đều là những vùng đỏ về dịch. Trong khi đó, lái tàu hàng lại lên ban đi tàu và xuống ban tại các trạm đầu máy ở các địa bàn này.

Việc lái tàu theo tàu di chuyển từ địa phương nọ sang địa phương kia, nhất là tại các địa phương có dịch như vậy sẽ có nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, để phòng ngừa, xí nghiệp đã thực hiện “3 tại chỗ” tại các trạm đầu máy, nhà lưu trú cũng như đối với lái tàu.

Định kỳ hàng tuần đơn vị tự tổ chức xét nghiệm cho lái tàu, tùy theo yêu cầu của địa phương mà thực hiện test nhanh hoặc PCR. Như tại đầu máy Sài Gòn, xí nghiệp ký hợp đồng với một đơn vị y tế của quân đội, định kỳ xét nghiệm PCR cho toàn bộ nhân viên “3 tại chỗ”, trong đó có lái tàu. Hoặc tại Sóng Thần, Nha Trang thì tự test nhanh.

Còn tại các khu lưu trú, thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhân viên, lái tàu sau khi xuống ban chỉ được làm việc, sinh hoạt trong khuôn viên đơn vị.

“Trên đầu máy cũng trang bị Cloramin B để mỗi khi thay ban máy dọc đường, anh em lái tàu tự phun khử khuẩn cabin, các vị trí tiếp xúc trên đầu máy. Phải thực hiện những giải pháp phòng dịch chặt chẽ, cố gắng đảm bảo an toàn cho đội ngũ lái tàu, để duy trì lực lượng sản xuất”, ông Thắng nói.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.