Dù "mỗi nhà mỗi cảnh", nhưng khi khoác lên đồng phục tài xế công nghệ, các bác tài luôn nỗ lực phục vụ khách hàng. Sự thấu hiểu và san sẻ của người thân chính là sự khích lệ tinh thần vô cùng lớn để các bác tài vững tay lái và mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Hay tin vợ bị tai biến khi đang… nhận thưởng
Có thâm niên là tài xế GrabBike rồi đến GrabFood gần 4 năm nay, anh Nguyễn Ngọc Khiêm (TP.HCM) cho biết, bản thân chọn nghề vì có thể chủ động về mặt tài chính để lo cho gia đình. Anh Khiêm chia sẻ: “Các con đang tuổi ăn tuổi lớn, nên tôi càng phải cố gắng gấp đôi. Lễ, Tết, các tài xế khác nghỉ hay về quê, nhưng tôi vẫn mở app nhận cuốc, làm nhiều thì giúp được gia đình nhiều thôi”.
Anh Khiêm thường về lúc cả nhà chuẩn bị ngủ, tuy thời gian bên gia đình hiếm hoi, nhưng cả vợ và 2 con trai đều thấu hiểu công việc của anh. Nguyễn Quốc Anh (16 tuổi), con trai anh Khiêm, tâm sự: “Cứ nhìn ba thì em biết nghề tài xế vất vả, vì suốt ngày đội mưa nắng ngoài đường. Nhưng em được học hành, được trưởng thành nhờ những chuyến xe của ba, nên ai có hỏi em luôn tự hào giới thiệu em có ba là tài xế Grab. Grab tạo nhiều cơ hội việc làm nên gia đình em mới vượt qua được những cái khó khăn, ổn định cuộc sống. Em cảm ơn lắm”.
Ấp ủ mong muốn đổi một chiếc xe mới từ lâu, nhưng anh Khiêm ưu tiên lo cho chuyện học hành của các con. Trong một buổi gặp mặt định kỳ của anh em tài xế do Grab tổ chức, vừa vỡ òa biết tin mình trúng thưởng chiếc xe máy trong phần bốc thăm may mắn, anh cũng đồng thời nhận tin dữ: vợ gặp tai biến, ngất giữa đường. Không nghĩ ngợi nhiều, anh tức tốc chạy về để kịp đưa vợ đi cấp cứu.
May mắn qua cơn nguy kịch, nhưng vợ anh Khiêm nằm một chỗ. “Lúc đó, tôi nghỉ chạy xe 3 ngày để chăm sóc vợ. Cũng sốt ruột chuyện “kiếm cơm” lắm, nhưng phải chăm cho bả khỏe lên thì mới an tâm. Sang hôm thứ 4 tôi bật ứng dụng chạy lại, tôi nghỉ thêm thì chắc cả nhà… đói. Khi sức khoẻ vợ đã ổn định, tôi đi họp đội mới biết, anh Sơn (Đội trưởng đội Đoàn Kết) sau khi gọi hỏi thăm đã báo về để Grab ghi nhận tôi nghỉ dài ngày do gia đình gặp sự cố nên khi tôi đi làm lại, ứng dụng vẫn hoạt động bình thường, không bị chậm do mấy ngày liên tiếp ngừng hoạt động”, anh Khiêm trầm ngâm.
Hiểu được hoàn cảnh gia đình, biết mẹ bệnh thì ba sẽ càng vất vả, một tay em Quốc Anh chăm sóc mẹ mỗi ngày. Quốc Anh chia sẻ: “Ba vừa là tài xế của mọi người để lo mưu sinh, vừa là chồng, là ba nên chuyện gia đình cân bằng được hết đâu dễ dàng gì. Thương ba nên em cố gắng chăm sóc tốt cho mẹ, giúp ba yên tâm chạy thêm nhiều những chuyến xe phục vụ khách hàng”.
“Không biết con bé có trách tôi vì vô tâm không nữa…”
Khác với anh Khiêm, tài xế GrabBike Nguyễn Tấn Huy (TP.HCM) đã sống cảnh “gà trống nuôi con” gần 10 năm nay. Từng có những ngày chạy xe ôm phải giấu con gái “ăn mì thay cơm”, khi chuyển sang làm tài xế GrabBike, thu nhập gia đình anh ổn định hơn, con cái cũng có điều kiện thực hiện ước mơ đặt chân đến cánh cổng đại học.
“Từ lúc không còn mẹ bên cạnh, con bé phải tập quen với việc tự đi học. Sáng tôi lo việc nhà, trưa chạy xe, tối mịt mới về, nên cha con cũng không nói chuyện nhiều, chỉ tranh thủ được những hôm hết cuốc sớm chạy sang đón con tan ca làm thêm. Không biết con bé có trách tôi vì vô tâm không nữa...”, anh Huy ngậm ngùi.
Nguyễn Thị Mỹ Thúy (20 tuổi), con gái anh Huy, chia sẻ: “Nhìn ba trở về sau một ngày chạy xe, mình muốn nói nhiều điều lắm nhưng… ngại, dù gì giữa con gái và ba cũng thường có đôi chút khoảng cách. Ba thì sợ mình lo ba khổ, sợ mình buồn nên ba hay kể toàn chuyện vui, nào là chuyện được 5 sao, được khách hàng hỏi thăm…”.
May mắn hơn, tài xế GrabCar Tưởng Phi Nhâm (Hà Nội) luôn có vợ đồng hành. Từ nghề lái xe tải chuyển sang làm đối tác tài xế GrabCar, rong ruổi khắp mọi nẻo đường Hà Nội, vợ vẫn luôn là “hậu phương” ủng hộ và san sẻ mọi chuyện vui buồn mỗi ngày với anh.
“Buổi sáng, tôi đi lấy hàng cho bà ấy buôn bán, tầm 4 giờ chiều mới bắt đầu chạy, vào dịp lễ, Tết tôi sẽ tăng ca chạy thêm buổi sáng. Mỗi tuần, tôi đều tranh thủ nghỉ một buổi để chở cả nhà đi ăn uống cho khuây khỏa. Nhưng lỡ hôm đó “nổ” cuốc liên tục, mấy đứa nhỏ cũng cười, nói ba cứ làm đi, nhớ mua trà sữa về cho con là được”, anh Nhâm chia sẻ.
Tâm lý muốn đem lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình trở thành “áp lực vô hình” khiến các bác tài phải bươn chải mưu sinh. Nhưng ít ai biết rằng, sự thấu hiểu, san sẻ từ những người thân trong gia đình lại chính là nguồn động lực lớn nhất, giúp cộng đồng tài xế áo xanh vững tay lái trên mọi cung đường.
Không chỉ có gia đình mới có thể tiếp thêm động lực cho tài xế công nghệ, bạn cũng có thể khích lệ tinh thần các bác tài bằng 3 bước đơn giản sau: Bước 1: Đánh giá 5 sao trên ứng dụng Grab sau mỗi chuyến xe. Bước 2: Viết lời “Cảm ơn” vào phần nhận xét. Bước 3: Nhấn “Gửi” để trao lời cảm ơn đến các tài xế công nghệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận