Hàng không

Nỗi sợ không ngờ của các phi công

16/11/2020, 08:30

Trong nhiều trường hợp, khi chim va phải máy bay, chúng có thể bị hút vào động cơ và làm gãy cánh quạt...

img
Phi công rất lo lắng khi chim va làm hỏng tàu bay (Ảnh minh hoạ)

Mới đây, một chiếc máy bay A321 mang số hiệu VN166 của Vietnam Airlines từ Đà Nẵng vừa hạ cánh tại sân bay Nội Bài, thợ kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay VAECO phát hiện đèn dẫn đường (Navigation lights) ở trên cánh bên trái của tàu bay (màu đỏ) bị vỡ. Nam nhân viên này cũng phát hiện 1 phần xác chim dính vào phần kính của đèn.

Trung tâm khai thác khu bay Nội Bài sau đó phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra theo lộ trình tàu bay từ đường cất/hạ cánh về tới vị trí đỗ nhưng không phát hiện vật ngoại lai, xác động vật (FOD).

Chỉ sau đó một ngày, cũng tại sân bay này, máy bay B777 mang số hiệu QR8094 của hãng hàng không Qatar Airways bay từ sân bay quốc tế Doha cũng được phát hiện có một vết máu tại phần mũi của tàu bay.

Cơ quan chức năng tại Nội Bài nhanh chóng kiểm tra nhưng không phát hiện xác chim hoặc chướng ngại vật ngoại lai liên quan.

Trước đó, nhân viên kỹ thuật tại CHK Phú Bài phát hiện có lông chim trong động cơ máy bay của máy bay VN-A652 mang số hiệu VJ310. Thợ máy sau đó mất gần 6 giờ để kiểm tra kỹ thuật tàu bay trước khi xác định máy bay đủ điều kiện hoạt động.

Liên quan đến chim va tàu bay, tại CHK quốc tế Cát Bi, vụ việc hy hữu xảy ra khi máy bay phải chờ tới hơn 40 phút mới có thể cất cánh sau khi nhận được thông tin có đàn chim đậu trên đường băng.

Tổ kiểm tra của sân bay Cát Bi dùng xe có đèn chớp, còi hú chạy vào đường băng xua đuổi. 40 phút sau khi chờ đợi, sân bay mới đuổi hết chim khỏi đường băng và chuyến bay có thể cất cánh an toàn.

Hồi giữa tháng 7/2020, tại CHK quốc tế Phú Quốc, một tổ bay cũng phát hiện có chim trên đường băng và đề nghị an ninh hàng không ra kiểm tra. An ninh hàng không phát hiện hai con chim ó đang đậu trên đầu đường băng và đã xua đuổi chim ra khỏi khu vực trên.

Chia sẻ với Báo Giao thông, một cơ trưởng kỳ cựu cho hay, về lý thuyết, các máy bay lớn vẫn có thể tiếp tục bay sau khi va chạm với chim nặng tối đa 2kg.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi chim va phải máy bay, chúng có thể bị hút vào động cơ và làm gãy cánh quạt. Chiếc cánh gãy bị hút sâu vào bên trong động cơ và làm hỏng các bộ phận khác.

Chênh lệch tốc độ giữa máy bay và chim càng lớn, tác động của vụ va chạm đối với máy bay càng đáng sợ. Một đàn chim sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu chúng đâm vào máy bay nhiều lần.

Khắc phục tình trạng này, TCT Cảng hàng không VN (ACV) cho hay, các cảng hàng không của doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục duy trì các biện pháp đuổi chim theo hướng dẫn tại sổ tay kiểm soát chim và động vật hoang dã; Ngăn ngừa chim xuất hiện trong phạm vi cảng thông qua các biện pháp triệt tiêu nguồn thức ăn của chim; nạo vét và cắt cỏ khu bay, khơi thông mương thoát nước để hạn chế sự cư trú và phát triển của chim…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.