Đã quá quen với sự cô độc
Năm lên 10 tuổi, Nguyễn Thị Thanh Hoa (ngụ ấp Ngãi Thuận, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) đã có chiều cao vượt trội so với bạn cùng trang lứa.
Điều đó không làm cho Hoa thấy tự hào, trái lại cô gái thường cảm thấy ngại ngùng. Càng lớn, Hoa càng phát triển chiều cao nhanh chóng và nỗi tự ti ấy ngày càng lớn. "Khi tôi đi ngoài đường, người ta thường nhìn tôi cho đến khi tôi đi khuất tầm mắt của họ mới thôi. Vừa nhìn tôi, họ vừa xì xào bàn tán gì đó. Tôi thực sự không thể chịu nổi khi mình rơi vào cảnh đó", chị Hoa nói.
Song hành với chiều cao vượt trội gần 2m là sức khỏe kém khiến Hoa luôn chỉ muốn thui thủi trong nhà. Hoa vốn mắc bệnh tim bẩm sinh, chậm phát triển, mắt cận nặng.
Bà Trần Thị Nga (63 tuổi), mẹ của chị Hoa cho biết, năm lên 4 tuổi, đứa con gái độc nhất của bà mới bắt đầu cất những tiếng nói đầu tiên. Rồi khi đi học, Hoa cũng tiếp thu chậm hơn chúng bạn, rất khó khăn trong việc nhận biết mặt chữ và viết chậm, thiếu nét do mắt rất kém.
Ở lớp, các bạn thường gọi Hoa là "người khổng lồ", "cây tre trăm đốt"... Mỗi lần như vậy, Hoa thường về kể với mẹ rằng: "Sao họ chọc con hoài".
Người mẹ cũng không biết phải giải thích, an ủi sao cho con gái yên lòng. Từ những chuyện xảy ra như vậy, đến năm lớp 4, Hoa nghỉ học ở nhà. "Từ đó, cuộc sống của tôi cứ quẩn quanh gian nhà, góc bếp. Nay đã ngấp nghé tuổi 30, tôi cũng chỉ loanh quanh trong ấp. Chợ ở xã, tôi cũng chỉ đi đến được vài lần. Sống trong sự cô độc đó, dường như tôi đã quá quen rồi, không muốn thay đổi nữa", Hoa tâm sự.
Mẹ con rau cháo qua ngày
Bà Nga cho hay, căn bệnh tim khiến Hoa không thể làm việc nặng nhọc, chỉ làm việc nhà nhưng mỗi khi xong, Hoa phải ngồi thở cả buổi. Mỗi lần thấy con gái mệt, ngồi một mình với khuôn mặt xanh xám, bà đau lòng lắm.
Thương con, không để con gái phải vất vả, bà thường ôm hết việc nhà.
Gia đình của bà Nga nghèo, hai vợ chồng chỉ có chút tài sản là căn nhà được người thân để lại và khoảng vườn trồng mấy chục gốc dừa đang cho thu hoạch. Ngày còn sức, hai vợ chồng bà Nga mưu sinh thêm bằng đủ nghề làm thuê làm mướn.
Tôi cũng không biết sao con bé lại cao như vậy, lúc sinh ra chỉ nặng 1,8kg, dặt dẹo lắm. Trong gia đình dòng họ hai bên cũng không có ai cao như vậy. Áo quần nó mặc nếu vừa đẹp thì phải may, còn nếu mua hàng may sẵn thì cứ lơ lơ lửng lửng như vậy đó. Còn giày dép, nó toàn mang dép của đàn ông thì mới vừa.
Bà Trần Thị Nga chia sẻ
Chục năm trước, chồng mất, thương con gái, bà Nga ở vậy luôn để kề cận con. Cuộc sống của hai mẹ con càng co cụm lại. Nếu không có việc gì quan trọng thì họ chẳng đi ra khỏi nhà. Ngay cả thức ăn hằng ngày, họ cũng mua luôn của những người bán dạo.
Hiện, bà Nga nhận tước cọng lá dừa thuê với tiền công ít ỏi để đắp đổi qua ngày.
"Lá dừa thì của mình, mình tước bỏ phần lá đi, lấy phần cọng để cho người ta làm chổi. Tướt được một ký cọng dừa thì đổi được từ 3.000 - 4.000 đồng, tùy cọng dừa khô hay tươi. Bây giờ giá chỉ còn 2.000 đồng/kg mà họ còn không mua, tôi chất đống trong nhà", bà kể.
Với số tiền kiếm được từ cọng lá dừa chỉ lo được cho hai mẹ con mỗi ngày vài gói mì tôm. Cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào tiền chế độ cho người khuyết tật, hai mẹ con được hơn 1 triệu đồng/tháng. Đó là khoản tiền cố định quý giá giúp họ sống qua ngày.
"Hoa chưa một lần được yêu, phần vì nó đau yếu luôn, phần vì cao quá, mà tôi lại nghèo" bà Nga ngậm ngùi.
Nhìn đống cọng dừa còn chất đầy trong nhà không ai mua, mẹ con chị Hoa buồn rười rượi vì lo cho những ngày Tết cận kề. "Làm gì làm chứ cũng phải làm mâm cơm cúng ông bà. Không có tiền thì tôi mua đồ chay làm cơm cúng", người mẹ già chua chát nói, nhìn xa xăm.
Chia tay mẹ con Hoa, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Thực sự, hai mẹ con họ đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Nhưng cũng tin rằng, rồi đây cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn, bằng cách nào đó, nhờ sự dang tay giúp đỡ của ai đó. Giống như truyện cổ tích, những người hiền lành, chịu thiệt thòi cuối cùng rồi cũng sẽ gặp được điều may mắn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận