Hồ sơ tài liệu

Những “tấm phiếu triệu đô” trong bầu cử Mỹ

11/02/2021, 14:12

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders từng phải thốt lên: “Chính trường Mỹ đã nhuốm mùi tiền và bị một nhóm nhỏ tỷ phú thao túng”.

img

Để tham gia bầu cử, hai ứng viên Tổng thống Mỹ đã phải tiêu tốn tới hàng tỷ USD

Nhiều người biết rằng, Tổng thống Mỹ được lựa chọn qua 2 loại phiếu (phổ thông và đại cử tri) nhưng đằng sau đó còn những “tấm phiếu triệu đô” có sức ảnh hưởng cực lớn của các tỷ phú, đến mức Thượng nghị sĩ Bernie Sanders từng phải thốt lên: “Chính trường Mỹ đã nhuốm mùi tiền và bị một nhóm nhỏ tỷ phú thao túng”.

Để tranh cử phải có tiền

Theo cách thức bầu cử Mỹ như hiện nay, để xây dựng chiến dịch vận động tranh cử sâu rộng, có sức lan tỏa tới đông đảo cử tri, yếu tố đầu tiên và cần thiết nhất chính là tiền, ước tính lên tới hàng tỷ USD.

Ngay năm 2020 vừa qua, tính toán từ tổ chức chuyên theo dõi chi tiêu tranh cử và vận động chính sách tại Mỹ (CRP) cho thấy, tổng chi tiêu cho cuộc đua giành chiếc ghế quan trọng ở Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện Mỹ lên tới 14 tỷ USD, vượt xa kỷ lục hồi năm 2016.

Trong đó, chiếm phần lớn là tiền quảng cáo, truyền thông. Chi phí quảng cáo qua truyền hình của hai ứng viên Tổng thống Donald Trump (đại diện đảng Cộng hòa) và Joe Biden (đại diện đảng Dân chủ) lên tới 1,8 tỷ USD - theo số liệu từ công ty theo dõi quảng cáo Advertising Analytics.

Với những khoản chi tiêu cực lớn như vậy, ngay cả một tỷ phú như ông Donald Trump cũng không dễ dàng bỏ tiền túi để trang trải. Do đó, các ứng viên và đảng phái/tổ chức mà họ đại diện phải kêu gọi tài trợ từ nguồn xã hội hóa. Và đây chính là cơ hội vàng để các tỷ phú xây dựng liên kết với chính trị.

Theo OpenSecrets, thống kê mới nhất đến tháng 12/2020, ông Trump được hơn 100 tỷ phú tài trợ với số tiền là 1 tỷ USD vào chiến dịch của mình cũng như các Ủy ban gọi tài trợ liên quan.

Trong khi đó, ông Joe Biden, người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đã thu hút được sự ủng hộ của hơn 150 tỷ phú, qua nhiều hình thức và cách thức tài trợ khác nhau. Thống kê mới nhất đến tháng 12/2020 của OpenSecrets cho biết, ông Biden đã nhận được số tiền quyên góp kỷ lục là hơn 1,6 tỷ USD.

Lỗ hổng cho “rửa tiền” chính trị

img

Người dân Mỹ bỏ phiếu bầu cử Tổng thống

Dù Luật Chiến dịch bầu cử Liên bang Mỹ (FEC) có khung quy định tài trợ rất khắt khe, phức tạp nhưng vẫn tồn tại lỗ hổng mà các tỷ phú có thể tận dụng để “rót tiền” không giới hạn cho ứng viên mình mong muốn.

Giới chính trị gia thường gọi nôm na 2 loại tiền tài trợ cho chính trị là: “tiền cứng” (hard money) và “tiền mềm” (soft money). Những khoản đóng góp trực tiếp của cá nhân/tổ chức cho một ứng viên sẽ được gọi là “tiền cứng” và có giới hạn. Với “tiền mềm”, số lượng quyên góp có thể mở rộng không giới hạn và đây chính là điểm tạo ra lỗ hổng.

Trong đó, một hình thức tài trợ là thông qua các Ủy ban đảng (Cộng hòa hoặc Dân chủ), phục vụ các hoạt động “xây dựng chính đảng” nói chung (kêu gọi cử tri đi bầu hoặc các chương trình đăng ký cử tri…) chứ không đóng góp trực tiếp cho một ứng viên.

Các mạnh thường quân có thể đóng góp tiền hoặc hỗ trợ qua nhiều hình thức khác như sticker, poster, suất quảng cáo trên truyền hình, phát thanh để ủng hộ sáng kiến hoặc nền tảng của một đảng cụ thể.

Hầu hết các khoản quyên góp từ các tổ chức đảng của bang sẽ được chuyển về Ủy ban Quốc gia của đảng đó để phân bổ chi tiêu. Như vậy, ứng viên đại diện đảng tham gia tranh cử trong cuộc đua tổng thống chắc chắn sẽ được hưởng một cách gián tiếp.

Hình thức còn lại của “tiền mềm” là qua các Ủy ban Chi tiêu Độc lập (thường được gọi là Super PAC). Các tổ chức này cũng được kêu gọi quyên góp và chi tiêu không giới hạn với mục đích ủng hộ hoặc phản đối bất cứ ứng viên/vấn đề chính trị, xã hội…, chẳng hạn như những tổ chức liên quan đến từ thiện, tôn giáo, giáo dục, khoa học, văn học… Vì không giới hạn tiền quyên góp nên xu hướng tài trợ qua “tiền mềm” đang ngày càng được ưa chuộng trong giới tỷ phú cũng như chính trị gia Mỹ dù rất phức tạp.

Cách thức vận động tranh cử của ông Donald Trump và bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016 cho thấy rõ “tiền mềm” được tận dụng triệt để như thế nào. Theo tờ Politico, Ủy ban gây quỹ chung của bà Clinton thường nhận một khoản tài trợ nhưng phải chia thành nhiều khoản: Cho Ủy ban Chiến dịch của bà Hillary, Ủy ban Quốc gia dân chủ (DNC) và những tổ chức đảng Dân chủ nhỏ hơn ở cấp bang.

Từ đây, tổ chức đảng Dân chủ cấp bang chuyển số tiền họ nhận được về DNC. Như vậy, DNC vẫn được nhận số tiền tài trợ cao hơn nhiều so với giới hạn luật định. Đảng Cộng hòa cũng thực hiện cách thức tương tự, thậm chí với tỉ lệ cao hơn.

Tờ Politico dẫn lời ông Brendan Fishcer đến từ Trung tâm Pháp lý chiến dịch nhận định, cách thức quyên góp như vậy chẳng khác là hình thức rửa tiền đã được hợp pháp hóa và xuất hiện ở cả hai đảng. Bất chấp dư luận lên tiếng, cả hai chính đảng của Mỹ luôn bác bỏ những nghi vấn trên.

Từ tiền đến quyền và chính sách

Sau những chiêu trò lách luật phức tạp, giới tỷ phú được cho là đã xây dựng những mắt xích, liên kết mật thiết với quan chức và lái theo hướng có lợi cho hoạt động kinh doanh của mình.

Ví dụ rõ nhất có lẽ là câu chuyện của anh em nhà Koch - những tên tuổi nổi nhất trong giới tỷ phú có quyền lực ngầm trong chính trị. Đế chế của hai anh em David Koch và Charles Koch được xây dựng chủ yếu nhờ dầu mỏ nên không khó hiểu khi họ đổ không ít tiền vào những tổ chức/viện nghiên cứu và lái con thuyền chính trị theo hướng phủ nhận những vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu.

Trong một bài viết đăng tải trên tờ Los Angeles Times, nhà báo điều tra Jane Mayer từng nói: “Anh em nhà Koch đã xây dựng một dây chuyền để thao túng chính trị, bao gồm những tổ chức cố vấn đưa ra các bài nghiên cứu; các tổ chức để vận động cho chính sách họ mong muốn và tài trợ cho các ứng viên”.

Quan trọng là, cả ba mắt xích trong dây chuyền này đều hướng đến phủ nhận biến đổi khí hậu. Đơn cử, từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Tổng thống Mỹ đương nhiệm George H.W.Bush đã thúc đẩy một hiệp định giảm khí thải, đề ra giải pháp mua bán hạn mức xả thải. Nhưng với quyền lực được xây dựng trên tiền của mình, anh em nhà Koch đã tìm cách để hạ bệ bất cứ nghị sĩ nào muốn kiểm soát khí thải, trong đó có Hạ nghị sĩ Bob Inglis thuộc đảng Cộng hòa ở South Carolina vì đề ra dự luật thuế carbon.

“Vì những sợi dây bện chặt bằng hàng tỷ đô đó, dù “đa số dư luận Mỹ ủng hộ hành động chống biến đổi khí hậu nhưng Quốc hội lại bị “thắt nút hoàn toàn”… Ứng viên đảng Cộng hòa buộc phải nói nóng lên toàn cầu không có thật, không phải là vấn đề”, bà Jane Mayer nói trong bài phỏng vấn với hãng CBC.

Từ năm 2015, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 bắt đầu khởi động, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng buông một câu bông đùa: “Tôi cũng như nhiều người, muốn xem anh em nhà Koch (David Koch và Charles Koch, những tỷ phú dầu mỏ) sẽ chọn ai (trong đảng Cộng hòa làm ứng viên đại diện đảng)”. Chừng đó là đủ hiểu tầm quan trọng từ tiền đến quyền lực và “lại quả” bằng chính sách cho những đế chế như nhà Koch thế nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.