Từ lâu, con người đã luôn ao ước được vươn ra ngoài bầu khí quyển Trái đất, hướng tới vũ trụ bao la rộng lớn. Được du hành trong không gian cùng những chiếc phi thuyền, đến những hành tinh kỳ lạ luôn là một chủ đề hấp dẫn mà con người vẫn luôn cố gắng thực hiện. Dưới đây là những sự thật thú vị về du hành vũ trụ có thể sẽ khiến bạn bất ngờ.
Yuri Gagarin đã từng viết thư tuyệt mệnh trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình
Phi hành gia người Nga Yuri Gagarin đã thực hiện chuyến du hành đầu tiên của con người vào không gian vào ngày 12/4/1961trên con tàu vũ trụ mang tên Vostok 1. Sau khi kết thúc hành trình bay vòng quanh Trái đất trong 108 phút, Gagarin cùng thiết bị hạ cánh của mình đã tiếp đất an toàn bằng dù xuống một cánh đồng tại bang Saratov. Kể từ đó, mọi người trên toàn thế giới lấy ngày 12/4 để ghi nhớ sự khởi đầu cho cuộc thám hiểm không gian của con người.
Vì tính chất nguy hiểm và bí mật của nhiệm vụ, sau khi được lựa chọn làm phi hành gia đầu tiên, Yuri Gagarin thậm chí đã viết sẵn một bức thư tuyệt mệnh. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, bức thư sẽ được chuyển cho gia đình ông.
Khi nói về khoảnh khắc ngoài không gian, Gagarin đã nói ông nhìn thấy Trái đất màu xanh dịu, không gian vũ trụ bên ngoài tối tăm nhưng được điểm nhiều ngôi sao sáng. Ông không nhìn thấy mặt trăng nhưng mặt trời thì rất sáng, sáng gấp nhiều lần so với khi nhìn từ Trái đất.
“Du khách vũ trụ” đầu tiên đã du hành đến Trạm Vũ trụ Quốc tế vào năm 2001
Ngày 30/4/2001, triệu phú người Mỹ Dennis Tito đã đến Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS bằng tên lửa Soyuz của Nga và trở thành khách du lịch vũ trụ đầu tiên trên thế giới. Ông đã dành gần 8 ngày trên quỹ đạo với tư cách là thành viên phi hành đoàn của ISS EP-1 trong sứ mệnh thăm Trạm Vũ trụ Quốc tế. Từ khi còn nhỏ, Tito đã bị mê hoặc bởi những thứ liên quan đến vũ trụ, ông tự đặt ra mục tiêu cho bản thân sẽ trở nên nổi tiếng và sẽ bay vào không gian. Sau vài chục năm, cuối cùng vị triệu phú cũng hoàn thành được ước mơ của mình. Vào thời điểm đó Dennis Tito đã phải bỏ ra khoảng 20 triệu USD để hiện thực hoá ước mơ thời thơ ấu.
Nhiều con khỉ đã được cho bay vào vũ trụ
Trước khi những phi hành gia dũng cảm đầu tiên tham gia vào nhiệm vụ du hành vũ trụ, đã có nhiều sinh vật khác nhau như ruồi giấm, chó, khỉ được gửi vào không gian để mở đường cho ước mơ chinh phục vũ trụ của con người. Chú khỉ đầu tiên được bay vào vũ trụ có tên là Albert I. Ngày 11/6/1948 Albert I khởi hành trên tên lửa V-2 của quân đội Mỹ được phóng vào không gian. Tuy nhiên chú khỉ này đã chết ngạt sau một sự cố kỹ thuật khi tên lửa đạt đến độ cao khoảng 62 km. Sau Albert I, chú khỉ tiếp theo là Albert II cũng được khởi hành bay vào vũ trụ vào 1 năm sau, tuy nhiên cũng thiệt mạng. Đến năm 1951, Yorick trở thành chú khỉ đầu tiên sống sót và trở về từ vũ trụ.
Tro cốt của người đầu tiên phát hiện ra Diêm Vương Tinh đang quay quanh quỹ đạo của hành tinh lùn này
Clyde W.Tombaugh là một nhà thiên văn học người Mỹ, ông được biết đến với việc khám phá ra hành tinh lùn Diêm Vương Tinh vào năm 1930. Khi qua đời vào năm 1997, Tombaugh đã bày tỏ nguyện vọng muốn được gửi tro cốt của mình vào không gian.
Ngày 19/1/2006, tàu thăm dò New Horizons của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã được phóng đi đem theo một phần tro cốt của Clyde W.Tombaugh có nhiệm vụ bay tới Diêm Vương Tinh. Chiếc hộp đựng tro cốt của Clyde W.Tombaugh được in dòng chữ: “Đây là nơi lưu giữ tro cốt của Clyde W.Tombaugh, người phát hiện ra Diêm Vương Tinh và vùng thứ ba của hệ Mặt Trời”. Tàu thăm dò được hy vọng sẽ mang đến cho con người những hiểu biết mới về hành tinh xa xôi này. Sau hành trình dài 9 năm, vượt gần 5 tỷ km, cuối cùng New Horizons đã tiếp cận thành công Diêm Vương Tinh vào năm 2015.
Phi hành gia không được phép mang bánh quy và bánh mỳ lên vũ trụ
Để đảm bảo sức khoẻ, dinh dưỡng cho các nhà du hành vũ trụ luôn là bài toán khó cho các nhà khoa học. Thời kỳ đầu, các phi hành gia phải ăn thức ăn được lưu trữ trong một ống tuýp như ống kem đánh răng, có cả dạng bột và dạng lỏng. Bữa ăn của Yuri Gagarin trong vũ trụ là một hỗn hợp chất lỏng cùng nước sốt socola. Tuy nhiên, việc ăn những loại thực phẩm như vậy không hề dễ chịu chút nào đối với các phi hành gia.
Sau này, thời kỳ ăn thức ăn trong ống của các phi hành gia cuối cùng đã kết thúc do các phương pháp bảo quản đồ ăn đem vào vũ trụ đã được cải tiếng. Thực đơn cho các nhà du hành đã được cải thiện rất nhiều và trở nên đa dạng hơn. Các thực phẩm như tôm, thịt gà, rau tươi, trái cây tươi, bánh pudding, … đã được cung cấp. Nhìn chung các phi hành gia có thể ăn thức ăn giống như ở Trái đất, nhưng NASA cho biết họ phải giảm 40% hàm lượng natri trong chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, các phi hành gia không được phép mang bánh quy hoặc bánh mì lên tàu do lo sợ các mảnh vụn bánh sẽ trôi nổi trong tàu và mắc kẹt vào các kẽ hở của máy móc. Tuy nhiên, từng có những phi hành gia đã lén mang theo sandwich lên tàu đển ăn, tất nhiên sau khi bị phát hiện bọn họ đã bị khiển trách vì để vụn bánh trôi nổi.
Người lớn tuổi nhất và trẻ tuổi nhất từng bay vào vũ trụ
John Glenn, phi hành gia người Mỹ đã 77 tuổi khi ông bay cùng sứ mệnh STS-95 của tàu con thoi Discovery vào tháng 10/1998. Ông cũng là người Mỹ đầu tiên bay lên quỹ đạo Trái đất vào tháng 2/1962 đồng thời giữ kỷ lục khoảng thời gian lâu nhất giữa hai chuyên du hành vũ trụ (36 năm).
Gherman Titov còn thiếu 1 tháng nữa mới tròn 26 tuổi khi anh bay lên quỹ đạo cùng tàu vũ trụ Vostok 2 của Liên Xô vào tháng 8/1961. Anh là người thứ 2 bay quanh quỹ đạo Trái đất sau Gagarin và là người đầu tiên ngủ trong vũ trụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận