Hạ tầng

Những tuyến đường đưa Tây Nguyên cất cánh

21/01/2023, 16:18

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tây Nguyên triển khai cấp bách 5 dự án cao tốc. Năm 2023, dự án Dầu Giây- Liên Khương sẽ khởi công đầu tiên.

Đường Hồ Chí Minh tạo bước chuyển mình cho Tây Nguyên

Do đặc điểm về địa hình không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt, hệ thống đường bộ đóng vai trò trọng yếu để Tây Nguyên “cất cánh”.

Chính vì vậy, từ sau những năm 2000 khi đường HCM được đầu tư mới và hoàn thành nâng cấp, mở rộng năm 2016 đã tạo thuận lợi cho các tỉnh Tây Nguyên chuyển mình rõ nét.

img

Đường HCM tạo điểm nhất phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh Tây Nguyên hơn 10 năm qua

Đầu tiên phải kể đến việc thu hút đầu tư mạnh mẽ vào Tây Nguyên là các dự án du lịch, bất động sản và nông nghiệp…

Tỉnh Kon Tum nằm cửa ngõ phía bắc Tây Nguyên, từ năm 2016, khi tuyến đường HCM hoàn thành mở rộng, tỉnh đã kết hợp du lịch và nông nghiệp ở quy mô cấp quốc gia, phù hợp đặc thù, thiên về du lịch sinh thái, thiên nhiên, tạo ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách, nhất là đối với những khách VIP với các hoạt động như phát động trồng rừng ở huyện Tu Mơ Rông, trải nghiệm chinh phục dãy núi Ngọc Linh, tham quan vườn sâm Ngọc Linh Kon Tum K5...

Một lãnh đạo ngành du lịch Kon Tum tâm sự: "Khi đi qua Hàn Quốc, thấy người dân cũng như du khách quan tâm, mua sâm và dùng sâm Hàn thường xuyên, tôi rất trăn trở tại sao sâm Hàn có thể nổi tiếng mà sâm Ngọc Linh lại không?”.

Bà Trương Hoàng Thanh Trúc, Chủ tịch Tập đoàn Trung Sơn Pharma, cho biết trải nghiệm bay khinh khí cầu tại TP Kon Tum mang lại cảm giác mới mẻ, khác lạ và vô cùng thú vị.

Đồng thời theo bà Trúc, sâm của nước ta rất tốt nhưng vì chưa được truyền thông nhiều, chưa được các nhà khoa học quốc tế công nhận nên chưa được thế giới biết đến nên việc kết hợp du lịch để quảng bá sản phẩm là giải pháp tối ưu nhất.

Không chỉ Kon Tum, tỉnh phía Nam Tây Nguyên là Đắk Nông cũng đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái.

Theo thống kê, khu du lịch sinh thái cụm thác Đ'ray Sáp- Gia Long (Krông Nô), điểm du lịch sinh thái thác Đắk G’Lun (Tuy Đức), Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng (Đắk Glong), Khu du lịch sinh thái Phước Sơn (Đắk R'lấp), Khu du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử Nâm Nung (Krông Nô), được tỉnh Đắk Nông chú trọng phát triển từ năm 2016 khi đường HCM hoàn thành.

Nhìn bức tranh tổng thể phát triển kinh tế Tây Nguyên thì giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn vốn đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên trên 265,7 ngàn tỷ đồng, gấp đôi so với giai đoạn 2006 - 2010.

Tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn đạt trên 11,3%/năm, trong đó vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 14,89%/năm, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,39%/năm, khu vực dịch vụ tăng 12,13%/năm.

Vốn đầu tư tăng mạnh nhất là ở tỉnh Đắk Nông, gấp 2,5 lần, tăng bình quân 20%/năm, trong đó, đầu tư phát triển giao thông tăng 4,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.

Năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nguồn vốn đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên cũng tăng lên khá cao, với trên 76.373 tỷ đồng, tăng 15,85% so với năm 2015. Riêng nguồn vốn đầu tư phát triển do địa phương quản lý tăng 25,32%.

Đến năm 2020 quy mô phát triển kinh tế tăng gấp 14 lần năm 2002. GRDP bình quân của toàn vùng trong giai đoạn 2002-2019 đã đạt 8,22%/năm.

Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên GRDP của vùng chỉ tăng 3,66%, tính chung giai đoạn 2002-2020, GRDP của vùng tăng bình quân 7,98%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế của cả nước.

Xây dựng cấp bách 5 dự án cao tốc lên Tây Nguyên

Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2030, Tây Nguyên thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 23 nhiệm vụ cụ thể và danh mục 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối giúp Tây Nguyên cất cánh.

Hiện tại đường Hồ Chí Minh đang “gánh” trách nhiệm là huyết mạch giao thông chính, kết nối giao thương hàng hóa giữa các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên tuyến đường này đã bị quá tải và chưa có tuyến đường nào mới để bổ sung.

Tây Nguyên có đường bộ với tổng chiều dài trên 35.600 km; trên 3.000 km đường quốc lộ gồm hai trục dọc quan trọng là đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 14C chạy dọc biên giới. Ngoài ra, Tây Nguyên còn có các tuyến quốc lộ ngang qua với tổng chiều dài khoảng 32.220 km.

Ngoài ra, kết nối giữa Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung hiện nay vẫn dựa vào các tuyến quốc lộ đã có từ lâu.

Dù được nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nhưng các tuyến đường này vẫn là thách thức với nhiều tài xế xe khách, xe tải bởi có nhiều đèo dài, hiểm trở nên thời gian di chuyển lâu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, do đặc điểm về địa hình nên hệ thống giao thông kết nối vùng Tây Nguyên với các vùng lân cận, như Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ..., không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt, chỉ có hàng không và đường bộ là phương thức vận tải phù hợp.

img

Các tuyến cao tốc được hoàn thành sẽ tạo động lực cho Tây Nguyên "cất cánh'

Giai đoạn vừa qua, mặc dù được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư, với khoảng 95.655 tỷ đồng, hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cao hơn.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên khoảng 156.000 tỷ đồng.

Năm 2023, cao tốc Dầu Giây- Liên Khương sẽ là cao tốc đầu tiên Tại Tây Nguyên bắt đầu được khởi công để kết nối với miền Nam.

Tiến sĩ Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định: “Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ tạo một làn sóng mới thu hút đầu tư trong và ngoài nước đến Lâm Đồng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và phát triển đô thị; lượng du khách quốc tế đến các địa phương có thế mạnh du lịch ở Lâm Đồng; là cơ hội cho họ vừa nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh vừa nghiên cứu thực tế, hình thành ý tưởng sáng tạo đầu tư nhiều lĩnh vực khác vào Lâm Đồng.

Qua đó, sẽ rút ngắn thời gian đường bộ đi từ TP Đà Lạt đến TP Hồ Chí Minh, thay vì 6 giờ hiện nay chỉ còn 3 giờ; Bảo Lộc - TP Hồ Chí Minh thay vì 4 giờ chỉ còn 2 giờ; là môi trường tốt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến tỉnh Lâm Đồng.

Đồng thời, góp phần vận chuyển nông sản Lâm Đồng tiêu thụ nhanh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, giảm chi phí logictics; tác động thay đổi cơ cấu kinh tế; ngành Du lịch, Dịch vụ sẽ tăng đột biến trong tương lai; đặc biệt các loại hình dịch vụ cao cấp có xu hướng phát triển mà trước đây chưa khai thác như: công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp âm nhạc, công nghiệp thời trang và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp...

Trên thực tế, trong Chương trình hành động của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành 9 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Đó là các tuyến đường như Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.

Cùng với đó là mở rộng, nâng cấp sân bay Liên Khương lên cấp 4E, mở rộng và nâng cấp sân bay Pleiku lên cấp 4C, mở rộng sân bay Buôn Ma Thuột…

Theo đó, giao đoạn 2021-2025, dự kiến đầu tư triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng, như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương…, với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030, sẽ bố trí tối thiểu hơn 89.000 tỷ đồng để triển khai các dự án cao tốc đã hoạch định trong quy hoạch có tính liên kết vùng, như cao tốc Bắc - Nam phía Tây các đoạn Gia Nghĩa đến Chơn Thành, Chơn Thành đến Đức Hòa...

“Bộ GTVT xác định vùng Tây Nguyên còn rất nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn thấp, địa hình chia cắt, xa các trung tâm kinh tế lớn, nguồn lực đầu tư chưa được quan tâm đúng mức…, nên cần thiết phải triển khai các tuyến đường bộ cao tốc theo quy hoạch và kế hoạch đề ra nhằm kết nối vùng Tây Nguyên gắn với các vùng lân cận và cảng biển sân bay”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.