Tất cả là nhờ con đường bê tông được mở gần 20 năm trước với sự góp sức của khoảng 14.000 lượt thanh niên.
Ký ức đẹp 20 năm mở đường
Người Trạm Tấu dường như ai cũng nhớ, trước đây, muốn "đi Tà" (đến Tà Xi Láng - PV) phải cơm đùm nước lọ, cuốc bộ trèo đèo, xuyên rừng cả ngày mới đến. Đường chỉ đủ người lách ngựa len, sơ xảy có thể ngã rơi vực mất mạng.
Những thủ lĩnh đoàn 20 năm trước cùng nhau chỉ huy công trường đường Tà Xi Láng.
Mở đường lên Tà Xi Láng là khát vọng không chỉ của người dân, mà còn là nỗi đau đáu của lãnh đạo địa phương. Thời điểm hơn 20 năm trước, cơ quan chức năng tính toán, cần khoảng 10 tỷ đồng mới có thể mở hơn 15km đường "lên Tà". Đó là một số tiền lớn ở thời điểm ấy.
Ngày mùa đông 2003, Tỉnh đoàn Yên Bái triệu tập cuộc họp thủ lĩnh đoàn toàn tỉnh. Ý tưởng dùng sức trẻ mở đường lên Tà Xi Láng được đưa ra. Thật bất ngờ, những cánh tay giơ lên đồng loạt, thể hiện nhiệt huyết, quyết tâm.
Được sự phê duyệt, thông qua của lãnh đạo địa phương và cơ quan chức năng, gần Tết năm 2004, gần 14.000 bạn trẻ đến từ các huyện thị, thành phố trong tỉnh và Quân khu 2 nô nức mang xà beng, cuốc xẻng lên núi trong cái lạnh khắc nghiệt 3 độ để phá đá làm đường.
Ông Trần Hữu Tiến khi đó là Bí thư Huyện đoàn Văn Chấn (nay là Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện ủy) và ông Hoàng Việt khi đó là cán bộ Huyện đoàn (nay là Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Văn Chấn) không thể quên ký ức làm đường lên Tà Xi Láng của hơn 20 năm trước.
Những chàng trai, cô gái vác ba lô hăm hở, tình nguyện không hưởng một ngày công khi nghĩ đến cái nghèo của người Mông trên non. Dây thừng thắt lưng buộc nối gốc cây, treo cả người lơ lửng trên cao để cuốc vách, đu ra vực tìm lỗ khoan đặt mìn phá đá. Ngày mưa kéo dài nhưng không ngày nào công trường ngơi nghỉ. Toàn tuyến rừng núi vang rầm rào tiếng đất đá rơi.
"Vất vả vô cùng, nhưng lẫn trong tiếng đất đá, cuốc thuổng vẫn dậy lên tiếng ca yêu đời", ông Tiến xúc động kể.
Ông Hoàng Hữu Độ, Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái - chỉ huy trưởng công trường 20 năm trước (nay là Bí thư Huyện ủy Lục Yên) bồi hồi nhớ lại: "Có bạn bị đau ruột thừa được anh em cáng đi bộ xuống núi mà phải buộc dây thừng đu cả người lẫn cáng qua nhiều đoạn vách.
Bạn lịm đi trên cáng, anh em gần như kiệt sức mà không dám nghỉ vì lo phải đưa đến viện kịp thời. Bác sỹ tiếp nhận ca mổ nói đêm ấy chỉ chậm vài chục phút nữa thì chắc chắn không cứu được. Thế mà hôm sau, anh em trở lại công trường ngay".
Con đường giúp đồng bào Mông đổi thay
Chỉ sau hơn 40 ngày, con đường lịch sử uốn theo núi Tà đã dần thành hình. Ngay tại công trường năm ấy đã có tới hơn 1.500 bạn trẻ được kết nạp Đoàn, 117 người được kết nạp Đảng.
Đường Tà Xi Láng được bê tông hóa, ô tô lên đến tận trung tâm xã.
Hàng ngàn lá thư của các em nhỏ từ hậu phương Yên Bái gửi đến "tiền tuyến" thăm hỏi các anh chị. Tiền, thuốc men cũng được quyên góp gửi lên tiếp sức để có được con đường ở vùng núi hiểm trở nhất tỉnh Yên Bái, đủ cho xe tải nhỏ chạy lên Tà Xi Láng - niềm mơ ước của 1.600 người Mông đang sống trên non cao.
Hơn 20 năm trước, khi đường Tà chưa được làm, việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng lên xã gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Bởi ngoài giá cước vận chuyển quá cao, còn liên quan đến việc không phải loại xe nào cũng "bò" lên được.
Người dân ở Tà Xi Láng nếu muốn xây nhà hồi đó, giá thành đội lên gấp 15-20 lần bình thường. Nay có đường, tuy giá thành vẫn cao hơn vùng thấp nhưng việc xây dựng nhà cửa trên núi đã không còn là chuyện không tưởng như trước.
Câu chuyện đổi mới kể từ khi có đường còn được cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân nhắc đi, nhắc lại với PV Báo Giao thông trong những lần đi bản, những bữa cơm thân mật với chén rượu ngô men lá thơm nồng.
Có con đường ấy, người già được đưa đi chữa bệnh ở bệnh viện, trẻ nhỏ được gửi xuống các trường học dưới huyện, giao thông đi lại tiện lợi, hàng hóa nông lâm sản thông thương.
Con đường sức trẻ
Ông Hờ Ga Vàng, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Tà Xi Láng ngước đôi mắt nhìn về ngọn núi phía xa xa, trầm tư: "Tôi nhớ hồi còn trẻ, tham gia chống thực dân Pháp, chúng tôi cùng bộ đội phải trèo núi, vượt rừng đến mấy ngày mới ra được đường lớn. Vùng này ngày ấy hoang vu lắm, không ai dám mơ đến chuyện có đường đất chứ đừng nói là đường bê tông như bây giờ".
20 năm trước (năm 2004) đã có gần 14.000 lượt thanh niên được huy động, trèo đèo lội suối mở con đường này.
Ông Vàng tâm sự, nhờ có đường mà bà con nơi đây đã được tiếp cận với điện thắp sáng, biết thế nào là điện thoại di động, thậm chí còn biết cả internet. Hàng hóa nông lâm sản đã được đưa xuống chợ huyện bán lấy tiền mua vải, mua quần áo, mua đồ trang sức.
"Nay người Mông Tà Xi Láng cũng có thể sang chơi với bà con, đồng bào các xã láng giềng hay xuống tận trung tâm huyện mua sắm, cả đi và về chỉ mất nửa ngày. Có đường, sự giao thoa văn hóa tiến bộ rõ rệt, đời sống bà con cũng từng ngày được cải thiện", ông Vàng chia sẻ và cho hay, mọi người vẫn quen gọi con đường ấy là "con đường sức trẻ".
Ông Trần Bình Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Tà Xi Láng cho biết, năm 2023 vừa qua, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã đạt 2.230 tấn, trong đó các loại nông sản như ngô, lúa nương đã trở thành hàng hóa, được các tiểu thương mua về vùng xuôi rất nhiều. Số lượt khách du lịch đến xã ước đạt trên 5.300 lượt, doanh thu từ du lịch đạt 4 tỷ đồng.
"Có đường tốt rồi, đường sẽ giúp bà con dân bản đi lại nhanh hơn, người dân nơi đây đã không còn phải sống trong cảnh bị cô lập nữa. Hôm nay rồi mai sau, con đường này chính là nhịp cầu nối liền cuộc sống văn minh, là niềm hy vọng đổi thay của bản làng", ông Trọng tin tưởng.
Ông Trần Bình Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Tà Xi Láng cho biết, nhờ có con đường, tỉ lệ hộ nghèo ở Tà Xi Láng đã được giảm hàng năm, đến nay giảm xuống còn 68,83% (giảm trên 7% so với năm 2022 và đã giảm rất nhiều so với 20 năm trước); Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học 99,6%, THCS 98,32%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp học bậc tiểu học 99,6%, THCS 98,3%".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận