Thi viết về GTVT

Niềm vui bên những cây cầu “Bác Tư Sang”

22/06/2019, 19:00

Những năm gần đây, bác Tư Sang đi khắp nơi vận động các mạnh thường quân xây cầu, giúp người dân thực hiện ước mơ “qua sông không phải lụy đò".

img
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (người đi đầu từ trái qua) cùng lãnh đạo tỉnh Long An kiểm tra các công trình xây dựng cầu giao thông nông thôn

Nói đến những người có đóng góp tích cực nhất trong việc vận động xây dựng cầu giao thông nông thôn khu vực biên giới Tây Nam, nhất là hai tỉnh Long An, Đồng Tháp, người dân ở đây không quên nhắc đến nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (người dân địa phương quen gọi bác Tư Sang).

Biến giấc mơ thành hiện thực

img
Một cây cầu do bác Tư Sang vận động xây dựng ở xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa

Những ngày cuối tháng 5/2019, chúng tôi có dịp trở lại những cây cầu bê tông Kênh Chùa do trực tiếp bác Tư Sang kêu gọi và vừa được đưa vào sử dụng cách đây không lâu. Dẫn chúng tôi qua cây cầu bê tông mới, bắc từ bên kia sông ngang nhà, lão nông Nguyễn Văn Rắm (84 tuổi, ngụ ấp Hóc Thơm 2, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An) cười móm mém: “Bà con ở đây giờ vui lắm, bởi giấc mơ bao đời nay đã thành hiện thực. Nhất là mấy cháu học sinh mỗi khi qua những cây cầu bê tông mới, mặt đứa nào cũng hớn hở vì các cháu không còn cảnh lội bùn đi học như trước đây. Còn người già tụi tui vui bách bộ qua cầu thăm hỏi nhau”.

Còn ông Nguyễn Văn Uẩn (75 tuổi, ngụ ấp Hóc Thơm 2, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) chia sẻ, từ ngày có cầu bê tông Kênh Chùa, mỗi khi đi qua cầu, bà con trong xóm ai cũng dừng lại vài phút để ngắm cho đã con mắt. “Vùng quê này giờ đã khác nhiều lắm chú nhà báo ơi! Mỗi khi có việc cần đến UBND xã, tôi đạp xe đi liền chứ không ngán ngại như trước đây. Làng trên, xóm dưới không còn ngăn cách, Tết Kỷ Hợi 2019 vừa rồi người dân ở đây ăn Tết lớn vì có cầu bê tông. Thằng cháu tôi vừa rồi bị sốt cao, cha nó lấy xe gắn máy chở một lèo ra trạm y tế khám bệnh, mua thuốc uống kịp thời, không còn lo đò thuyền cách trở. Vui lắm…”, ông Uẩn nói.

Bà con trong ấp Hóc Thơm 2 cho biết, trước đây đoạn đường qua ấp khoảng 5km nhưng có tới gần 10 cây cầu khỉ. Sau đó dần được thay bằng cầu gỗ (bề ngang khoảng 1m). Mỗi khi chở nông sản như lúa, chanh… người dân phải sử dụng xuồng hoặc xe gắn máy tốn kém. Có lần, cầu gãy nên cả người lẫn xe đều rớt xuống kênh rất nguy hiểm. Giờ, những cây cầu cũ đều được thay mới bằng cầu bê tông, người dân đi lại dễ dàng, vận chuyển hàng hóa thuận lợi nên kinh tế gia đình từ đó khá lên thấy rõ.

Ông Lại Hồng Dự (ngụ ấp 4, xã Bình Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) xúc động nói: “Suốt 4 tháng thi công cầu Bò Cạp 2, ngày nào tôi cũng ra xem, phụ được gì cho anh em công nhân thì phụ. Không riêng tôi, tất cả người dân ấp 2 và ấp 4 đều mừng. Trước đây, lúc chưa có cầu, việc canh tác lúa ở bờ bên kia của người dân rất bất tiện vì phải vận chuyển vật tư đi đường vòng rất xa, mất nhiều chi phí. Chắc chắn, cầu thông thương, lúa bán sẽ có giá cao hơn bởi thương lái có thể đến tận ruộng thu mua”.

Cụ bà Trương Thị Rành (85 tuổi, ngụ ấp 2, xã Bình Thành, huyện Đức Huệ) kể: “Mấy tháng trước được mời đến dự khánh thành cầu Bò Cạp 2, tôi rưng rưng nước mắt. Người dân ở đây luôn ghi nhớ tấm lòng của bác Tư Sang và các nhà tài trợ. Nhờ những cây cầu bê tông này mà người già như tụi tui được bước qua cầu an toàn, thuận lợi, đi chỗ này, chỗ nọ, biết đây, biết đó. Chứ hồi nào giờ toàn đi cầu khỉ, giờ tuổi như tôi không ai dám đi đâu xa”.

Nhân rộng những tấm lòng

img
Cầu Bà Mùi ở huyện Đức Huệ được thi công do bác Tư Sang vận động

Tháng 10/2016, lễ phát động “Chương trình Cầu nông thôn” được thực hiện tại huyện biên giới Đức Huệ (Long An) và khởi công xây dựng cây cầu đầu tiên tại xã Mỹ Thạnh Đông. Sau đó, hàng loạt cầu bê tông khác được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng như: Cầu Kênh Chùa, Rạch Gừa, Rạch Gấu, Út Triên, Thố Mố (huyện Đức Hòa), cầu KT4 (huyện Vĩnh Hưng).

Ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho biết, được sự quan tâm hỗ trợ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 90 cây cầu, cống nông thôn với tổng kinh phí khoảng 85 tỉ đồng. Bên cạnh đó, còn làm mới nhiều tuyến đường nông thôn cho các huyện biên giới và các huyện: Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, trị giá trên 100 tỉ đồng; Trao cho nông dân gần 1.800 con bò giống, trị giá khoảng 27,5 tỉ đồng. Ngoài ra, nguyên Chủ tịch nước còn vận động kinh phí xây dựng nhiều trường học.


Đây là chương trình do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khởi xướng. Tại 2 huyện Đức Huệ, Đức Hòa (Long An), nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động xây dựng 58 cây cầu, cống; 2 bia tưởng niệm; 6 phòng học và hệ thống sân đường của Trường THCS Mỹ Quý; 500 con bò giống với tổng giá trị 32,478 tỉ đồng.

Bí thư Huyện ủy Đức Huệ (Long An) Phạm Văn Trấn bày tỏ, những cây cầu bê tông này đã góp phần phát triển hệ thống giao thông nông thôn ở địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng biên giới.

Ông Đặng Hoàng Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Long An chia sẻ, những cây cầu đưa vào sử dụng tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Qua đó đã thay thế các cầu khỉ, cầu tạm giúp việc đi lại của người dân dễ dàng, vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn trước rất nhiều…

Ông Trần Ngô Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Tháp cho biết, tại tỉnh Đồng Tháp, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vận động xây dựng 10/12 cây cầu mới ở các xã: Thông Bình, Tân Hộ Cơ, Bình Phú và thị trấn Sa Rài thuộc huyện biên giới Tân Hồng. Cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mặt cầu rộng 3,5m, tải trọng 5 tấn, trong đó cầu dài nhất là 120m, cầu ngắn nhất là 36m. Tổng dự toán 12 cây cầu hơn 41 tỷ đồng, nguồn kinh phí được hỗ trợ trên 21 tỷ đồng, phần còn lại do ngân sách địa phương đối ứng. Sau thành quả từ những cây cầu này, nguyên Chủ tịch nước đang tiếp tục vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm kinh phí 5,4 tỷ đồng để thực hiện một cầu nữa ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.