Thời sự Quốc tế

Những nước phương Tây nào ủng hộ/phản đối trừng phạt dầu khí Nga?

09/03/2022, 11:32

Cấm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt Nga được coi là biện pháp mạnh nhất nhưng là quyết định khó khăn và có hệ lụy lớn nhất với các nước phương Tây.

Vì sao Mỹ, Anh dứt khoát…

Tính đến sáng 9/3, sau thời gian dài cân nhắc, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chính thức cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Tuy nhiên Mỹ không phải là nước phụ thuộc quá nhiều vào Moscow về năng lượng, chỉ nhập khoảng 8% dầu thô và các sản phẩm hóa dầu từ Nga theo số liệu năm 2021.

Cùng ngày, Vương quốc Anh cũng thông báo sẽ giảm dần nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Nga tính đến cuối năm 2022 và cân nhắc sẽ cùng với Mỹ thực hiện lệnh cấm khí đốt từ Nga. Song, nhập khẩu khí đốt từ Nga sang Anh chỉ chiếm khoảng 4% nguồn cung tại nước này.

img

Ảnh minh họa - Reuters

… Đức, Hungary ngần ngại?

Trong khi đó, các quốc gia phương Tây như Đức, Hungary đang giữ thái độ dè dặt, thậm chí phản đối trừng phạt năng lượng Nga bởi họ đều là những quốc gia phụ thuộc phần lớn vào năng lượng từ Nga.

Từ Hungary, trang tin Unian.ua (Ukraine) dẫn lời Thủ tướng Viktor Orban cho rằng nếu nước này nối gót Mỹ trừng phạt lĩnh vực năng lượng và dầu khí Nga sẽ đặt gánh nặng lớn lên Hungary.

Ông Orban cho biết, Chính phủ sẽ không để các gia đình Hungary phải trả giá cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, vì vậy các biện pháp trừng phạt chống Nga không nên áp dụng đối với lĩnh vực năng lượng.

90% các gia đình Hungary cần khí đốt và nước này mua phần lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên từ Nga. Do đó, thay vì trừng phạt thẳng vào năng lượng, ông Orban kêu gọi cách tốt nhất nên kết thúc chiến sự Nga-Ukraine thông qua đàm phán.

Từ Đức – một quốc gia khác cũng phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga, Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện tất cả những gì có thể để ngăn chặn chiến sự Nga-Ukraine” nhưng nước này sẽ chưa thể cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga ngay lập tức.

Nga không chỉ là bên cung cấp 1/3 trong tổng lượng dầu nhập khẩu vào Đức mà còn cung cấp hơn nửa nguồn cung khí đốt cho nước này.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng có phát ngôn khẳng định khí đốt và dầu mỏ của Nga là “cần thiết” đối với an ninh năng lượng châu Âu.

“Tại thời điểm này, nhập khẩu từ Nga là cách duy nhất để đảm bảo nguồn cung năng lượng dùng cho sưởi ấm, di chuyển, nguồn cung điện và công nghiệp…”, ông Scholz nói.

EU họp khẩn, bàn kế hoạch độc lập năng lượng với Nga

Trên quy mô Liên minh châu Âu, trong thông báo gần đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định: “Liên minh châu Âu – EU cần phải độc lập với Nga về khí đốt, than đá và dầu mỏ”.

Giới chức EU đã phác thảo kế hoạch tiến tới không phụ thuộc về năng lượng với Moscow trước năm 2030. EU cũng có thể sẽ bắt đầu giảm khoảng 2/3 nhu cầu khí đốt từ Nga trong năm nay. Những kế hoạch này sẽ được bàn tại cuộc họp khẩn cấp của lãnh đạo EU tổ chức tại Pháp trong ngày mai (10/3).

Toàn bộ Liên minh châu Âu đang phụ thuộc vào Nga khoảng 40% nguồn cung khí đốt tự nhiên; Nga cũng chiếm khoảng 27% nguồn cung dầu mỏ và 46% về than đá cho 27 nước EU.

Tổng cộng, hoạt động cung cấp năng lượng cho châu Âu đem về cho Nga hàng chục tỉ USD/năm, theo hãng tin CNN.

Ông Frans Timmermans, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đứng đầu chính sách khí hậu của EU cho biết, chiến sự giữa Nga-Ukraine một lần nữa cho thấy nhu cầu cấp bách trong việc tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Ông Timmermans kỳ vọng EU có thể thay thế 100 tỉ m3 khí đốt nhập khẩu từ Nga tính đến cuối năm 2022 (tương đương 2/3 lượng khí đốt EU nhập từ Nga).

“Đó sẽ là một hành trình khó, vô cùng khó nhưng hoàn toàn có thể đạt được nếu EU sẵn sàng đi xa hơn và nhanh hơn những gì đã thực hiện trước đây”, ông Timmermans nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.