Kệ hàng trống trơn tại siêu thị ở Venezuela |
Có tiền cũng chẳng để làm gì!
Trên mạng xã hội, tài khoản Marianne Diaz.H kể: “Một tuần trước, tôi chạy khắp nơi để tìm thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp. Nhưng dù có lục tung các nhà thuốc, cũng không thể tìm thấy một hộp thuốc nào… Tôi lo lắng vô cùng vì ba tháng trước, bác sĩ yêu cầu phải dùng thuốc mới, nếu không mọi thứ sẽ trở nên khó khăn với tuổi tác ngày một lớn của tôi. Và vừa mới hôm qua thôi, kẻ nào đó đã lẻn vào ô tô của tôi. Chúng đánh cắp thực phẩm để trên xe. Không phải là thiết bị trên xe, thậm chí không phải là đánh cắp xe, chúng lấy cắp đồ ăn”.
Còn Los Angeles Times dẫn lời Maria Linares, một bà mẹ đơn thân 42 tuổi sống ở ngoại ô Caracas chia sẻ rằng, cô phải chi hơn nửa tiền lương của mình để mua nhu yếu phẩm nuôi hai con nhỏ. “Lần cuối cùng chúng tôi ăn thịt gà là tháng 12 năm ngoái”, Linares nói. Theo Linares, Chính phủ điều hành địa điểm mua thực phẩm và các vật dụng thiết yếu như Mercal và Bicentenario. Tuy nhiên, người dân phải xếp hàng qua đêm và thậm chí về nhà mà không mua được gì vì mọi sản phẩm đều được bán hết trước đó hoặc bị cướp khi họ rời cửa hàng.
Trang Medium International thì dẫn câu chuyện của một thiếu nữ Venezuela giấu tên: “Tôi đã phải dùng chiêu bài “ăn chắc”, bằng cách tiến thẳng vào quầy thu ngân và chắc chắn họ có thứ mà tôi cần - băng vệ sinh. Tôi thầm nghĩ trong đầu: “Ồ, hôm nay là một ngày may mắn”. Tôi phải chờ đợi 10 phút - mà cảm giác dài bất tận. Tôi nhìn những gói băng vệ sinh bằng cả sự phấn khích pha chút… tuyệt vọng mơ hồ. Đến lượt, tôi yêu cầu người thu ngân đưa một gói nhu yếu phẩm của phụ nữ, cô ấy đề nghị tôi đưa thẻ căn cước công dân. Tôi gần như… phát khóc khi cô ấy xem xong tấm thẻ và nói: “Em gái, hôm nay không phải là ngày cho số thẻ của em”. Ôi, tôi không thể mua băng vệ sinh, giấy vệ sinh, xà phòng hay cái gì tương tự. Chẳng phải vì tôi không có tiền…”.
Hãng tin CNN thử so sánh giá cả một số mặt hàng thiết yếu: Một túi bột ngô (dùng để làm bánh, là loại thức ăn phổ biến ở Venezuela) có giá gần 302 USD; ở Mỹ khoảng 9,3 USD. 1kg sữa bột có giá khoảng 704 USD (gần một nửa lương tháng tối thiểu); ở Mỹ chỉ hơn 7 USD. Một tá trứng có giá gần 151 USD, trong khi tại Mỹ khoảng 1,49 USD. Mỳ pasta có giá khoảng 302 USD/kg, trong khi tại Mỹ khoảng 2,5 USD/kg.
Nước sinh hoạt cũng do Chính phủ phân phối. Tại một số khu vực, 21 ngày mới được cấp nước một lần. Người dân phải “câu trộm” nước từ các bể bơi và xe tải chở nước để sống qua ngày. Điện cũng thiếu trầm trọng, mỗi ngày, Venezuela cắt điện 4 giờ trên cả nước và Tổng thống Maduro lệnh cho các cơ quan Nhà nước chỉ làm việc hai ngày/tuần để tiết kiệm điện.
Con tàu đang chìm dần
Hai người đàn ông Venezuela tìm thức ăn trong đống rác ở Thủ đô Caracas |
Mới đây nhất, một sắc lệnh có hiệu lực từ cuối tháng 7 buộc mọi công dân phải làm việc tại các trang trại để giải quyết tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Các nhân viên thuộc khu vực công và tư phải làm việc trên các cánh đồng trong ít nhất 60 ngày, có thể còn lâu hơn “nếu tình trạng bắt buộc”, theo CNN.
Thậm chí, ngày 8/8 vừa qua, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro kêu gọi người dân đô thị tự cung bằng cách trồng rau quả trên ban công, mái nhà nơi họ sinh sống. Cùng ngày, giới chức Venezuela cho biết, trong ba tháng vừa qua, cư dân đô thị thu hoạch được 273 tấn rau quả tự trồng; Thấp hơn rất nhiều và khó có thể đạt mục tiêu 3.500 tấn trong năm 2016.
“Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng bằng cách buộc người dân ra ruộng làm việc chẳng khác gì tìm cách chữa gãy chân bằng… một miếng băng”, bà Erika Guevar Rosas, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế khu vực châu Mỹ nói. Mọi thứ càng tồi tệ hơn khi mới đây, CNN Money dẫn dự đoán của ông Russ Dallen, chuyên gia về nợ của Venezuela thuộc công ty đầu tư Caracas Capital (Mỹ) cho rằng, trong vòng một năm tới, Venezuela sẽ còn “thảm” hơn vì hết sạch tiền. Còn Bloomberg dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rằng, tỷ lệ lạm phát ở Venezuela ước tính sẽ lên tới mức 481% vào cuối năm nay và khoảng… 1.642% vào năm tới (2017). Một bữa ăn Happy Meal của hãng McDonald có giá lên tới… 146 USD.
Nicholas Casey - PV New York Times nói sau một tháng tác nghiệp ở Venezuela: “Nhiều độc giả hỏi tôi có thấy một tín hiệu đáng mừng nào cho Venezuela không. Tôi không biết trả lời thế nào. Tôi đang cảm nhận Venezuela giống như một con tàu đã đắm và dần dần chìm”.
Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela (CNE) Tibisay Lucena tuyên bố, đến cuối tháng 10 phe đối lập mới được phép thu thập chữ ký của 20% cử tri (khoảng 4 triệu người) để khởi động một cuộc trưng cầu dân ý bãi nhiệm Tổng thống Nicolas Maduro, theo BBC ngày 10/8.Tuy nhiên, Thủ lĩnh đối lập Henrique Capriles phản ứng giận dữ trước thông tin này. Bởi, nếu trưng cầu dân ý tổ chức trong năm nay và ông Maduro bị phế truất thì Venezuela sẽ tổ chức bầu cử, đồng nghĩa phe đối lập có cơ hội nắm quyền. Nếu trưng cầu dân ý tổ chức vào năm 2017, thì dù ông Maduro bị phế truất, Đảng Xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục cầm quyền và Phó tổng thống sẽ lên thay thế. Nếu phe đối lập thu thập đủ số chữ ký này, CNE sẽ có một tháng để xác thực các chữ ký và ba tháng nữa để lên lịch cho cuộc trưng cầu dân ý. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận