Thu phí đọc báo chưa thành xu thế
Trong thời đại truyền thông số, cơ hội với báo chí rất nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Ông đánh giá thế nào về chuyển đổi số báo chí thời gian qua?
Hiện, chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số báo chí.
Báo chí, truyền thông là lực lượng quan trọng, để làm tốt nhiệm vụ, phải đi đầu chuyển đổi số. Song ngoài một số tờ báo đã bước đầu đạt được hiệu quả, số còn lại vẫn đang lúng túng.
Áp lực đó phải chăng khiến nhiều cơ quan báo chí buộc phải thu hút bạn đọc bằng mọi cách, lấy số lượng người đọc làm thước đo?
Báo chí phải đối diện với câu hỏi lớn, đó là sống thế nào với mạng xã hội, với công nghệ truyền thông, nhất là khi xuất hiện AI - trí tuệ nhân tạo?
Không ít tòa soạn có những bước đi không hoàn toàn phù hợp. Có thời điểm, nhiều tòa soạn bị cuốn theo việc "đếm view" trên báo điện tử, coi nhẹ, thậm chí bỏ quên báo in. Trong khi đến nay, đây vẫn là nguồn sống cơ bản của nhiều tờ báo.
Một mình cơ quan báo chí không thể giải quyết được các vấn đề của mình, mà cần sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ. Không có một giải pháp chung mà từng cơ quan báo chí phải tìm ra con đường phù hợp với điều kiện, thế mạnh của mình.
Ông Hồ Quang Lợi
Nhưng rõ ràng, ở thời điểm này, báo chí không thể "sống" được nếu không có bạn đọc trên môi trường mạng?
Sai lầm lớn nhất ở cuộc đua báo điện tử là không thu phí nội dung ngay từ đầu, mà chỉ hy vọng càng có nhiều view càng có nhiều quảng cáo, hợp đồng truyền thông. Điều đó chỉ đem lại những lợi ích nhất thời. Đến nay, 80% thị phần quảng cáo trực tuyến rơi vào các nền tảng xuyên biên giới.
Chính báo chí tạo ra thực tế không có lợi cho mình, tạo thói quen đọc báo miễn phí.
Nhưng các tờ báo đã và đang thu phí bạn đọc ở Việt Nam có nguồn thu không đáng kể?
Một vài báo đã mạnh dạn thu phí, nhưng đó chỉ mới là hiện tượng đơn lẻ, chưa thành một xu thế. Chúng ta cần có lộ trình với các bước đi cụ thể.
Cách tiếp cận của bạn đọc giờ đã khác trước, theo ông điều đó tác động thế nào đến báo chí?
Báo chí tìm cách đưa sản phẩm của mình lên mạng xã hội là tất yếu, song cũng vì thế bạn đọc không có thói quen vào trang web của báo nữa. Phụ thuộc vào mạng xã hội, một lần nữa báo chí lại mất quyền chủ động. Báo chí nuôi sống mạng xã hội, nhưng mạng xã hội không trả tiền nội dung, nếu có thì quá ít ỏi.
AI không thay được nhà báo
Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra sản phẩm báo chí không còn mới lạ. Theo ông, liệu AI có dần thay thế vai trò của nhà báo?
Việc sử dụng AI là yêu cầu của kỷ nguyên công nghệ số, tuy nhiên các tòa soạn cần chú ý đến tính thiết thực và hiệu quả khi quyết định đầu tư. Xét cho cùng, AI vẫn là sản phẩm do con người tạo ra, nếu sử dụng mà không kiểm soát được sẽ tạo thành áp lực, thậm chí tai họa khi ở đó thiếu vắng đạo đức, trách nhiệm.
AI giúp tổng hợp thông tin, xây dựng chương trình tốt hơn, nhưng không thay được con người để hiểu được hoàn cảnh, cảm xúc con người ra sao, số phận họ thế nào… so với tác nghiệp trực tiếp.
Ông nói cần có lộ trình để báo chí sống được bằng nguồn thu phí, vậy lộ trình đó là gì?
Tốc độ thông tin không phải là vấn đề cốt tử, mà độ tin cậy và sức thuyết phục mới là con đường sống của báo chí. Đây là lúc cần báo chí phân tích, báo chí giải pháp, báo chí trí tuệ.
Thay vì phân tán nguồn lực, hối hả chạy theo tốc độ đưa tin, nên chọn những vấn đề trọng tâm nhất, thực hiện những bài viết phân tích sâu sắc, đưa ra giải pháp mà xã hội đang cần.
Các tòa soạn phải xây dựng được đội ngũ các nhà báo có trình độ chuyên sâu. Nhưng để có nguồn lực tài chính, phải từng bước hướng đến thu phí sản phẩm chất lượng cao, tạo được thói quen với bạn đọc.
Nội dung không thể tách rời công nghệ
Nói như vậy, phải chăng nội dung mới là điều cốt lõi mà báo chí phải theo đuổi?
Chưa đủ. Nội dung tốt rồi nhưng phải được truyền tải, lan tỏa mạnh mẽ bằng công nghệ truyền thông hiện đại. Có nghĩa rằng chúng ta phải đi bằng "hai chân": Nội dung và công nghệ.
Nếu nói nội dung là "vua" thì công nghệ là "nữ hoàng". Tức là, tòa soạn báo có đội ngũ phóng viên tốt chưa đủ, còn cần có đội ngũ làm công nghệ tốt. Trên thế giới, tại một số tờ báo lớn, cứ ba người làm nội dung thì có một người làm công nghệ.
Bản thân đội ngũ làm báo cần đáp ứng điều kiện gì để thích ứng, thưa ông?
Cần đào tạo nhà báo vừa làm tốt nội dung nhưng cũng có khả năng sử dụng công nghệ ở mức cơ bản. Họ có thể vừa viết hay, vừa tham gia sản xuất được các sản phẩm báo chí số.
Bảo vệ bản quyền báo chí
Chuyển đổi số sẽ là hướng đi bắt buộc, theo ông, các cơ quan báo chí cần giải quyết câu chuyện nguồn lực, nhân sự như thế nào?
Hiện nay, không cơ quan báo chí nào sống được chỉ bằng cách làm báo truyền thống. Tuy nhiên, nếu bị hối thúc quá mức, nghĩ rằng công nghệ sẽ giải quyết được tất cả là hoàn toàn sai.
Báo chí phải trở lại để khẳng định giá trị cốt lõi của mình. Đó là làm nghề với phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải.
Thực tế, nhiều tòa soạn đang vật lộn với vấn đề cơm áo gạo tiền, từ đó nảy sinh sai phạm trong tác nghiệp, áp view để tính nhuận bút, giao định mức quảng cáo cho phóng viên… Người làm báo phải được giải thoát khỏi điều này.
Theo ông, ngoài nỗ lực của bản thân cơ quan báo chí, cần thêm sự hỗ trợ gì từ cơ quan quản lý?
Phải chấm dứt hoàn toàn việc báo hóa các trang tin điện tử, trang mạng xã hội, đưa ra những chế tài nghiêm ngặt để bảo vệ bản quyền của báo chí.
Luật Báo chí sửa đổi tới đây chắc chắn sẽ phải cập nhật được tất cả những vấn đề thời sự, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn những sai phạm. Đồng thời, cần có những hỗ trợ của Nhà nước về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để báo chí phát triển.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận